Chị đã nói rằng chỉ cần 1 lần nữa thôi, chị sẽ ly hôn. Và câu nói này phải lặp lại đến nay là lần thứ 5 trong suốt hơn 10 năm hôn nhân.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Cuộc hôn nhân nào cũng có những giai đoạn mà 1 trong 2 người muốn dừng lại. Nhưng đàn ông thường khi đã quyết chia tay là sẽ dứt khoát, người phụ nữ thì khác, họ luôn dùng dằng giữa đi và ở, cuối cùng câu nói được đưa ra nhiều nhất sẽ là: “Thôi, ở lại vì con”. Họ nghĩ rằng mình chọn hy sinh để sống chung với người chồng ngoại tình, tệ bạc, vô tâm, vũ phu… chỉ để con có 1 gia đình trọn vẹn.
1 người chị tìm đến tôi và kể câu chuyện năm lần bảy lượt đưa lá đơn ly hôn ra rồi lại cất vào. Chồng chị ngoại tình, chị tha thứ, nhưng rồi anh vẫn chứng nào tật nấy.
Ngay giây phút phát hiện ra chuyện giữa chồng và cô đồng nghiệp trẻ mới về phòng, chị đã muốn ly hôn. Nhưng rồi chị tin tưởng, quyết định tha thứ và chồng chị lại vẫn tái phạm. Chị đã nói rằng chỉ cần 1 lần nữa thôi, chị sẽ ly hôn. Và câu nói này phải lặp lại đến nay là lần thứ năm trong suốt hơn 10 năm hôn nhân, nhưng chị vẫn chưa từng 1 lần biết cổng tòa án ở đâu.
Chị nói rằng chị không muốn con lớn lên trong cảnh bố mẹ chia lìa nên chị không ly hôn, chị phải ở lại vì con. Nhưng tôi đã hỏi lại: “Chị thử nghĩ kỹ xem, chị ở lại vì con hay là vì chính bản thân chị?”. Bởi rốt cuộc, chị chưa 1 lần ngồi nói chuyện cho con hiểu xem con muốn bình yên trong căn nhà chỉ có mẹ, lâu lâu bố qua thăm, hay sẽ là ngày ngày chứng kiến cảnh dằn vặt, cãi cọ, làm đau nhau giữa bố và mẹ. Nếu chị chưa hỏi, chưa phân tích cho con hiểu thì sao chị biết là vì con?
Tôi nghĩ chị hay rất nhiều người phụ nữ khác đều lầm tưởng 1 điều cơ bản. Rằng chúng ta nghĩ mình ở lại vì con, nhưng hoàn toàn không phải. Chúng ta ở lại vì chính mình. Thẳm sâu bên trong nghĩ rằng cuộc hôn nhân vẫn còn có thể níu kéo được, vẫn nuôi những hy vọng dù ngoài miệng có nói khác đi nữa, nên cuối cùng mới chọn ở lại. Và cũng vì quá nhiều những vấn vương, nuối tiếc, sợ hãi, không muốn đứng ra chịu trách nhiệm, không muốn tiếp tục cuộc nuôi con mà thiếu người kia bên cạnh…
Tất cả những lý do đó đều xuất phát từ phía người chọn ở lại nhưng ít ai dám nói ra. Để rồi cuối cùng, con cái luôn là cái cớ để dễ dàng trốn chạy khỏi những xáo động trong lòng mình. Có lẽ việc nói “vì con cái” sẽ khiến cho người phụ nữ cảm thấy được an ủi, dễ chịu hơn.
Chúng ta không muốn sống cuộc đời không bám víu vào ai khác, chúng ta quá sợ phải ngồi làm việc với từng vấn đề bên trong mình, và rồi không thể thừa nhận rằng mình không hề ổn, mình cần sự chăm sóc đặc biệt. Hay nói đúng ra, chúng ta ở lại và luôn cố tỏ ra rằng mình ổn, muốn chứng tỏ với bên ngoài rằng mọi thứ vẫn như thế.
Nhiều người hẳn sẽ hỏi, thế phân biệt vì con hay vì mình rốt cuộc có khác gì nhau, khi kết quả vẫn là ở lại? Khác chứ! Nếu chúng ta dám sống thật và hiểu rõ rằng mình ở lại vì mình chứ không phải hy sinh vì ai khác, dũng cảm chịu trách nhiệm cho lựa chọn đã đưa ra, người mẹ sẽ bớt đi được hằn gắt và trút lên con sự bực tức “tôi chịu khổ như thế này là vì ai?”. Những tổn thương cũng sẽ dần lành lại khi được thêm ý thức chăm sóc thay vì trốn chạy, lấp liếm. Hay ngay cả khi đã không còn cố gắng đi tiếp nữa cũng sẽ biết rằng mình nên buông tay vì hạnh phúc của chính mình.
Chị bạn tôi ngồi trầm ngâm bên tách trà, rồi như bỗng nhớ ra vì điều gì, chị nói: “Ừ nếu lựa chọn ở lại vì con, chị đã không để cho những bữa cơm của con chan nước mắt như thế. Có hôm chồng về muộn hoặc có những khi nỗi đau sống dậy, chị lại quát mắng cho đứa con rúm ró một góc. 2 đứa con thậm chí còn khóc váng lên khi thấy mẹ ném vỡ bình hoa, lao vào cào xé cha… Tất cả những điều đó sao có thể là vì con được, em nhỉ! Nếu vì con, chị sẽ làm mọi thứ để bảo vệ bình yên của con. Chị đã sai rồi, chị sẽ quay về tự băng bó cho mình trước đã”.
Trong cuộc đời này, chẳng ai phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của ai. Sinh ra 1 đứa con cũng không phải cái cớ để ngăn người mẹ phải hy sinh đi hạnh phúc, dù có đôi khi phải ưu tiên thời gian, tâm trí dành cho con. Mà đó là 1 lựa chọn.
Chúng ta cứ nghĩ mình phải cố hết sức để mang lại cho con 1 tổ ấm đủ đầy cha mẹ nhưng điều đó sẽ chẳng thể xảy ra khi bên trong lòng mình là một ngôi nhà tan hoang, trống hoác. Chỉ cần chúng ta tự chăm cho mình lành lại, trưởng thành hơn sau những giông bão, đứa con sẽ cảm nhận được bình yên và sự vững chãi. Vậy nên, hãy thôi nói ở lại vì con, bởi chúng ta ở lại vì mình.
Cát Tường
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chung-ta-o-lai-trong-hon-nhan-la-vi-minh-a1479349.html” name=””]