4 gia đình nhỏ như một đại gia đình thực thụ. Một vài tháng, họ lại cùng du lịch xa. Hình ảnh 15 người mặc đồng phục gia đình, người lớn trẻ con cười nói rộn rã kéo vali xuống sân chung cư chuẩn bị cho những chuyển đi chơi xa là cảnh ấn tượng với người dân nơi đây.
Đại gia đình trong một chuyến đi chơi xa – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Giữa TPHCM sôi động, nơi những tòa nhà cao tầng san sát chen nhau, có một đại gia đình đặc biệt với 15 thành viên luôn gắn bó mật thiết. Họ thường xuyên tụ tập nấu nướng, cùng đi du lịch, cùng ngồi lại bên nhau mỗi khi buồn vui. Tuy nhiên, họ không phải là anh/chị em ruột thịt mà đều là những người xa lạ, cùng hội tụ tại chung cư Lê Thành, phường An Lạc, quận Bình Tân.
Những mảnh ghép tứ xứ
Đều đặn mỗi sáng, chiếc bàn dưới gốc cây sa kê của quán cà phê A1 – G1, chung cư Lê Thành luôn có 8 người, là 4 đôi vợ chồng: Phạm Thị Thanh Hồng – anh Trương Xuân Cơ; Nguyễn Thị Yến Nhi – Nguyễn Duy Long; Lê Tuyết Mai – Trần Minh Tân và Nguyễn Thị Hằng – Huỳnh Trọng Nhật Minh.
Vào cuối tuần, quân số tăng đáng kể với 7 đứa trẻ từ 4-12 tuổi, là con của 4 gia đình.
Cánh đàn ông vừa nhâm nhi cà phê vừa bàn về những trận thi đấu thể thao tối qua. Còn các chị vừa lướt điện thoại đọc báo, vừa luận bàn thời sự: những vụ trẻ em bị bạo hành, áp lực học hành của con trẻ mà báo chí đăng tải.
Câu chuyện thời sự trên truyền thông, mạng xã hội đã trở thành mối quan tâm của 4 nhà. Các ông chồng cũng nhập cuộc với các bà vợ và chủ đề chuyển sang chuyện nuôi dạy con, chăm con… của từng gia đình. Đó cũng là chủ đề chốt lại sau mỗi buổi “giao ban” cà phê sáng của 4 gia đình.
Chị Hồng cho biết, mối duyên gắn kết 4 nhà trong chung cư bắt đầu từ mùa dịch COVID-19. Họ, những người xa lạ, thỉnh thoảng gặp nhau ở thang máy, sân chung cư; vậy mà sau dịch lại thân thiết như ruột thịt. Chị Mai kể: “4 nhà chúng tôi đến từ 3 miền Bắc – Trung – Nam và công việc cũng chẳng liên quan. Người làm công nghệ thông tin, người xây dựng, người kinh doanh thiết bị y tế. Người ở lầu 7, người ở lầu 11. Nhưng cái duyên đã gặp nhau ở mảnh đất Sài Gòn. Vào mùa dịch đầy khó khăn, nhờ vẫn chia nhau mớ rau, con cá mà thành đại gia đình’’.
Thật ra, mối dây kết nối ban đầu chỉ là “hội chị em bạn dì” 4 chị chơi với nhau. Thậm chí, có những ông chồng còn không thích vợ tụ tập, la cà cà phê cà pháo với hội chị em. Thế nhưng, sự “qua lại” của những món quà quê, chia sẻ món ăn ngon, thăm hỏi khi ốm đau, đỡ đần đưa rước con của các chị khiến các ông chồng nhận ra: sự kết nối hàng xóm thân thiết giữa phố thị là có thật và rất đáng quý. Vậy là từ gắn kết cá nhân, họ đã gắn kết gia đình. “Không chỉ người lớn thân với nhau, bọn trẻ của 4 gia đình cũng thân thiết, cùng nhau học tập và vui chơi” – chị Hằng nói.
Đã thành thói quen, “đại gia đình không huyết thống” này luôn dành thời gian cho nhau vào cuối tuần, ngày lễ. Nhà vợ chồng chị Hồng – anh Cơ là “trung tâm ăn chơi” của cả hội khi thường được chọn làm điểm tụ họp ăn uống. 6 thành viên còn lại đều khen: “Anh Cơ, chị Hồng nấu ăn rất ngon. Anh Cơ lại chơi đàn guitar rất hay, vợ chồng cực kỳ vui vẻ, hạnh phúc nên 4 gia đình hay tụ tập ở nhà anh chị. Chúng tôi ăn uống, kể chuyện, chia sẻ chuyện dạy con, giữ lửa hạnh phúc gia đình và đàn hát rất vui”.
