Chuyến dã ngoại đầu đời của con làm bao người thân lo lắng. Mẹ cố trấn an ông bà hai bên.
Ảnh mang tính minh họa – Ảnh: Green Park Củ Chi |
Vừa về đến cửa, con lật đật mở cặp lấy ra một tờ giấy, giọng hồ hởi: “Cô bảo gửi mẹ, con được đi du lịch nè”. Mẹ lướt vội qua tờ thông báo mới biết trường tổ chức dã ngoại một ngày, học sinh nào muốn tham gia thì về xin ý kiến phụ huynh. Mẹ đọc lớn nội dung chuyến đi, số tiền phải đóng.
Ông ngoại nói chương trình thú vị và cũng rẻ, con sẽ học hỏi được nhiều điều. Bà ngoại cắt ngang: “Con mới học lớp Hai, còn nhỏ xíu làm sao đi. Thôi đừng tham gia con ơi”. Bà không ủng hộ khiến con xụ mặt. Với giọng lí nhí, con cố vớt vát rằng con rất muốn đi chơi, có lội bùn bắt cá vui lắm, con chưa được nhúng chân vô bùn bao giờ.
Ngoại giải thích thêm, đây là chuyến đi với các bạn trong lớp và cô giáo, không có ba mẹ theo cùng. Đến lúc này con mới ngớ ra, thể hiện chút ngạc nhiên. Chưa bao giờ con đi đâu mà không có ba mẹ.
“Ngoại nói đúng đó. Ba mẹ không ở bên con được. Lúc trên xe buồn nôn thì phải tự lo, không có ai giúp đỡ. Con dám đi một mình không?”. Lưỡng lự vài giây, con gật đầu. Nếu buồn nôn, con sẽ có sẵn túi nhựa bóng mang theo. Sau khi bắt cá, con có thể tự tắm, lau khô, thay đồ. Bữa trưa nếu không ngon con vẫn sẽ cố ăn một ít mà không đợi ai nhắc nhở, chiều về nhà ăn thêm cơm của ngoại. Nghe con cân nhắc tính toán, mọi người tủm tỉm cười. Ông bà có vẻ đã xuôi theo ý cháu, riêng mẹ vẫn còn phân vân.
Buổi tối, khi con đã ngủ, mẹ và ba bàn chuyện. Bao năm trong vòng tay mẹ, con chỉ xa nhà lúc đến lớp. Môi trường học đường dĩ nhiên yên tâm hơn nhiều so với chuyến dã ngoại bên ngoài. Nhưng dù lo lắng bao nhiêu, ba mẹ cũng không thể “giữ chặt” con mãi. Cho con đi chơi với trường là rèn luyện tính tự lập, biết cách đối xử với bạn bè và học xoay xở với các tình huống trong cuộc sống đời thường. Nói một hồi, ba đã thuyết phục được mẹ.
Đêm trước chuyến đi, con trằn trọc khó ngủ, vì quá nôn nao. Buổi sáng, con dậy sớm, kiểm tra mọi thứ mang theo, ba chở con đến trường, cẩn thận nắm bàn tay nhỏ đặt vào tay cô giáo. Ba nhờ cô để ý, trông nom vì con còn nhỏ dại. Cô khuyên ba yên tâm vì năm nào cô cũng đưa học sinh lớp Hai đi chơi như thế này.
Trước khi đi làm, ba dặn mẹ ở nhà nhớ giữ điện thoại bên mình, phòng khi cô giáo gọi. Hoặc mẹ có thể thỉnh thoảng gọi cô để hỏi thăm tình hình. Mẹ lườm ba, lo thì lo nhưng không thể hở một chút là làm phiền. Hôm nay cô giáo sẽ rất bận rộn. Chỉ có thể theo dõi nhóm của cô và phụ huynh ở Zalo hoặc xem tường nhà cô giáo trên mạng xã hội.
Ba đồng ý với sáng kiến của mẹ, cố ngoái đầu dặn thêm trước khi vặn tay ga: “Có gì nhớ gọi hoặc nhắn tin cho anh sớm”. Nói vậy nhưng mới hơn 9 giờ sáng ba đã gọi cho mẹ chỉ để hỏi xem mẹ có biết đoàn xe đã đi đến đâu.
Ông bà ngoại có điện thoại nhưng không xài mạng xã hội. Ông bà lo lắng, hết ra lại vào. Ông nói chuyến này phải học cách dùng mạng, không thì như người bị bỏ lại phía sau, chẳng liên lạc được với ai, chẳng biết tin tức gì. Hay tin cháu trai đi chơi không có người nhà, ông bà nội cũng lập tức bảo cô Út gọi điện hỏi thăm, trách ba mẹ liều lĩnh. “Cháu còn nhỏ xíu, để sang lớp Bốn, lớp Năm rồi đi, có gì đâu mà vội vàng”.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Jcomp |
Chuyến dã ngoại đầu đời của con làm bao người thân lo lắng. Mẹ cố trấn an ông bà hai bên. Sau hàng giờ lê thê chờ đợi của gia đình, cuối cùng con cũng trở về. Làn da hơi sạm vì nắng, con huyên thuyên vừa thở vừa kể đủ chuyện. Cả nhà đã trút gánh nặng, cùng vui theo sự hồ hởi thơ trẻ của con.
Việt Quỳnh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chuyen-da-ngoai-dau-doi-cua-con-a1485139.html” name=””]