Đàn bà đi xa mấy, đi lâu mấy rồi cũng về thôi. Chữ “về” tự động bật sáng như một ngọn đèn chờ, ngay khi đàn bà bước ra khỏi cửa.
Chị lấy chồng đã gần hai chục năm. Vậy mà có lẽ trong mắt anh, khoảng thời gian ấy không thấm tháp gì so với hai tháng vợ xa nhà.
Làm thế nào để mình đi xa mà “ổng” vẫn vui vẻ? (Ảnh minh họa) |
Xách ba lô lên và… đứng ngó
Trước chuyến đi, chị biết chồng chị nghĩ gì, chị cũng suy nghĩ rất nhiều, và điều phải nghĩ thường xuyên nhất là: “Làm sao để đi được chuyến đi này? Làm sao để mình đi mà ở nhà ổng vẫn vui vẻ?”.
Chẳng ông chồng nào vui vẻ cho vợ đi xa cả. Ngày còn trẻ thì ghen, sợ vợ gặp “thằng khác”, sợ vợ bị người ta dụ dỗ cài bẫy, sợ vợ mệt mỏi say nắng ngả vào bờ vai nào đó đang chìa ra sẵn. Khi ghen tuông không còn nóng bỏng, vấn đề sẽ chuyển sang việc nhà, vợ đi chồng con làm sao, thiếu vợ thì ai lo việc này việc nọ…
Cô gái trẻ nào đó viết quyển sách có cái tựa từng làm chị cười vui: “Xách ba lô lên và đi”. Nghe thật nhẹ nhàng! Từ hôm có kế hoạch đi xa, bao nhiêu lần chị cũng xách ba lô lên và… đứng ngó. Chị ngó cái tủ lạnh, phải chất đồ ăn đầy mới được. Chị ngó lịch học thêm, học chính khóa của con, may mà cu cậu nghỉ hè (nhưng cũng không phải nhờ vậy mà mẹ đi xa được nhé!). Rồi chị phải kiểm tra chùm chìa khóa nhà của mấy cha con, lỡ đâu về nhà có bấm còi tin tin cũng không có mẹ chạy ra mở cổng, mở rồi ai nhắc khóa cổng kẻo có ngày mất xe.
Chị xem lại cái bếp, viết giấy dán nhắc tắt bếp, tắt cầu dao bếp khi ra khỏi nhà. Chị làm cái lịch lau dọn nhà cửa. Thăm bên nội, thưa gửi nhờ nội nhắc chừng, chị nhận mấy tiếng thở dài: “Bây đi lâu quá vầy…”.
Thu xếp cho cuộc đi mất hơn một tháng, chị thấy vẫn chưa xong. Có chuyện gì xảy ra trong lúc chị vắng nhà, chắc tội lỗi đổ cả lên đầu người đi vắng. Ủa sao mấy lúc chồng đi công tác, kể cả đi sáu – bảy tháng trời mà thấy nhẹ hều vậy? Nhớ lại, những khi đó, chị cũng phải chạy tới chạy lui thu xếp, làm va li cho chồng, còn sợ anh quên thứ này thứ nọ. Có ai soạn va li cho người đàn bà đi xa, đi lâu, để lo họ bỏ quên cái gì đó ở nhà?
Đời mình hay đời ai?
Đàn bà đi xa, ai cũng lo lắng thì phải. Mấy ngày đầu, chị hay giật mình: Giờ này ăn cơm xong rồi sao? Thứ bảy rồi sao? Có tới hai ngày nghỉ lận?
Nỗi băn khoăn “bây giờ làm gì đây” bám riết lấy tay chân đầu óc chị. Một kiểu vội vã bản năng, vì giờ đó thường là chị quay cuồng với rửa dọn, lau chùi; là tất bật dạy thêm, đưa con đi học ngoại khóa; là lặn lội chợ búa siêu thị, thực phẩm cho bốn người ăn trong cả một tuần. Đi xa khỏi nhà thì không. Sáng dậy có thể thả đầu trên gối, vươn vai lười biếng nhìn mặt trời, hai – ba tiếng nữa mới tới giờ làm việc, sảnh khách sạn đã lên đồ ăn sáng, cầm ly cà phê ngắm phố còn trong sương mờ, chị tự hỏi: Cuộc đời này của mình hay của ai?
Đàn bà đi xa, có điều này các ông chồng không hiểu: được “nghỉ yêu” một thời gian là nhu cầu có thật. Yêu cũng mệt, yêu lâu càng mệt, yêu một người lâu quá có thể làm người ta kiệt sức mà không biết. Như một chiếc xe chạy đường dài cần nghỉ, đi thuyền lâu cần được bước lên đất liền, phố thị rộn ràng cần một khoảng xanh.
