Những ngày mưa nhiều, đường đến trường của con gái tôi có một đoạn bị ngập. Con thích thú chạy về khoe mẹ rằng con được lội bì bõm để đi vào trường.
“Ước gì cứ mưa mãi mẹ ạ”, con gái hào hứng nói. Niềm háo hức với những cơn mưa của con lại gợi cho tôi nhớ về ký ức ngày thơ bé.
Quê tôi là một huyện nhỏ ở miền Trung. Cứ mỗi độ tháng Tám, mẹ tôi lại nhìn trời và buồn giọng: “Thế là đến mùa mưa lũ nữa rồi…”.
Tôi ngày ấy còn quá bé nên không hiểu ánh nhìn xa xăm của mẹ mà chỉ cảm nhận được những rộn ràng chờ mong khi trời mưa nhiều. Với một đứa trẻ, mưa càng to, nước càng ngập thì những ngày ở vùng quê yên bình đến tưởng chừng nhàm chán lại càng trở nên sống động.
Ảnh mang tính minh họa |
Tôi mặc nguyên bộ áo quần, nhảy tung tăng ngoài sân mặc cho trời đang mưa thật to. Những mùa nước ngập lớn, chỉ sau một đêm là cánh đồng trắng xóa một màu. Sau cơn mưa, mọi rác bẩn trên con đường đều bị nước cuốn trôi hết, trả lại hình dáng sạch tinh. Chúng tôi cứ thế chân trần chạy nhảy khắp mọi nơi rồi hứng chí rủ nhau ra đồng để “tận hưởng” con lũ. Đứng trước bạt ngàn mênh mông, thi thoảng có cơn gió mang theo cả những hạt mưa còn sót lại trên cành lá phả vào da thịt lạnh buốt nhưng đứa trẻ nào cũng thích thú hét lên.
Có vài năm, đường đến trường của chúng tôi ngập lớn, sông dâng nước lấp cả chiếc cầu bắc qua phía bên kia xã. Nước ngập đến ngực người lớn và muốn qua cầu thì bắt buộc phải dùng thuyền, phà. Chúng tôi thường phải nghỉ học để chờ cho nước rút. Khi mực nước trên cầu chỉ còn ngập ngang đầu gối, đám trẻ như chúng tôi mới dám đi bộ dắt xe đạp, chậm chạp dò dẫm băng qua để đến trường. Vừa dò đường, chúng tôi vừa nhắc nhau cẩn thận, và rợn người khi nhớ chuyện người lớn kể có những người đã bị nước lũ cuốn trôi…
Ký ức về mùa mưa đã dần không còn chỉ có niềm vui ngây thơ của con trẻ. Chúng tôi nhận ra những con nước lớn là nỗi ám ảnh về mất mát của gia đình ai đó hoặc làm khốn khổ hơn cuộc sống mưu sinh của nhiều người.
Tôi nhớ dáng mẹ gầy gò liêu xiêu dắt chiếc xe máy đi về dưới mưa, phía sau là gánh hàng còn nguyên. Mẹ bảo đường liên xã ngập, sạt lở, nên không thể chạy xe qua vì có thể chết máy. Chợ không họp, những nồi giá, dọc mùng muối của mẹ chỉ có thể năn nỉ các nhà trong xóm mua hộ.
Gian bếp nhỏ tối om vì mất điện, bên ngoài là mưa rào, sấm chớp từng cơn, mẹ cặm cụi chia giá và dưa muối thành từng túi một. Rồi mẹ lại đội nón, mang theo chiếc rổ đựng những món hàng do tự tay mình làm nên và đi sang gọi với vào từng nhà trong xóm…
Bữa cơm vào những ngày mưa lũ của nhà tôi mặc định luôn có giá xào và đậu phộng rang. Chẳng làm sao ăn hết được tất cả chỗ hàng bị ế của mẹ, nên cuối cùng lũ gà lại được “đổi món” khi mổ những chậu giá đỗ đã chuyển thâm màu.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOC |
Cứ thế, mỗi mùa mưa lũ đi qua trong những bữa cơm thiếu thốn, những ngày mẹ thở dài khi không chạy chợ được nhiều và tiền vốn bị âm. Mưa lũ còn đọng lại trên những cánh đồng khi mùa gặt năm sau mẹ nhắc “phải gieo mạ lại nên năng suất chẳng được như trông mong”, những hạt thóc cũng chẳng đầy bồ.
Tôi đã biết sợ mùa mưa lũ, bởi mỗi lần về xin tiền học, mẹ lại bạc tóc nghĩ xem sẽ vay mượn nhà ai. Mỗi khi trời mưa, bên cạnh niềm háo hức của một đứa trẻ, tôi vẫn luôn mong trời làm mưa vừa đủ thôi và xin đừng mang quá nhiều nước lũ ngập khắp những con đường, trắng những cánh đồng.
“Thôi, con không ước trời mưa mãi đâu”, tiếng con gái nhỏ nhẹ khi tôi kết thúc câu chuyện về mưa lũ. Tôi lén mừng vì con biết nghĩ về cuộc sống của những người khác.
Tôi dạy con cách có thể sẻ chia với người khó khăn trong khả năng của con, để niềm vui thơ trẻ với những cơn mưa không bị cướp mất.
Cát Tường
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-khong-uoc-troi-mua-mai-nua-a1476518.html” name=””]