Khi tuổi đời không còn trẻ, sức khỏe không còn được như thuở tráng niên, đàn ông va vào nhiều nỗi sợ không dám nói với ai, vì… ai cũng như nhau…
“Chiều đi nhậu đi ông”. Tin nhắn của người bạn thời đại học khiến gã có chút hoang mang, bởi bạn không phải kiểu người ưa bù khú chén chú chén anh, gã cũng không. Một tên không thích nhậu, không thường đi nhậu, rủ một tên cũng không thích nhậu thì hẳn phải có chuyện gì ghê gớm lắm.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Tâm sự 2 người đàn ông
2 gã đàn ông tuổi trung niên tấp xe vào một quán nhậu ven đường, gọi 2 chai bia và một dĩa mồi giá rẻ nhất trên thực đơn và bắt đầu… im lặng nhìn nhau. Gã tin bạn có điều muốn nói, nhưng nếu bạn chưa mở lời, nghĩa là chưa sẵn sàng hoặc đang chọn lọc từ ngữ, gã sẽ chờ.
“Kể ra đàn ông tuổi tụi mình cô đơn dữ ha ông” – bạn nói, sau một lúc lâu hết nhìn dòng xe cộ đến nhìn cái ly, nhìn người ra vô quán. À, ra là đề tài cô đơn tuổi trung niên, gã thầm nghĩ và tiếp tục chờ đợi. Rồi bạn kể, mấy tháng qua bạn thấy mình cứ như chiếc bóng trong nhà, tức là vẫn đi về, vẫn làm việc, vẫn phụ vợ, chăm con… nhưng tất cả đều chỉ như được lập trình sẵn; không có niềm vui, không có hứng thú. Điều quan trọng là dù bạn vui hay buồn cũng không ai quan tâm.
“Ở tuổi này, ai mà tin chúng ta cũng có lúc bế tắc, ông ha?” – bạn hỏi mà như đang tâm sự với chính mình. “Chúng ta không được phép bế tắc” – gã nói, cũng như đang nói với bản thân. Đàn ông trung niên được xã hội mặc định là người đã trưởng thành, đã có thành tựu nhất định, đã vững vàng trong mọi chuyện và đương nhiên anh ta phải là trụ cột gia đình với đầy đủ trách nhiệm của một trụ cột.
Một phụ nữ, ở độ tuổi bất kỳ, có thể lên mạng than: “Hôm nay em mệt quá trời/ Muốn ôm anh ngủ, kệ đời, được không?”, nhưng đàn ông thì chắc chắn không thể than thở kiểu đó bởi mọi lời than thở của đàn ông trung niên đều sẽ bị quy về chữ “yếu đuối” hoặc “thiếu bản lĩnh”. Ngay cả đàn ông cũng không cho phép mình than thở, sợ lộ ra điểm yếu đuối của mình. Nửa quãng đời đầu, họ đã được huấn luyện khả năng chịu đựng. Họ là đá mà.
Gã nhớ lại, nhiều lần trở về nhà, gã cũng muốn than với vợ việc bị chèn ép ở cơ quan, rằng gã muốn nghỉ việc. Nhưng gã không thể. Bị chèn ép là chuyện ở đâu cũng có. Nghỉ việc ở tuổi gã, tìm việc khác sẽ khó khăn, rồi lấy gì chăm lo cho gia đình? Tiền học của con, khoản vay ngân hàng, phí bảo hiểm…
Lẽ nào chỉ vì một chuyện nhỏ xíu ở cơ quan mà gã không nhịn được? Kể cả có nói với vợ, nàng cũng chẳng thể giúp, chỉ thêm bận lòng, có ích gì cho không khí gia đình đâu. Và như thế, gã im lặng, tự tìm cách tiêu hóa cơn bức bối trong cảm giác “không có ai chia sẻ, động viên”.
Giải cứu “Mr. Lonely”
Sự thực là đàn ông trung niên luôn nhận diện được vấn đề của mình cũng như biết cách giải quyết chúng. Chỉ là lắm lúc cách giải quyết vượt quá tầm tay, ví dụ như cho con đi du học trong khi mức lương của họ chỉ làng nhàng hoặc sẽ phải đánh đổi nhiều thứ họ đã kỳ công đưa vào guồng ổn định. Họ không dám thừa nhận sự bất lực, đặc biệt khi trước đó họ đã từng nhiều lần thành công.
Có câu nói nghe rất chua xót, nhưng đàn ông hiểu rõ – nếu một phụ nữ gục ngã, sẽ có một hay nhiều người đàn ông muốn cưu mang cô, nhưng khi đàn ông gục ngã, buông xuôi, phụ nữ sẽ bỏ rơi họ. Khi tuổi đời không còn trẻ, sức khỏe không còn được như thuở tráng niên, đàn ông va vào nhiều nỗi sợ không dám nói với ai, vì… ai cũng như nhau, chỉ dám “hiểu” và im lặng.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Đôi lúc, trở về nhà sau một ngày làm việc, nằm ườn trên sofa, bật ti vi và dường như đang chú tâm vào chương trình đá bóng, đàn ông có thể không phải đang xem đá bóng, chỉ là đang cố “thở”, cố để đầu óc mình trống rỗng để không phải đổ bực bội ra ngoài. Vào những khoảnh khắc ấy, nếu chẳng may bị vợ than phiền vì không phụ việc nhà, không giúp chăm con, ống nước hư cần thay… họ sẽ càng bức bối.
Họ hiểu rõ đó là những việc cần làm, nên làm, nhưng họ đang cần thở hơn. Thật tệ! Đó là khoảnh khắc họ tự thấy thêm phần bất lực. Nếu câu chuyện tiếp tục theo hướng người vợ bắt đầu quát tháo hoặc mỉa mai, “chiến tranh vũ trụ” sẽ có thể xảy ra dưới mái nhà.
Gã nhớ lại, vào những lúc căng thẳng, bế tắc, điều duy nhất gã chờ đợi là câu nói của vợ – “Nghỉ một bữa cũng được, anh”. Một ngày không dọn nhà, với đàn ông mà nói, cũng… không chết ai. Nghỉ phép dăm ngày cũng không nghèo hơn là mấy, nhưng sẽ giúp đàn ông tái tạo năng lượng, để có thể tiếp tục gồng lên chống chọi với đời, để giữ một mái nhà yên ấm. Như hôm nay, gã tin rằng cuộc “nhậu” (mà chẳng ai đụng đến ly bia đã tan đá tự bao giờ) giữa 2 gã đàn ông đã cho bạn và gã chút không gian để thở.
18g. Gã khẽ liếc nhìn đồng hồ, không thoát được cái nhìn tinh ý của bạn. “Về ha?” – bạn nói. “Ừ, về còn phụ vợ nấu cơm” – gã đáp. Bất luận thế nào, đàn ông trung niên vẫn luôn biết đường quay về nhà, biết điều gì là quan trọng với họ. Chỉ cần cho họ một chiếc neo để bám vào thôi.
Thành Nhân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-don-khi-trung-nien-a1531934.html” name=””]