Bạn trai cũ đã lên Facebook, Zalo và nhiều trang mạng xã hội nói xấu cháu nhằm thỏa mãn cơn tức giận của mình và ra sức hạ danh dự cháu.
Sau khi chia tay, bạn trai cháu lên Facebook, Zalo và nhiều trang mạng xã hội nói xấu “người yêu cũ” nhằm thỏa mãn cơn tức giận của mình và hạ danh dự đối phương. Không những thế, bạn ấy còn lôi kéo cả người ngoài cuộc vào “đánh hội đồng” để cháu không còn đến được với ai nữa.
Tình cờ xem được một khảo sát trên mạng dành cho độ tuổi 17-25, cháu thấy có tới 80% các đôi kết thúc mối quan hệ vì lý do “cảm thấy không hợp và không tìm được tiếng nói chung”.
Cháu có cần lên tiếng về những cái “không hợp” đầy xấu xa của người cũ và tìm cách chống lại “chiến dịch bóc phốt” của người ta không, thưa cô?
Nguyễn Hồng T. (Bình Dương)
Nhiều bạn trẻ không ý thức được hết những gì mình làm nên sau khi chia tay đã có hành động xốc nổi để trả thù tình cũ. Không chỉ con trai mà nhiều bạn gái vì muốn cả đời người bạn trai kia không thể quên mình nên đã làm những chuyện dại dột như uống thuốc, cắt tay, nhảy cầu và nhiều chuyện điên rồ khác.
Có người cho rằng không nên kiềm chế cảm xúc, có sao thì cứ bộc lộ như vậy, đè nén chỉ càng hại bản thân, tốt nhất là xả hết ra cho nhẹ lòng.
Sau khi chia tay, nhiều cặp không kiềm chế được lời nói và có những hành động làm ảnh hưởng đối phương. Khi giận dữ, người ta muốn đối diện với kẻ gây chiến ngay lập tức, đồng thời chứng minh cho thế giới biết rằng mình không sai, không yếu đuối. Nhưng, hành động vì tức giận là điểm yếu lớn nhất trong mọi điểm yếu của con người.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Khi “máu nóng bốc lên đầu”, người ta hay nói những điều lẽ ra không nên nói, thậm chí không hiểu hết ý nghĩa những gì đang nói. Do đó, từ xung đột giữa mình với người đó, đôi khi người ta còn tạo ra mối bất hòa với người khác. Ai chín chắn sẽ thận trọng hơn khi lập mối bang giao với người “cả giận mất khôn” như vậy.
Điều cháu nên làm vào thời điểm này là tìm giải pháp cho vấn đề và tìm cách xử lý những nguyên nhân gây ra nó thay vì đấu tranh và chửi rủa bởi thông thường, những việc “nói cho bõ tức” không mang đến kết quả tốt đẹp. Làm tổn thương người ta từng yêu thương ngỡ sẽ giảm nỗi đau, cay cú, “mất mặt”… của mình nhưng thực ra chỉ khiến mọi người thị phi, đàm tiếu và xem thường mối quan hệ của cháu mà thôi. Giống như việc đám đông chứng kiến cảnh xô xát ở chợ, sau khi thỏa mãn tò mò, ai về nhà nấy, sau đó thiên hạ hiếu kỳ lại xúm vào xem vụ mới.
Cháu có thể nổi giận với những người không tốt hoặc thô lỗ với mình nhưng không có nghĩa là giữ lòng thù hận với họ. Giữ mối thù hận với người khác chỉ làm cháu nghĩ về những điều sai trái người đó đã làm, khiến tâm trạng cháu ngày càng tồi tệ hơn. Thay vào đó, lòng vị tha và bao dung sẽ giúp cuộc sống của cháu không có bóng dáng cảm xúc tiêu cực.
Khi mới bắt đầu một mối quan hệ yêu đương, nhiều bạn trẻ cho rằng yêu là yêu thôi, không cần phải suy nghĩ nhiều.
Tuy nhiên, khi kết thúc một mối quan hệ, các bạn lại có rất nhiều lý do.
“Chúng mình chia tay vì không hợp nhau”. Điều đó hoàn toàn đúng! Không hợp là lý do của mọi lý do. Chỉ có điều, xuất phát điểm của “không hợp” là gì lại phụ thuộc vào mục tiêu của ta khi bắt đầu tìm hiểu đối tượng. Có bạn yêu là vì sự cuốn hút, vì tiền tài, vì tình dục, vì sự thương hại, vì muốn chiếm hữu… Khi đã được đáp ứng hoặc không hài lòng thì bạn thấy mình… nhầm. Một nguyên nhân muôn thuở dẫn đến các cuộc chia tay là do người thứ ba. Người trong cuộc hay đổ lỗi “do cô ấy/anh ấy nên tôi mới thế này, thế kia” mà không chịu nhìn nhận lại bản thân xem mình đúng – sai trong vấn đề này như thế nào.
Ai đó đã nói rằng: “Yêu là số nhiều”, cháu vẫn còn trên bước đường tìm hiểu và chọn lựa người yêu của mình. Hãy quên chuyện “bóc phốt” không vui này. Nó chẳng khác nào bóc một củ hành tây: bóc đến lớp nào cũng khiến người bóc cay xè đến chảy nước mắt.
Bác sĩ HOA TIÊU
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chi-duong-cho-huou-noi-xau-nguoi-cu-de-ha-gian-a1473442.html” name=””]