Em nên lấy vợ để duy trì nòi giống hay công khai sống thật với giới tính của mình?
Em là cháu đích tôn của dòng họ và là gay. Cha mẹ và chị em cho rằng nhìn em trắng trẻo, nhút nhát, xinh trai nên thuộc dạng “nam tính mềm”, chỉ cần có bạn gái là sẽ… đâu vào đấy. Gần đây cả nhà gán ghép em với con gái của một gia đình thân thiết, dự định sau khi em học xong sẽ mau chóng tiến đến ăn hỏi – cưới vợ – hoàn thành nghĩa vụ sinh con trai nối dõi, rồi em muốn sống thế nào thì tùy.
Em suy nghĩ dằn vặt mãi: Nên lấy vợ để duy trì nòi giống hay công khai sống thật với giới tính của mình?
Em trai giấu tên (Q.5, TPHCM)
Không ai trong chúng ta được hỏi ý kiến trước khi sinh ra, đúng không em? Mình không thay đổi được giới tính tạo hóa đã ban cho, nhưng có thể quyết định và chịu trách nhiệm về những việc mình làm.
Cách đây vài thập niên, những người có xu hướng đồng tính luyến ái ở nước ta, cả nam lẫn nữ, đều bị xã hội kỳ thị nên phải chịu đựng, giấu giếm con người thầm kín “không giống ai” của mình, thậm chí cảm thấy cô độc, tự ti, xấu hổ, bất lực. Theo tiến sĩ Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội – nếu lấy tỷ lệ trung bình, an toàn mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% dân số thì số người đồng tính và song tính trong độ tuổi 15 – 59 ở Việt Nam tạm tính vào khoảng 1,65 triệu người.
Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhân cách người có xu hướng tình dục đồng giới không có gì khác mọi người, ngoại trừ xu hướng tính dục. Họ hoàn toàn khỏe mạnh, có năng lực thể chất, tâm hồn phong phú, đam mê công việc, yêu quý người thân, trân trọng cơ thể và đời sống tình dục của mình, “máy móc” hoạt động bình thường, biết nuôi dạy con cái như những bậc cha mẹ tốt.
Các nhà khoa học cho rằng, xu hướng tình dục đồng tính là tự nhiên của một số ít người, được hình thành rất sớm, đôi khi ngay từ trong bụng mẹ và chắc chắn vào độ tuổi lên 5. Vì thế, đó chỉ là kết quả của một cấu trúc sinh học mà họ không thể thay đổi chứ không phải là sự suy đồi về đạo đức hay sự chọn lựa có chủ ý.
Trước kia, một vài nước từng sử dụng những phương pháp “cứng rắn” nhằm triệt tiêu cảm xúc tình dục đồng giới (cắt bỏ vú và tử cung đang hoàn toàn lành lặn ở những người đồng tính nữ, phẫu thuật não ở thùy trán hoặc cắt bỏ tinh hoàn, âm vật…). Đến năm 1973, Hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã loại tình dục đồng giới khỏi danh mục các bệnh về tinh thần hay rối loạn tình cảm, không gây hại cho cộng đồng vì không lây lan và năm 1990 chứng minh rằng việc điều trị để thay đổi xu hướng tính dục chẳng những không có tác dụng mà còn gây hại nhiều hơn. Đồng tính luyến ái không phải là đồi bại, lệch lạc, bệnh; không nên xem xét dưới góc độ đạo đức hay tôn giáo.
10 năm qua được coi là một thập niên tiến bộ với cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Các diễn đàn trực tuyến của cộng đồng LGBT phát triển rực rỡ, xóa đi rào cản địa lý và thời gian, gắn với các hoạt động xã hội.
Về chuyện kết hôn, em nên cân nhắc kỹ:
– Nếu em là gay 100%, lấy vợ chỉ để sinh con cho dòng họ thì em sẽ nợ người con gái ấy cả cuộc đời. Những đứa bé sinh ra trong tình cảm lạnh nhạt của cha dành cho mẹ, khi lớn lên sẽ bị thiếu hụt tình cảm.
– Nếu công khai giới tính, em cần lường trước khả năng người thân có cái nhìn tiêu cực đối với người đồng tính, dè bỉu, không chấp nhận con cháu mình yêu người “cùng hệ” và chính em cũng chịu nhiều áp lực. Tuy vậy, những mất mát ấy không vô ích mà giúp hai bên mở lòng ra đón nhận nhau, không chỉ thay đổi thái độ của gia đình với em mà còn thay đổi thái độ của em về bản thân.
Ai đó đã nói rằng cuộc sống thường không chật hẹp trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố mà chính trong những định kiến và suy nghĩ của con người. Em đừng “vô hình” hay ẩn nấp mà hãy “bước ra khỏi vùng an toàn” để định danh chính mình.
–
Bác sĩ Hoa Tiêu
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chi-duong-cho-huou-em-muon-cong-khai-a1474080.html” name=””]