( Yeni ) – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ mong muốn ngay đầu năm hoặc giữa năm 2023, việc tăng lương cho công chức, viên chức sẽ trở thành hiện thực.
Trước tình trạng hàng loạt công chức, viên chức bỏ việc ở khu vực công sang tư vì thu nhập thấp thì việc tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là việc cấp bách. Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương, Bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã bày tỏ mong muốn ngay đầu năm hoặc giữa năm 2023, việc tăng lương cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ trở thành hiện thực.
Lương thấp là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư. Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang tư hoặc ngược lại là việc bình thường. Quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc là quyền của mỗi công dân, Nhà nước và pháp luật phải tôn trọng và bảo đảm quyền quan trọng đó. Tuy nhiên, nếu tình trạng chuyển dịch nhiều nguồn lao động sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số ngành, lĩnh vực ở khu vực công như thời gian vừa qua. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu bày tỏ mong muốn sớm tăng lương cho công chức, viên chức ngay đầu năm hoặc giữa năm 2023.
Có 5 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyển dịch của cán bộ, công chức, viên chức từ khu vực công sang tư.
Thứ nhất: Quan niệm của xã hội về việc làm giữa khu vực công và tư đã cởi mở hơn, bình đẳng hơn;
Thứ hai: Thu nhập ở khu vực công nói chung còn thấp, phân phối lại cứng nhắc, cào bằng;
Thứ ba: Việc làm ở khu vực tư ngày càng nhiều, phong phú với sức hấp dẫn cao về thu nhập, sự năng động, về cách đánh giá hiệu quả lao động và phân phối thu nhập;
Thứ tư: Sau đại dịch COVID-19, mọi thứ đều thay đổi, kể cả thị trường lao động (chẳng hạn, nhiều giáo viên nghỉ dạy dài ngày, bán hàng online để sống, nay thấy việc đó phù hợp, thu nhập cao, không muốn quay lại làm giáo viên nữa);
Thứ năm: Những áp lực về công việc, về tính tuân thủ pháp luật làm nản lòng một số công chức, viên chức. Dù làm ở khu vực công hay tư đều phải tuân thủ pháp luật, ở đâu cũng đều có những áp lực riêng về công việc.
Việc chuyển dịch này là một quy luật tất yếu và rõ ràng là đang tiến tới một thị trường lao động mà khu vực tư và công phải công bằng nhau.
Có nhiều nguyên nhân khiến công chức, viên chức chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đều trong đó có vấn đề thu nhập là vấn đề quan trọng, then chốt nhất. Tuy nhiên, tác động của đại dịch COVID-19 hơn 2 năm qua đã không cho phép cải cách tiền lương trong công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo lộ trình đã định. Hiện nay, Đảng, Chính phủ và cả Quốc hội đang hết sức quan tâm đánh giá, chuẩn bị nguồn lực để có thể cải cách căn bản lương, thu nhập cho khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sớm nhất. Sự chuyển dịch từ khu vực công sang tư và ngược lại là việc bình thường, nhưng cần phải nhận thức rõ một số vấn đề về lý luận, thực tiễn, cần phải tính đến vấn đề tổ chức sắp xếp bộ máy, cải cách chính sách tiền lương, trả công chi phí cho người lao động để có thị trường lao động thể hiện được giá trị của sức lao động mà người lao động bỏ ra.
[yeni-source src=”https://xevathethao.vn/uncategorized/dau-nam-2023-tang-luong-cong-chuc-vien-chuc-co-dung-khong.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/dau-nam-2023-tang-luong-cong-chuc-vien-chuc-co-dung-khong-d336310.html” name=”Xe và Thể thao”]