Mỗi đợt về thăm nhà, tôi lại mê mẩn cảm giác lúc chiều buông. Mặt trời ẩn hiện sau những lớp mây, cảnh vật xung quanh cũng mang một màu ấm áp.
Cứ tầm 3-4 giờ chiều, sau giấc ngủ trưa, tôi mặc đồ bộ, mang đôi dép lê, đội chiếc nón lá của mẹ rồi hòa vào làn gió mát đạp xe về hướng chợ chiều. Có lúc tôi chạy chậm rãi ngắm cảnh, lúc rướn người đạp nhanh hứng gió.
Gọi là chợ nhưng thật ra chỉ là 1 mái nhà với vài bậc thềm, bao bọc xung quanh là 3 bức tường vàng cũ kỹ nằm cuối con hẻm đường liên xã. Có vài sạp rau, thịt được đóng lên quầy chỉn chu, còn lại người bán trải miếng bao cám cũ ra rồi đặt lên trên đủ thứ. Cũng chẳng có bảng hiệu hay tấm giấy nào ghi giá cả.
Cứ bày biện ra, nào là sợi mì Quảng, bún tươi, bánh mì, mớ đọt rau lang xanh mởn, vài trái bầu, mấy trái xoài còn vương mùi nhựa, thêm cả rổ trứng gà mới đẻ hay lũ cá mới vớt ngoài đập lên còn đang nhảy xôn xao thau nước. Người bán, người mua đôi khi không cần dùng tiền mặt, cứ đưa món mình dư rồi đổi món mình thiếu.
Ở góc chợ chiều đó cũng không có chiếc cân nào. Mọi thứ được cân đo bằng đôi mắt và lòng người. Cô Ba, dì Bảy thấy tôi liền đưa tay vẫy vẫy: “Bé, bé, mua phụ dì mớ ốc đắng đi con. Cả sáng đi dọc đồng mới được chừng ni đây”. “Ăn mít nghệ không con? Múi dày dữ lắm. Nè, hồi hôm có con sóc mới đục một miếng đây”…
Tôi nhón chân lên bậc thềm, ghé sạp mì của thím Hai. Tôi không nhớ thím bắt đầu tráng mì, tráng bánh bán từ khi nào. Chỉ nhớ từ hồi chưa biết chạy xe đạp, tôi đã được mẹ chở vào sạp thím mua mì tươi. Thím bày biện gói gọn cái nồi tráng bột, mâm nhôm tròn vừa đủ lọt lòng miếng mì, nhanh tay dùng thân cây chuối thoa chút dầu phộng lên bề mặt rồi quay qua cắt mì thành từng sợi dài. Loại cắt sẵn khách sẽ mua về nấu mì Quảng trộn, mì Quảng xương.
Ảnh mang tính minh họa – Giang Nam |
Khách nào thích ăn mì lá thì thím để nguyên rồi xếp làm 4 cho gọn, kẹp thêm miếng bánh tráng mè đen đã nướng giòn. Món này mà chấm mắm nêm ăn thì ngon đến mức quên trời đất. Tôi nhìn thím, mái tóc đen nhánh ngày nào giờ đã lấm chấm bạc. Đôi tay thím hằn lên những vết đồi mồi và cả li ti nốt sẹo bỏng do hơi nước của nồi tráng. Dáng vẻ mưu sinh ấy đọng trong tôi như một miền nhớ.
Thím Hai thuộc hết thói quen mua mì của khách. Như nhà tôi rất thích ăn mì lá kẹp cùng bánh tráng nên chẳng cần hỏi nhiều, thím cứ vậy để vào túi. Tính tiền xong, thím với tay bỏ thêm miếng mì vào, cột lại rồi quay qua bán cho người khác. Thấy tôi phát hiện ra, thím lại cười xòa: “Lâu lâu con mới về, thím thêm miếng ăn cho đã thèm”.
Vừa bán thím vừa hỏi han tôi bao nhiêu chuyện: nào là ở thành phố công việc ổn định không, thu nhập có đủ sống không. Thím hỏi chuyện tình cảm rồi dặn dò “Cỡ nào cỡ, bến nào trong thì hãy “đậu” nghen con”.
Tôi không biết “bến trong” mà thím nói ở tận nơi nào. Chỉ biết rằng trên chuyến đò của tôi, quê hương như một bến đỗ mà mỗi lần “đậu” vào tôi đều thấy thân thương và bình yên đến lạ.
Chợ chiều quê như một chốn về quen thuộc, vì ở nơi ấy tôi cảm nhận được tình người qua những câu chuyện, những bó rau, chục trứng và cả những lần được dúi vào tay cái bánh chiên hay mớ mận chín cây. Hóa ra quê hương vẫn luôn ở đó, đón tôi về sau những bôn ba.
Ngọc Nữ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cho-chieu-que-a1522212.html” name=””]