Dù con chậm chạp, học kém, vợ chồng tôi vẫn rất đỗi tự hào về con. Con là tấm gương bền bỉ của sự cố gắng, chăm chỉ.
Con tôi vừa học vừa làm, vừa lo việc nhà (ảnh minh họa) |
Tôi có 3 đứa con. Nếu 2 đứa sau rất lanh lẹ, thông minh thì Trung – con trai đầu của tôi – khá chậm chạp. Tuy nhiên đến bây giờ, vợ chồng tôi rất tự hào về Trung, thậm chí có phần hơn 2 em của nó (dù 2 em của Trung học rất giỏi, đều học đại học, một đã ra trường đi làm, một còn là sinh viên).
Năm Trung học lớp 6, gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn. Thời điểm ấy cháu cũng học rất kém, hầu như tháng nào cũng đội sổ. Vợ chồng tôi buồn lắm, nên khi Trung xin nghỉ học ở nhà đỡ đần gia đình, chúng tôi đã đồng ý, một phần vì kinh tế gia đình, một phần quan trọng do cháu học quá kém. Tôi đã tuyệt vọng về tương lai của cháu, và càng thương hơn vì bản tính con quá hiền lành.
Nghỉ học ở nhà, Trung đảm trách việc cơm nước, chợ búa. Một thời gian sau, tôi và chồng làm ăn khá hơn, chi tiêu không phải tằn tiện như trước. Thấy Trung có trình độ học vấn thấp, là con trai mà suốt ngày phải làm việc nhà, chúng tôi động viên cháu đi học bổ túc ban đêm, vì cháu không thể học ban ngày được, số tuổi của cháu đã trễ để tiếp tục học lại lớp Sáu ở trường cũ.
Thời gian đầu rất khó khăn để Trung trở lại trường lớp. Con bỏ sách vở lâu quá, đầu óc lại không thông minh, nên việc học hành vất vả. Chương trình học ở trung tâm giáo dục thường xuyên nhẹ hơn trường phổ thông nên nhờ cần cù, Trung vượt qua lớp Sáu, lớp Bảy, rồi lớp Tám với sự động viên của mọi người trong gia đình và sự giúp đỡ, kèm cặp của 2 em.
Học hết lớp Tám, Trung tự xin được vào làm công nhân ở một xưởng cơ khí tư nhân. Ban ngày cháu đi làm, ban đêm cháu vẫn tiếp tục đi học cho hết chương trình phổ thông cơ sở. Lúc này Trung đã hoàn toàn tự lập, vợ chồng tôi cũng ít để ý đến cháu, phần vì thấy cháu hiền lành, chăm chỉ, phần vì chúng tôi bận bịu làm ăn, lại thêm dồn hết lo lắng cho 2 đứa con sau đang cần đầu tư vào chuyện học, phải đưa đón hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác.
Tuy đã đi làm, nhưng Trung vẫn cáng đáng việc nhà. Mọi người trong gia đình từ lâu quen với sự chu toàn của Trung nên có phần ỷ lại, việc gì cũng nhờ cháu giúp. Đi làm về, Trung vào bếp, nấu cơm cho cả nhà, ăn xong lui cui dọn dẹp nhà cửa. Tôi bận buôn bán nên không có thời gian…
Ban đầu ở xưởng cơ khí, Trung được phân công làm việc lặt vặt, dọn dẹp vệ sinh, phụ việc. Được một thời gian, thấy Trung cần cù, chịu khó, siêng năng, ông chủ cho cháu sử dụng máy móc, bắt đầu từ những máy đơn giản như khoan, mài; sau đó cháu được đứng máy tiện với những sản phẩm không yêu cầu phức tạp. Dù sự tiếp thu có hạn chế, nhưng Trung rất trách nhiệm, được giao việc là làm đến nơi đến chốn.
Vừa học vừa làm, Trung hoàn thành lớp Chín bổ túc rồi lên cấp III cùng đầy kín những công việc bận rộn vừa ở xưởng, vừa ở nhà. Lúc này, công việc chồng tôi đã khá hơn, thấy Trung vất vả quá, tôi nghỉ buôn bán về lo gia đình.
Em kế Trung vào đại học, Trung tình nguyện góp tiền cho em đi học. Tiền lương hàng tháng, Trung chỉ để lại một ít chi tiêu lặt vặt rồi gửi hết cho em. Cháu nói, đã ăn cơm ở nhà rồi, cả ngày bận bịu ở xưởng, rồi đi học buổi tối, rồi phải học bài, cháu không có thời gian rỗi để đi chơi với bạn bè, tóm lại là không có dịp xài tiền.
Mà khi ấy tôi thấy cháu không có bạn bè thật. Đồng nghiệp ở xưởng đa phần lớn tuổi hơn cháu, bạn bè ở lớp bổ túc lại nhỏ tuổi hơn nên cháu chỉ đi làm rồi về nhà và đi học.
Cần cù bù thông minh, con tôi chậm chạp qua hết mấy năm phổ thông cho dù có năm phải học lại một học kỳ vì điểm thấp quá. Tốt nghiệp phổ thông trung học với tấm bằng bổ túc văn hóa, Trung xin nghỉ làm thi vào một trường cao đẳng kỹ thuật. Lúc này, em kế của Trung đã xoay xở được ở thành phố lớn, do cháu thông minh, lanh lợi, có thể vừa học vừa làm thêm, nên không nhận tiền của Trung nữa. Chính em động viên Trung thi vào trường cao đẳng.
Vào trường kỹ thuật, việc học của Trung khá dần, do cháu đã có tay nghề mấy năm đi làm ở xưởng cơ khí. Thầy cô trong trường ai cũng thương Trung, bởi cháu hiền lành, chăm chỉ, hay giúp đỡ người khác.
Trung tốt nghiệp ra trường, vợ chồng tôi xin cho cháu làm trong một công ty dệt. Với kinh nghiệm ở xưởng cơ khí, thêm kiến thức mấy năm học kỹ thuật, tay nghề của Trung đã vững vàng, cháu được đề bạt làm tổ phó, rồi tổ trưởng… Một thời gian sau, Trung được cho đi học đại học tại chức về ngành điện.
Cuối cùng con tôi cũng có cơ hội thành kỹ sư điện (ảnh minh họa) |
Bây giờ vợ chồng tôi không còn lo lắng cho Trung nhiều nữa, điều hạnh phúc nhất của chúng tôi là các con rất thương yêu nhau. Nếu thời gian Trung học bổ túc, không có sự giúp đỡ của 2 em về mặt học tập, Trung cũng khó vượt qua. Bù lại những năm tháng các em học đại học, Trung đã góp sức cùng cha mẹ để lo cho em.
Hiện Trung đang học năm thứ ba đại học tại chức, tôi tin chắc chắn cháu sẽ tốt nghiệp được đại học. Trong 3 đứa con, nhìn đi nhìn lại, tôi có phần thương Trung hơn. Dù học hành không bằng bạn bè, nhưng con chính là tấm gương nỗ lực không ngừng nghỉ.
Kim Duy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dua-con-cham-chap-nhat-nha-a1515172.html” name=””]