Chỉ cần có ý thức tự học, nhất định bạn sẽ chọn những trang sách làm người đồng hành hữu ích và đáng tin cậy.
Ảnh minh họa |
Sách, suy cho cùng có 2 nhiệm vụ và người đọc tìm đến sách cũng chỉ để thỏa mãn 2 điều. Thứ nhất là đi tìm kiến thức. Thứ hai là giải trí. Cho dù việc giải trí bằng sách sẽ giúp làm giàu thêm sự hiểu biết của chúng ta về con người, về thế giới…
Theo tôi, để người ta có thói quen đọc sách không đơn giản, mà phải được dạy dỗ rèn luyện về ý thức tự học trọn đời.
Kiến thức về lịch sử về văn hóa, về tâm lý con người trên thế giới này mênh mông vô tận, sự hiểu biết của chúng ta, dẫu cho người giỏi nhất, chỉ như hạt cát trên sa mạc.
Đời sống tinh thần của con người cũng thăng trầm không kém đời sống vật chất. Có những lúc, những ẩn ức, những vết thương trong lòng không thể chia sẻ cho bất kỳ ai, lúc ấy ta có thể soi chiếu bản thân qua những phận người trong sách mà tự băng bó cho mình.
Người Việt mình nói chung, trừ những người trực tiếp làm công việc giảng dạy nghiên cứu, còn lại, rất ít người có thói quen đọc sách để làm giàu kiến thức, để hiểu bản thân, hiểu người khác, để sống hạnh phúc hơn. Như vậy, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội khiến bản thân trở nên mạnh mẽ, bỏ lỡ sự chuẩn bị hành trang để thành người thật sự có nội lực.
Bạn không đọc sách cũng không sao. Bạn vẫn làm ra tiền bạn giàu có. Nhưng nếu qua sách mà bạn hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa của một địa phương, một vùng đất mà bạn đi du lịch thì chẳng phải tốt hơn không?
Không đọc sách, bạn vẫn sống hạnh phúc vui vẻ. Nhưng nếu có thể hiểu thêm về những vùng tối trong trái tim, trí não con người, có thể ngưỡng mộ những tình yêu, tình bạn tình thân, cái cao cả, cảm thông thấu hiểu với những nỗi đau của thế giới con người trong sách để từ đó có cái nhìn bao dung hơn trong cuộc sống, có tốt hơn không?
Do đó, đọc sách hay không đọc là lựa chọn của mỗi cá nhân. Đã là lựa chọn của cá nhân thì chỉ khuyến khích chứ không phê phán hay ép buộc. Thiết nghĩ, trong tự nhiên có cây cao bóng cả đồng thời cũng có rêu cỏ, dây leo. Đời sống nào trên đời này cũng có giá trị riêng và đáng trân trọng như nhau.
Mấu chốt của vấn đề người Việt trung bình chỉ đọc 1 cuốn sách trong năm, rất ít so với người Singapore 14 cuốn/năm, Nhật Bản, Israel, Pháp, Đức… 20 cuốn/năm là ở đâu? Theo ý kiến chủ quan của tôi, đó chính là nằm trong ý thức tự học trọn đời của chúng ta.
Ở bậc phổ thông, các em học sinh hiện nay gần như thiếu ý thức tự học, hoặc chỉ học để đối phó cho những kỳ thi. Sách mà các em đọc đa phần chỉ là sách giáo khoa hoặc một vài cuốn có liên quan. Học xong đại học, các cử nhân đi làm, rồi đi chơi, lập gia đình con cái, việc tự học gần như dừng lại.
Khi ý thức tự học trọn đời có trong bạn, bạn sẽ không lãng phí thời gian quá nhiều cho những cuộc nhậu hàng giờ sau buổi làm. Bạn sẽ không lãng phí thời gian cho việc lướt web cào phím “trên mọi mặt trận” chỉ để hóng một vụ đánh ghen, vụ ngoại tình nào đó.
Bạn sẽ không lãng phí cho nhiều giờ bay gật gù không ngủ không thức, hoặc nói chuyện tình yêu chuyện mái tóc móng tay làm phiền người khác.
Tất nhiên đọc sách giấy, sách điện tử hay nghe sách nói… đều có giá trị ngang nhau. Chỉ cần có ý thức tự học trọn đời, nhất định bạn sẽ chọn những trang sách làm người đồng hành.
Triệu Vẽ (quận Tân Bình, TPHCM)
Ý kiến của bạn về việc đọc sách và văn hoá đọc trong sống ra sao, xin chia sẻ cùng chúng tôi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn Các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của toà soạn. |
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-y-thuc-tu-hoc-se-biet-tran-trong-sach-a1527497.html” name=””]