Khi tìm hiểu về triết lý ikigai, tôi thấy rằng ikigai giống như chiếc la bàn cho phép chúng ta tìm thấy sự hứng thú mỗi ngày với cuộc sống, thay vì bị đè nén bởi muôn vàn nỗi nhọc nhằn.
Bạn đã tìm ra sự hứng thú mỗi ngày của mình hay chưa? (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Shutterstock) |
Tại sao phải tìm ra ikigai trong hôn nhân?
Bạn tôi – một nhân viên ngân hàng – từng chia sẻ, lúc vợ chồng cô đang đứng trước bờ vực chia tay, chồng cô viết cho cô một email nói về khoảng thời gian trước kết hôn, họ đã cùng nhau say mê cuộc sống này thế nào.
Anh nhắc về chuyến đi phượt Hà Giang cùng nhau, vừa đi vừa chụp hình để làm bộ ảnh cưới đã khiến cả hai hạnh phúc ra sao. Anh nhắc lại đêm ngủ ở Mèo Vạc, khi anh hát, mắt cô đã ngấn nước hạnh phúc. Anh nhắc lúc bé Mèo chào đời, họ đã từng có rất nhiều khát khao về tương lai. Đặc biệt, anh thích vô cùng món bún bò Huế do cô nấu. Bạn tôi bảo rằng đọc email xong, mọi thứ trong cô như bùng dậy, mọi cảm xúc yêu đương như có cơ hội cọ quậy kêu réo cô nghĩ lại mọi thứ. Cảm xúc đó lâu rồi cả cô và chồng đều quên.
Từ bao lâu rồi chúng ta mất kết nối với nhau?
Trong cách thức tìm ra ikigai của mỗi người có phương pháp kết nối lại với chính mình. Khi mất kết nối với bản thân, chúng ta sẽ không còn cảm thấy mình được vui, được buồn, được hào hứng với bất cứ điều gì nữa. Khi đó, chúng ta không có đam mê, thiếu động lực sống.
Trong một buổi workshop về hạnh phúc gia đình do một trung tâm tiệc cưới tổ chức, câu chuyện của bạn Tuyền Trần (huyện Hóc Môn, TPHCM) đã gây ấn tượng sâu sắc đối với nhiều người.
Tuyền Trần nói rằng điều bạn thích nhất trong đời này chính là ướp và kho cá. “Dường như đó chính là ikigai của tôi” – Tuyền bộc bạch. Khi vui buồn, tuyệt vọng, chán chường, cô chỉ cần đi ướp và kho một nồi cá. Cô luôn khát khao kho cá thật ngon. Chồng cô hiểu rõ vợ mình ở điểm này. Vì thế, anh luôn động viên vợ bất cứ khi nào.
Khi nhà có khách, anh thường hãnh diện khoe với bạn bè: “Tuyền mà kho cá thì chỉ có hết nồi”. Anh hay nói với mọi người, cô bình an nhất là khi đứng trong bếp tẩm ướp từng con cá, say sưa chỉnh lửa, thêm thắt gia vị… như chính tay cô thêm thắt gia vị cho cuộc hôn nhân của họ.
Tuyền nói: “Khi tìm ra điểm này, dường như tôi ít căng thẳng bực dọc hơn. Tôi biết lấy thú vui kho cá để tự cân bằng”. Điều đó giúp hôn nhân của Tuyền luôn êm ái.
Sau nhiều năm hôn nhân, người trong cuộc thường rơi vào cảnh mất kết nối với nhau. Một người bạn của tôi từng đùa về cuộc hôn nhân của cô rằng hai con người ở cùng nhà, ngủ cùng giường, ăn cùng bàn giờ như những con robot không chút cảm xúc. Mỗi ngày, họ chỉ nói với nhau vài câu qua loa, kể nhau nghe vài chuyện linh tinh và cằn nhằn nhau chuyện tiền bạc. Cách ngồi ăn của chồng luôn khiến cô khó chịu. Một câu nói đùa của anh cũng khiến cô cảm thấy thật vô duyên. Mọi thứ mang nặng ý nghĩa trách nhiệm gia đình hơn là sự hào hứng từng có của những ngày đầu.
Chúng ta đã quên cách lắng nghe nhau như thế nào?
Dù khái niệm lắng nghe đơn giản nhưng chúng ta cứ lờ đi và đổ thừa cho nhiều thứ, để rồi… ikigai trong hôn nhân cũng chính là cách chúng ta tìm về với chính mình; lắng nghe bạn đời; sẻ chia từng cột mốc, niềm vui trong đời.
Có quá nhiều định nghĩa cho một mái nhà của hai con người. Thực ra hôn nhân chính là cùng nhau: cùng nhau nhìn thấy mặt tốt của người kia, cùng nhau bỏ qua và chấp nhận những điều không được, cùng nhau chỉnh sửa chính mình…
Những ngày dài hôn nhân đôi khi khiến chúng ta nhàm chán đối tác và nhàm chán cảm xúc của bản thân. Thế nên, vận hành triết lý sống theo phương pháp ikigai phải chăng là một cách để chúng ta có thể sống trọn vẹn với tất cả những gì mình đang có, biết gieo những hạt mầm cảm xúc, biết nhìn thấy những điểm nhấn thú vị của nhau?
Hứng khởi bước tiếp chắc chắn là phương châm của hôn nhân hiện đại.
Tạ Khánh Tâm
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/di-tim-diem-thu-vi-cua-nhau-a1484740.html” name=””]