Nhiều người đến nhà chị Linh khá bất ngờ khi nhà không có người giúp việc, ba mẹ bận đi làm nhưng mọi việc đều đâu ra đấy.
Chị Nhã Linh (39 tuổi, đang sống ở Hà Nội) luôn tự tin vào khả năng làm việc trong ngành nhân sự hướng nghiệp. Về nhà, chị là người mẹ 3 con “làm rốn cho nhanh” mọi việc. Cho đến một ngày, khi cảm thấy quá đuối, chị quyết định trao cho con quyền… làm việc nhà. Chị chia sẻ: “Khi con gái nhỏ được 1 tuổi, có những ngày tôi đi làm về, vừa lúi húi trông em bé, vừa nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ quần áo… Ông xã cũng rất bận, thường xuyên về nhà muộn. Trong khi đó, 2 con trai 15 tuổi, 12 tuổi ở trong phòng chơi game, xem máy tính, điện thoại”.
Sống cùng nhà nhưng xa cách, nhìn các con không nghĩ về trách nhiệm của mình đối với gia đình khiến chị Linh thấy không ổn. Chị nhận ra chị và con đã mất kết nối. Chị đã luôn cố làm việc nhà thay con, không đưa ra yêu cầu, không nhờ vả, hướng dẫn con nên con thấy không cần phải làm gì, cũng không biết cách giúp mẹ. Thường cuối ngày, chị mệt rũ sau khi đã xong mọi việc. Các con muốn hỏi mẹ chuyện gì, chị cũng cảm thấy phiền vì chỉ muốn được nghỉ ngơi, chị không còn đủ năng lượng để trả lời con tử tế.
Cậu con trai 12 tuổi của chị Linh rất giỏi chăm em và nấu ăn |
Chị lên kế hoạch trao quyền làm việc nhà cho các con, để con thể hiện vai trò của một thành viên trong gia đình, cùng cha mẹ xây dựng nếp nhà.
Đầu tiên, chị sắp xếp các công việc kết thúc vào 4g30 chiều để về nhà sớm hơn. Các con đi học về sẽ có khoảng 30 phút chơi tự do và sau đó sẽ ngồi vào bàn làm bài tập. Thời gian từ 4g30 đến 5g30 chiều, chị Linh cùng các con lo việc học. 1 tiếng sau đó, mấy mẹ con cùng vào bếp.
Ban đầu, chị hướng dẫn các con nấu những món con thích, sau đó nâng dần độ khó và tạo thành thói quen mỗi ngày. Ở cấp độ sau cùng, các con bắt đầu thích việc nấu ăn, sẽ sáng tạo hơn, tự xem các chương trình về ẩm thực, gợi ý thực đơn cho mẹ và ngày càng nâng cao tay nghề.
Như món ăn các con đều thích là món salad Nga, chị Linh dạy con cách sơ chế, xắt, thái rau củ và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ. Món này dễ thực hiện nhưng cần kết hợp nhiều nguyên liệu khác nhau, mỗi thứ một chút nên đã rèn cho các con sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Chị Linh cũng dạy con chuyên món rau luộc với rất nhiều loại rau theo từng ngày. Luyện tập cách luộc rau nhiều, các con có thể nhận diện các loại rau, biết canh thời gian chính xác để rau vừa chín tới. Đến giờ, chị Linh phải thừa nhận “con luộc rau còn xuất sắc hơn mẹ”.
Để con hứng thú và tăng kỹ năng nhanh hơn, chị Linh đăng ký khóa học nấu ăn tại trường cho con. Sau 1 năm thực hiện kế hoạch, chị Linh đã trao quyền thành công cho con chuẩn bị các bữa ăn. 2 cậu con trai lớn đã thành thạo mọi công đoạn từ lên thực đơn, đi siêu thị, nấu nướng và bày biện đẹp mắt. Ông bố cũng vào bếp trổ tài dịp cuối tuần nên các con càng thêm yêu thích công việc này.
Chị Linh chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi đã phải rất kiềm chế để hướng dẫn con. Ngoài việc nhẹ nhàng với con, tôi phải chấp nhận những lộn xộn – con thái rau lúc to lúc nhỏ, nấu mặn, nhạt, có hôm ngon, có hôm lại… khó ăn. Nhưng tôi tâm niệm rằng các con đang học từng chút một và tôi cũng cần phải học cách bớt đi những vội vàng, sốt ruột hay mong cầu”.
Nhiều người đến nhà chị Linh khá bất ngờ khi nhà không có người giúp việc, ba mẹ bận đi làm nhưng mọi việc đều đâu ra đấy. Các con tắm rửa xong sẽ tự phân loại áo quần, dọn dẹp nhà vệ sinh, dùng bữa xong sẽ tự giác dọn bàn ăn, bếp, sắp xếp chén đũa…
Ở nhà chị Linh, ba mẹ và các con vui vẻ trong bầu không khí kết nối. Các con hào hứng thưởng thức thành quả những bữa ăn, có ý thức ăn uống lành mạnh, rời xa thiết bị công nghệ để chú tâm vào việc nhà. Con trai luôn thoải mái nói với ba mẹ những vấn đề thầm kín của lứa tuổi teen. Mẹ có nhiều thời gian, năng lượng để trả lời con một cách thông thái. “Đến nhà các bạn chơi, các con còn thể hiện sự tự tin trong việc nấu nướng, dọn dẹp, được ba mẹ bạn khen nên con thích lắm” – chị Linh kể.
Mâm cơm do 2 con trai của chị Linh thực hiện |
Chị Linh còn trao quyền cho con trong học tập, phát triển bản thân và đặc biệt là nuôi dưỡng ước mơ về nghề nghiệp tương lai. Chị cho biết: “Cậu lớn rất thích tìm hiểu về công nghệ, kỹ thuật hàng không. Tôi tạo cơ hội để con nghiên cứu về các chủng loại máy bay, tự xây nên ước mơ, tìm môi trường phù hợp để học nghề. Con được cùng tham gia bàn bạc, hoàn thành kế hoạch tài chính với ba mẹ khi muốn đi du học”.
1 năm nhìn lại, chị Linh biết ơn sự kiệt sức của mình, bởi nó giúp chị dũng cảm thay đổi cách dạy con, để con trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn. Sự trao quyền dù khó khăn, lộn xộn trong giai đoạn đầu nhưng mang đến quả ngọt hạnh phúc.
Cát Tường
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cho-con-quyen-lam-viec-nha-a1489840.html” name=””]