Nghe anh kể, chị thấy lòng mình nghẹn lại. Thì ra, đàn ông đi chợ cũng lắm tâm tư.
Chị nhớ, ngày đầu tiên anh đi chợ mua thức ăn, ngoài mấy thứ chị đã cẩn thận ghi sẵn ra giấy, anh còn mua thêm khoảng chục trái bắp nhỏ xíu.
Anh mua về để đó rồi vội vàng đi làm nên chị không kịp hỏi. Chị thắc mắc sao anh lại mua thứ bắp non ít hạt còn bị sâu nhiều chỗ. Nếu luộc lên thì ăn chẳng được bao nhiêu, chị đành bào mỏng, xay nhuyễn để nấu sữa bắp cho con.Việc nhà bận bịu, lại chăm con cả ngày làm chị quên luôn chuyện mấy trái bắp bị hỏng nên không nói gì với chồng.
Đàn ông đi chợ mua sắm theo những lý lẽ riêng… (Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK) |
Trước đây, việc mua thức ăn là của chị, anh thỉnh thoảng phụ vợ nấu ăn chứ hiếm khi đi chợ. Đến khi chị sinh đứa con thứ hai, bà ngoại lên phụ chăm được một tháng thì về, nhà rối như tơ vò. Chị bận con nhỏ, mới sinh xong ngay thời điểm dịch bệnh nên không thể chợ búa, đành giao việc ấy cho chồng. Anh tranh thủ ghé chợ mua thức ăn vào sáng sớm khi chở con lớn đi học hoặc cuối giờ chiều khi đã tan làm.
Sợ chồng không rành đi chợ, chị ghi sẵn những thứ cần mua ra giấy, dặn anh đến những hàng quen mà mua cho đúng giá. Mấy tuần đầu, anh mua đúng những thứ vợ dặn, nhưng bao giờ cũng đắt hơn. Chị bảo chồng phải trả giá, người bán bao giờ cũng nói thách. Anh cười nói: “Người ta buôn bán được bao nhiêu đâu mà bớt, thêm vài ngàn chỉ mất ly cà phê là cùng”. Chị nghe anh nói thế nhưng nghĩ trong bụng, chắc chồng thấy ngại mới không trả giá. Bởi có lần anh kể, có anh kia đi mua cá mà đòi bớt hai mươi ngàn đồng làm bà bán cá mắng như tát nước vào mặt: “Đàn ông đi chợ mà trả giá hơn đàn bà, về mặc váy cho rồi”.
Chị tưởng tượng ra cảnh đó, hình dung ra vẻ mặt của chồng khi chứng kiến mà không nhịn được cười. Sau lần đó, chị không nhắc anh chuyện giá cả, chỉ dặn lựa đồ ăn sao cho tươi, tránh mua phải cá thịt không tươi hay rau củ héo.
Thế nhưng mỗi lần đi chợ về, anh đều mua thêm những thứ ngoài thực đơn, điều đáng nói là không tươi ngon gì, nhìn như đồ bỏ. Có khi là một nải chuối chín nhiều trái hư, hay trái đu đủ bị thối một đầu, dăm quả cà chua nửa đỏ nửa đã thâm vì giập. Có lúc anh mang về một bó rau héo rũ, vài lạng tôm ươn hay loại cá nhà không bao giờ ăn…
Chị bực mình vì không biết phải làm gì với những thứ anh mua phát sinh đó, lại càng tiếc tiền. Nhưng chị nghĩ, anh đã chịu khó đi chợ, phàn nàn nhiều anh tự ái, vợ chồng cãi nhau thêm mệt nên chị không nói gì.
Đến hôm qua, anh mua về mấy con cá rô đồng nhỏ không còn tươi thì chị không kiềm chế nữa. Nghĩ đến cảnh vừa canh con ngủ vừa gỡ xương cá, chị đã rùng mình. Chị sơ chế rồi bỏ vào tủ đông, định tối anh về sẽ nói chuyện.
Đến bữa cơm tối, chị chưa kịp nói gì anh đã hỏi: “Em không làm cá rô à?”. Chị càu nhàu nói: “Anh mua cá nhỏ lại không tươi, làm sao mà nấu, thời gian đâu mà gỡ xương”. Chồng chị cười: “Anh mới xem trên mạng, cá này chiên ngon lắm, mà mấy con đó chỉ có ba chục ngàn đồng thôi, không đắt đâu”.
Chị vẫn cau có: “Em không nói chuyện đắt rẻ, nhưng mua những gì em dặn thôi chứ anh toàn mua thêm đồ vớ vẩn”.
Ảnh mang tính minh họa – Phùng Huy |
Lúc đó, anh mới kể: “Anh không định mua mà thấy bà cụ tội quá nên mua giúp”. Rồi anh say sưa nói về chuyện đi chợ, lần đầu tiên anh mua bắp là của một bà cụ bán ven đường. Nhìn dáng cụ gầy còm ngồi lọt thỏm bên rổ bắp, anh nhớ đến bà nội. Ngày xưa bà anh cũng đi bán ở chợ như thế, nhà có gì bán nấy từ mớ rau, con gà đến chục trứng.
Hôm nào bà bán nhanh, về sớm, mấy đứa cháu mừng lắm, vì có quà. Mấy bó rau, mớ tôm, con cá… anh thường mua của những người già đi bán, anh thấy thương mà mua.
Hôm nay cũng thế, nhìn bà cụ tay run run bưng rổ cá bên vệ đường, vừa rao vừa canh chừng bảo vệ chợ nên anh dừng mua. Bà nói, trận lụt trái mùa làm ao cá nhà bà trôi hết, chỉ vớt được mấy con cá nhỏ, bán được đồng nào hay đồng nấy. Bà tính giá ba mươi ngàn mà anh đưa năm chục ngàn vì thấy thương quá.
Ảnh mang tính minh họa – Phùng Huy |
Nghe anh kể, chị thấy lòng mình nghẹn lại. Thì ra, đàn ông đi chợ cũng lắm tâm tư chứ đâu chỉ băn khoăn chuyện giá cả. Chị tính giành lại quyền đi chợ, nhưng thật mừng vì anh đã quen và thấy được niềm vui ở đó. Từ ngày anh đi chợ, anh cũng không còn kén ăn, biết chia sẻ với vợ nhiều chuyện trong bếp.
An Nguyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dan-ong-di-cho-a1464072.html” name=””]