Tôi biết, có rất nhiều những bà mẹ như tôi online thức chờ con đôi khi đến khuya, hay như mẹ tôi cứ đến thứ Sáu lại nhớ sạc pin điện thoại… Và còn biết bao bà mẹ đau đáu dõi theo sông với những tiếng thở rất dài.
1. Mẹ tôi 80 tuổi, bước chân ngày càng ngắn và chậm lại, bán kính di chuyển (đi bộ) hai cây số đã thấy mừng. Con đường mẹ đi buổi sáng từ nhà em tôi, ra chợ và quay về ngôi nhà vốn bỏ không từ mấy năm nay, bán thì tiếc mà sửa lại không ai ở, mở cửa mỗi ngày cho có hơi người không cảm giác nhà hoang.
Mẹ về quét cái sân, tưới mấy chậu kiểng, ngồi đọc tờ báo, loanh quanh vài nhà trong xóm rồi khóa cửa…
Hành trình của những người mẹ tuổi 80 có khi là phòng xét nghiệm, phòng mạch… (Ảnh minh họa) |
Mẹ ra chợ chẳng mua gì, theo thói quen mỗi ngày, của người cả một đời nội trợ, còn là để gặp tôi đi biển về. Chút thời gian quý báu đó là chuyện hôm qua, chuyện hàng xóm, chuyện trên báo, đài, chuyện phim ảnh…
– Tối qua mưa to mẹ quên che hồ cá, sáng ra chết hai con, tội quá!
– Chiều qua mẹ rải cơm ngoài sân, có con chuột to bự thậm thụt ăn sạch phần chim sẻ.
– Nhà thằng H. đi làm, trộm trèo vô lục hết tủ này hộc bàn kia, nghe nói mất mấy cây vàng.
Đại loại những chuyện như vậy.
Hành trình của mẹ đôi khi còn là phòng xét nghiệm của một bác sĩ tư, tiệm thuốc tây, sạp báo…
Ngày trước, bước chân còn nhanh, mẹ cùng tôi đi ra biển mỗi sáng, rồi quay về chợ. Câu chuyện ban mai của chúng tôi dài hơn. Tôi không nhớ mẹ rút bán kính di chuyển ngắn lại lúc nào nữa!
Đường đi của mẹ mỗi ngày được “lập trình” rất đúng giờ. Chúng tôi có thể đoán được giờ đó mẹ đi đến đâu cần gặp mẹ thì chạy xe đến đấy. Thế nhưng, có ngày chúng tôi cũng bị… lạc mẹ, tìm mãi mới thấy.
Vậy là, một cái điện thoại di động để mẹ có thể “trực tuyến” mọi lúc mọi nơi. Tôi thường gọi cho mẹ khi về đến chợ để biết mẹ đang đứng (nhìn ngó) ở hàng nào. Cái điện thoại mẹ chỉ dùng để coi giờ và bấm nút màu xanh cùng đọc tên hiện lên đó khi có ai gọi đến. Mà, cũng chỉ có tên của ba đứa con. Có một đứa ở xa.
Đôi khi tôi không thể liên lạc với mẹ vì điện thoại hết pin mà mẹ quên sạc, cứ phải nhắc chừng. Lâu dần, mẹ cũng quen và thành thạo.
Một ngày, tôi đi biển về gặp mẹ đứng chờ ở chợ, có vẻ đã lâu. Mẹ bảo: “Mẹ không đem điện thoại, sợ con gọi nên mẹ đi sớm”. Tôi nghĩ mẹ quên, ai cũng có lúc quên mang điện thoại theo bên mình. Tuy nhiên, mẹ nói: “Hôm nay thứ sáu, mẹ phải sạc pin điện thoại chờ hai ngày cuối tuần anh con gọi về”.
Mọi bà mẹ đều trông ngóng được trò chuyện với con (Ảnh minh họa) |
2. Con gái tôi đi học xa, ra trường thì ở lại thành phố. Tìm được việc làm phù hợp với năng lực và không vất vả lắm, tôi coi đó là bước khởi đầu may mắn, dù thời gian làm việc theo ca của con mỗi ngày từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối. Tuy nhiên, thường công việc kết thúc sớm hơn.
Nhẩm tính quãng đường con đi từ cơ quan về đến nhà, mở cửa, tắm rửa… mỗi ngày, làm gì, tôi cũng phải ráng thức bên máy vi tính chờ con. Gọi điện thoại hay nhắn tin thì sợ con đang đi trên đường. Gặp nhau trên mạng nói chuyện nhiều hơn và không tốn tiền.
Thành phố mỗi ngày biết bao việc xảy ra, con lại đi về ban đêm. Đến khi Messenger của con sáng đèn mới thấy thở phào nhẹ nhõm. Đôi khi chỉ câu hỏi “đi làm có vui không con”. Online cũng là cách cho con cảm giác có người đợi ở nhà.
Có ngày tôi cũng phải chờ con đến khuya, nhiều lúc không đợi được đành đi ngủ. Thế là, buổi sáng sớm lại mở Facebook, qua trang của con coi cập nhật mới. Khi là hình ảnh ăn liên hoan hay tổ chức ăn uống ở nhà, khi thì đi chơi đâu đó. Có gì bức xúc hay không…
Mẹ bây giờ có điều kiện gần gũi con dù cho cách xa nửa vòng trái đất. Mẹ cũng biết, những đứa con ít có thời gian ngoái nhìn lại. Có thể, mẹ luôn nhớ sạc pin điện thoại vào mỗi thứ Sáu hàng tuần nhưng, trong hai ngày nghỉ cuối tuần đó, con quên gọi về cho mẹ vì có quá nhiều cuộc vui. Có thể, mẹ online chờ con đến khuya, nhưng rời sở làm con còn lang thang với bạn bè ở quán trà sữa hay quán cà phê hay tiệc liên hoan nào đó…
“Sông chảy xiết reo ca phá hết đập hết bờ, nhưng núi đứng lại và nhớ và dõi theo sông với cả khối tình nồng”. Tôi thuộc lòng câu đó của R. Tagore từ ngày còn rất bé và đến khi lớn lên tôi vẫn cho rằng mình là sông có quyền chảy xiết reo ca, ít khi nhớ về núi…
Khi đã là núi, tôi mới thấm việc dõi theo sông với cả khối tình nồng. Tôi biết, bây giờ, có rất nhiều những bà mẹ như tôi online thức chờ con đôi khi đến khuya, hay như mẹ tôi cứ đến thứ Sáu lại nhớ sạc pin điện thoại… Và còn biết bao bà mẹ trong rất nhiều tình huống, cả cuộc đời đau đáu dõi theo sông với những tiếng thở rất dài!
Thanh Tuyền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-bao-nhieu-ba-me-sac-pin-cho-con-goi-a1463150.html” name=””]