4 gia đình nhỏ như một đại gia đình thực thụ. Một vài tháng, họ lại cùng du lịch xa. Hình ảnh 15 người mặc đồng phục gia đình, người lớn trẻ con cười nói rộn rã kéo vali xuống sân chung cư chuẩn bị cho những chuyến đi chơi xa là cảnh ấn tượng với người dân nơi đây.
Lan tỏa những điều tích cực
Mỗi cặp vợ chồng là một kiểu tính cách, một mảnh ghép, khi kết hợp lại tạo nên bức tranh đa sắc, tròn đầy. Chị Mai – anh Tân hào hứng kể: “Vợ chồng tôi nhiệt tình nhưng nóng tính và nguyên tắc. Vợ chồng Hằng trẻ trung, lúc nào cũng vui, luôn mang đến tiếng cười cho các gia đình còn lại. Nhà chị Nhi chưa bao giờ biết giận hờn ai. Nhà chị Hồng – anh Cơ luôn lắng nghe và bao dung”.
Vợ chồng chị Hồng – anh Cơ được cả nhóm gọi là anh chị cả, vì ngoài việc anh Cơ lớn tuổi nhất thì anh chị còn là chuyên gia gỡ rối, hòa giải cho các gia đình. Theo cả 8 thành viên, từng cá nhân và từng gia đình đều bị ảnh hưởng lẫn nhau và đều có sự chuyển biến, thay đổi tích cực.
Chị Mai tự nhận mình là mẫu người tía lia và nóng tính. Chị Hồng điềm đạm, bao dung. Nhi sâu sắc, nhẹ nhàng. Hằng nhí nhảnh, hồn nhiên. Vì vậy, khi chơi với nhau, chị Mai đã đằm hơn, bớt nóng tính khi học được sự điềm đạm của chị Hồng, lắng nghe lời khuyên của chị Nhi và học sự hồn nhiên của Hằng. Nhờ đó, tổ ấm nhỏ của chị Mai cũng bớt đi sự căng thẳng vì tính nóng của chị. Ngược lại, các chị khác cũng chịu ảnh hưởng sự nhiệt huyết, trẻ trung, năng động từ Mai, Hằng. Hay anh Minh – chồng chị Hằng – vốn ít nói và ngại giao tiếp. Thế nhưng, từ khi là thành viên của đại gia đình đặc biệt này “chồng em hòa nhập rất nhanh và giờ nói chẳng thua ai” – chị Hằng kể.
Điều khiến các bà vợ hài lòng nhất là các ông chồng cũng thay đổi “360 độ”. Chị Hằng khoe: “Trước đây, chồng em, chồng Mai, chồng chị Nhi không để ý ngày lễ hay sinh nhật phải mua hoa tặng vợ. Nhưng từ khi vào nhóm, 3 ông học được sự chu đáo từ anh Cơ nên giờ các ông rất chuyên nghiệp trong việc tặng hoa, mà rất vui vẻ, không hề “thái độ” hay miễn cưỡng. Mấy ông tặng hoa và còn tạo dáng chụp hình xì-tin không thua gì hội chị em”.
Giờ đây, các ông chồng cũng chụp hình “xì-tin dâu” không thua các bà vợ – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sự thay đổi, hoàn thiện của các ông chồng khiến các bà vợ rất hạnh phúc. Chị Mai không giấu niềm vui: “Chồng tôi trước đây rất bận với việc điều hành công ty, rồi chăm coi vườn ở Bảo Lộc nên anh ít khi phụ việc nhà, đưa đón con và chơi với con. Nhưng giờ là phiên bản mới: anh giành thời gian cho vợ con, đưa đón con đi học và sẵn sàng làm việc nhà, nấu nướng. Gần đây, tôi có việc về quê Cà Mau, giao 2 con cho chồng, anh “cân” mọi việc nhẹ nhàng”.
Mối quan hệ của các gia đình không chỉ dừng ở việc chơi vui mà còn giúp đỡ, thấu hiểu, sẻ chia lẫn nhau. Khi 1 người, 1 gia đình gặp khó khăn, 3 gia đình còn lại luôn sẵn sàng bên cạnh, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Có lần, chị Hằng bệnh, phải nhập viện. Trong lúc chị còn bối rối chưa biết thu xếp cho 2 cô con gái (2 tuổi, 6 tuổi) như thế nào thì chị Mai đã xung phong đưa đón 2 bé đi học, cho bé ăn. “Tôi biết ơn và thấy may mắn vô cùng khi có được hàng xóm thân thiết như ruột thịt” – chị Hằng bày tỏ.
Câu chuyện về “đại gia đình” tại chung cư Lê Thành là một minh chứng đẹp cho tình làng nghĩa xóm giữa lòng phố thị. Họ đã chứng minh rằng, dù ở bất cứ đâu, tình cảm chân thành và sự quan tâm chia sẻ giữa con người với nhau vẫn luôn tồn tại và lan tỏa.
Thùy Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dai-gia-dinh-khong-cung-huyet-thong-a1531716.html” name=””]