Lúc nghỉ yêu, đàn bà vận hành tối thiểu, vẫn là mình thôi nhưng trong tình trạng tiết kiệm năng lượng tối đa. Chẳng còn hơi sức đâu cho những tình một đêm, chẳng đong đưa cũng không say nắng.
Các mối quan hệ dù chốc lát cũng đòi hỏi quá nhiều năng lượng và cảm xúc, mà đàn bà đi xa không mấy hào hứng. Cảm giác mình đã lạm dụng đời mình nhiều rồi trồi lên như một tảng băng, tiếc mình, nên đàn bà không sẵn lòng phung phí nữa.
Đi xa, chị thấy mình sống chậm lại, cái nhìn chăm chú hướng vào bên trong mình nhiều hơn. Những buổi chiều xa xứ, đứng nhìn xuống phố, nhớ lại những ước mơ của mình, chị biết mình đã bao lâu quên đi bản thân. Ở nhà, đàn bà hay so mình với bạn bè cùng trang lứa. Chồng con, đồng nghiệp cũng là một kiểu thang đo khác. Nhưng có phải con người ta cần phải so mình với chính bản thân mình, một lúc nào đó, nhớ lại những ước mơ thuở mới vào đời, để thấy giờ cuộc đời đã đưa đẩy mình tới đâu, mình có đến được chỗ mình muốn đến?
“Có điều gì tiếc nuối không, tôi ơi?”. Chị thầm hỏi và nghĩ đến chồng. Thật ra đó là người mình từng yêu, thật lòng và cũng được người ta yêu lại. Vậy mà trước chuyến đi, có khi cả hai đều đã thoáng thấy ngõ cụt của cuộc hôn nhân. Thật lạ, đi xa, đi lâu, chị nghĩ cũng thương người ấy, mình có thể đã không mang lại nhiều hạnh phúc như người ta kỳ vọng. Mà biết đâu nếu cưới một người khác, người ta đã có thể hạnh phúc hơn.
Chuẩn bị đồ… về!
Đàn bà ở nhà không ai hỏi chuyện này đâu, nhưng cứ hễ bước chân đi xa là ai cũng hỏi: Đi đâu vậy? Đi đâu rồi? Chừng nào thì về? Hôm bước chân lên máy bay, chị chưa kịp mừng vì được ngồi cạnh đồng hương, đã nghe cậu hỏi: “Chừng nào về?”.
May quá, sau hơn nửa tiếng liên tục tra hỏi chị, người khách đồng hương bị nhân viên nhắc nhở vì ngồi nhầm chỗ. Xém nữa là chị đã bật cười vì nhẹ nhõm.
Mỗi cuộc điện thoại với chồng con, thế nào cũng nhắc đến ngày về. Làm như chị đi xa chỉ để đợi ngày về không vậy. Nhưng mà cũng vui, bữa nào đi chợ nơi xa xứ chị cũng mua mấy thứ lạ lạ, nghĩ để mai mốt đem về để chỗ này chỗ kia trong nhà. Nghĩ rồi chị tự cười. Qua tới tận đây để chuẩn bị đồ đi về!
Đàn bà đi xa mấy, đi lâu mấy rồi cũng về thôi. Chữ “về” tự động bật sáng như một ngọn đèn chờ, ngay khi đàn bà bước ra khỏi cửa. Nôn nao đi, nôn nao trở về, dù biết hết, quen hết những thứ nơi mình trở về đó.
Nôn nao đi, nôn nao trở về… (Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK) |
Hai tháng đi xa, căn nhà đón chị bằng một hơi ấm nồng nàn quen thuộc. Chớp mắt, một tuần về nhà trôi vèo qua, chị vẫn chưa xong việc tổng dọn dẹp, lau rửa, giặt giũ. Thỉnh thoảng giữa những khoảng đêm không ngủ được vì trái giờ, đi ngang qua phòng con, phòng bếp, chị nghĩ vẩn vơ chẳng biết mình có ảo tưởng không: cái mùi nhà nồng nàn quen thuộc đó có phải bốc lên từ mớ đồ tồn kho của ông chồng lười, của mớ công chuyện đăng đăng đê đê? Chúng chắc cũng được tích lũy từ khi chị bắt đầu chuyến đi xa, cũng là từ khi câu chuyện “đợi vợ về” bắt đầu xuất hiện trong nhà mình đó!
Hoàng Mai
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dan-ba-di-xa-duoc-bao-lau-a1469488.html” name=””]