Ông bà cháu nên thường xuyên bày trò chơi với nhau để con cháu thấy bên cạnh ông bà thật vui, ông bà cũng phấn chấn và trẻ ra được phần nào.
Những ngày được nghỉ học, các cháu rất vui, về quê thư giãn. Tôi bày những trò chơi dân gian truyền thống để cháu chơi và hiểu thêm về thời ấu thơ của ông bà. Với bùn đất ngoài đồng, bà cháu nắn thành những con vật dễ thương như trâu, bò, heo, chó…
Thằng cháu hì hục nắn hoài một vật gì ngộ ngộ. Tới khúc bí, nó hỏi: “Hình thù cây kiếm sao ngoại?”. Hồi nhỏ tôi toàn chơi đánh đũa, nhảy dây, thả dây tơ hồng bò lên đám rau mương, có hiểu kiếm cót là gì đâu nhưng tôi vẫn chê khéo thằng nhỏ: “Con nắn giống cái dao chét quá”. Mà thiệt, do khó nắn, vì bùn nhão đắp lên tuột xuống, cháu đã cố gắng hết mức mà chỉ dài tới cỡ đó. Thôi thì tạm đặt tên là cây kiếm lùn cho “hợp với dáng em”. Bà cháu cười ngặt nghẽo với binh khí không ma nào sợ này.
Tôi đã 77 tuổi, hình ảnh cây kiếm không còn đọng gì trong tâm tưởng thì lấy đâu mà chỉ nó nắn chứ. Tới lượt cháu chọc quê bà: “Ngoại nắn trâu mà con nhìn ra heo”. Tôi bật cười, gỡ gạc: “Chưa gắn sừng mà con”. Một hồi nó vỗ tay la lên: “Giống trâu rồi, hoan hô ngoại”.
Thuở xưa, nhà nào cũng nấu cơm và thức ăn bằng củi với hạt gạo đồng quê chín mềm thơm phức, cơm cháy giòn tan. Phải kể đến công cán đáng kể của những nồi niêu xoong chảo, nấu vô số món ăn bình dị mà thời đại công nghệ điện, gas chưa chắc đã ngon bằng. Hình tượng cái cối xay bột thủ công chỉ còn nghe trên truyền thuyết đã làm ra biết bao nhiêu là bánh trái phục vụ con người.
Nếu không có thế hệ già khơi gợi, tái hiện bằng hình ảnh nắn bùn đất này thì những thế hệ tiếp theo sẽ không còn gì trong tưởng tượng. Ký ức tuổi thơ dần dần bị mai một và trống rỗng…
Tác giả và cháu ngoại say mê o bế đàn trâu đất, heo đất, nồi niêu xoong chảo… |
Chơi cả buổi lấm lem, chiêm ngưỡng thành phẩm của bà cháu, tôi cao hứng đặt bài thơ:
Trò chơi bùn đất
Những ngày nghỉ, rời xa Sì Phố
Ngoại bà cùng thằng nhỏ cháu yêu
Bày binh nắn đất nồi niêu
Bò, trâu, heo, (ông) Táo cuối chiều đến đêm
Cối xay bột gợi niềm nhung nhớ
Của một thời trôi đã quá xa
Kiếm này thằng bé nặn ra
Hình thù ngộ nghĩnh nhưng mà dễ thương
Cái đời – trẻ mê cuồng điện tử
Phải bày trò để “nhử” nó chơi
Vài giờ thư giãn thế thôi
Cũng thành ký ức một thời tuổi thơ
Đã lâu lắm – bỏ lơ bỏ lửng
Mọi trò chơi của những ngày xưa
Cho dù nó thật đơn sơ
Nhưng là truyền thống dân ta bao đời.
Thằng cháu ngâm nga, đọc đi đọc lại bài thơ, đoạn ngừng lại “bình loạn” về mấy món bùn đất mới ra lò rồi cười khúc khích.
Xu hướng người già thời nay tính khí có lúc bất thường, khó gần con trẻ, nhất là khi nhà có tới 4 thế hệ (như tôi). Những buổi bên nhau ăn uống, chuyện trò thì người già hay lợi dụng thời cơ để “uốn nắn” cốt cho cháu phải nghe theo ý mình. Do cách nói thiếu tế nhị, mềm dẻo, một khi lỡ lời, bị con cháu phản ứng thì già mình nổi quạu, dỗi hờn… Dần dần ông bà, con cháu khoảng cách tuy gần mà như thêm xa vời vợi. Cho nên thế hệ già ta phải kiểm nghiệm lại mình để có cách ứng xử khéo léo một chút mỗi khi tiếp cận với con trẻ. Ông bà cháu nên thường xuyên bày trò chơi với nhau để con cháu thấy bên cạnh ông bà thật vui, ông bà cũng phấn chấn và trẻ ra được phần nào.
Bao nhiêu năm mới ngược về ký ức xưa, bày trò chơi thuở tôi còn mười mấy tuổi, cảm thấy đời như vui trở lại, nhất là được làm “thầy” truyền cảm hứng những trò chơi dân gian thủ công bùn đất đến cháu mình. Không ra tác phẩm gì đặc sắc nhưng cũng cắt bớt thời gian cháu sa đà vào các trò chơi điện tử vô bổ, tai hại.
Tôi rất thích chơi hoa kiểng, tuy không nhiều nhưng cũng được hơn chục loại. Mỗi ngày chăm chút, tưới tắm và ngắm nghía cho vui vẻ cuộc đời. Lại thêm màn gia nhập nhóm nhạc sống và karaoke bạn già, bạn trẻ trong xóm vài mươi người, rồi “thơ thẩn” này nọ.
Đã vào tuổi hoàng hôn, tôi quyết không chấp nhận cảnh ngồi khoanh tay, bó gối, đếm thời gian trôi để gặm nhấm tuổi già, mà phải vươn lên, tự chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm đam mê, vui vẻ để bớt nặng nợ âu lo cho con cháu mình.
Kim Thu (Bến Tre)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dat-bun-ket-dinh-tinh-ba-chau-a1485294.html” name=””]