Ngày xưa, một ngày của mẹ tôi luôn bắt đầu bằng ấm nước sôi. Mờ sớm, khi chùa đổ chuông lần thứ nhất là mẹ tôi dậy. Việc đầu tiên mẹ nhóm bếp và bắc ấm nước.
Hồi đó mẹ tiết kiệm lắm, nhà bên cạnh làm nghề róc mía thuê cho các hàng nước mía, chiều nào mẹ cũng phụ người ta dọn dẹp đống vỏ mía rồi ôm về nhà một ôm, phơi khô để dành nấu nước buổi sáng. Nước sôi, mẹ chế bình thủy, pha trà. Rồi bắc luôn nồi cơm hay nồi xôi cho gia đình có bữa ăn sáng.
Ảnh minh họa |
Mẹ pha xong ấm trà thì ba tôi cũng tưới hết loạt chậu cây cảnh. Ông xuống bếp, ngồi cạnh mẹ tôi. Hai người vừa uống trà vừa nói chuyện “tâm tình”. Mùi khói lẻn vào cửa sổ phòng ngủ cùng tiếng rì rầm nhỏ to của hai đấng sinh thành đánh thức tôi. Trong trạng thái lơ mơ ấy tôi luôn cảm thấy ấm áp và bình an vô cùng. Có hôm tôi ngủ lại thật say, cũng có khi tôi thức dậy lẻn xuống bếp ngồi chen giữa hai người, rồi dựa vào ba ngủ gục hồi nào không hay.
Nhớ những ngày học ôn thi năm lớp Mười hai, tối thức khuya sợ sáng dậy không nổi, tôi dặn mẹ kêu dậy sớm học bài. Thế nhưng, lần nào mẹ đánh thức dậy tôi cũng phụng phịu kéo chăn trùm kín đầu: “Còn sớm mà mẹ”. Mẹ nhắc: “Chùa đổ chuông lâu rồi!”.
Có khi tôi tự thức dậy khi nghe tiếng chuông chùa đã thấy mẹ ngồi dưới bếp từ lúc nào, bà đang khơi cho hồng ngọn lửa.
Buổi sáng mùa đông, tôi sà xuống bếp ngồi sát mẹ, khơi bếp lửa cho ấm, kể mẹ nghe những câu chuyện ở trường ngày hôm qua. Dông dài quá mẹ phải đuổi: “Lên nhà học bài đi, trời sắp sáng rồi đó!”.
Rồi tôi thi đậu vào đại học, mẹ mừng nhiều nhất và cũng mẹ là người buồn nhiều nhất. Từ đây con chim đã tự bay được rồi, bắt đầu chắp đôi cánh bay vào vùng trời mơ ước của nó không còn nhờ mẹ tập chuyền cho nữa. Buổi tối, trước ngày vào trường, mẹ dặn dò tôi đủ thứ, những điều mà chẳng bao giờ mẹ nói trước đây. Đó là những lo lắng của mẹ khi con gái sống ở một thành phố lớn, phải tự lo toan mọi thứ, không có mẹ, không có ba… Náo nức của tuổi trẻ khiến lời mẹ từ tai này qua tai kia thật nhanh, tôi thấy mẹ sao mà lẩn thẩn quá.
Cả đêm không ngủ, thế nhưng, sáng sớm tôi đã nghe tiếng chuông chùa, háo hức vì được đi học xa, không chờ mẹ gọi, không còn phụng phịu trùm chăn kín đầu, tôi vùng dậy thật nhanh, thay quần áo mau chóng, tay xách chiếc vali thật nặng bước nhanh ra khỏi nhà mà vô tình không thấy những giọt nước mắt của mẹ lăn dài trên má.
Từ đó, con chim bay xa, xa mãi, vòng tay của mẹ ngày càng lơi đi. Rồi tôi ra trường, đi làm, lập gia đình. Tiếng chuông chùa, tiếng mẹ gọi dậy, hình ảnh mẹ ngồi bên bếp lửa nấu từng ấm nước mỗi buổi sáng xa dần, xa dần rồi mất hút.
Ảnh minh họa |
*
Có gia đình riêng, khi đứa con thứ hai ra đời, tôi lại thấy mình giống mẹ ngày xưa. Trong trạng thái lơ mơ nghe tiếng chuông chùa lần thứ nhất, tôi… ngủ tiếp đến năm giờ mới dậy. Đầu tiên tôi bắc ấm nước. Trong khi đợi nước sôi tôi làm vài động tác thể dục. Có nước sôi tôi pha cho hai đứa con hai ly sữa, chồng tôi ly cà phê. Thời đại công nghiệp, ngày như ngắn đi, chúng tôi không có điều kiện ngồi với nhau bên tách trà như ba mẹ ngày xưa mà chỉ có bữa ăn sáng chóng vánh, đơn giản nhưng vô cùng ấm áp.
Chỉ cần một ấm nước thôi là cả nhà có bữa ăn sáng ngon lành với mì gói, phở hay hủ tíu ăn liền. Thịt bò ướp sẵn để trong tủ lạnh, sắp bánh phở ra tô, cho thịt bò lên trên, rồi chế nước sôi, màu mè thêm ít hành lá và vài lá rau xà lách, chút tiêu xay.
Khi tôi đánh thức cả nhà dậy vào lúc sáu giờ kém mười, trên bàn đã có sẵn các món đầy đủ năng lượng cho mọi người làm việc đến trưa.
Vậy đó, bao nhiêu năm rồi, như mẹ ngày xưa, một ngày của tôi từ lúc lơ mơ có tiếng chuông chùa cho đến khi nó thật sự bắt đầu với một ấm nước.
Kim Duy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tieng-chuong-chua-va-tieng-am-nuoc-reo-a1464447.html” name=””]