Chị Phương không biết mình đã sai ở đâu, liệu làm một người vợ bình thường và không có gì nổi trội có phải là cái tội? Vì sao chồng chị lại ngày một quá quắt hơn và dường như luôn coi chị là nơi để trút mọi bực dọc?
1. Trong chuyến du lịch, thấy vợ chỉ thay quần đùi áo thun để đến địa điểm mới, anh Thắng gắt gỏng: “Đi chơi mà cũng không sắm sửa cái đầm nào đẹp để mặc à? Người gì mà lúc nào cũng xuề xòa, tiền tiêu vào việc gì hết rồi?”. Nếu thấy vợ đứng chụp thêm vài bức ảnh, anh mỉa mai: “Chụp ảnh ảo vừa thôi! Đừng để khi mất tích người ta không tìm được mặt vì quá khác trên “Phây” đấy”.
Vợ nấu ăn, anh đứng săm soi. Vợ dạy con học bài, anh ngồi nghe ngóng xem có… đúng phương pháp giáo dục hay không. Chị làm gì anh cũng có thể chỉ ra lỗi. Anh phân tích đủ thứ nhưng không hề giúp vợ. Anh lấy lý do là vợ thì phải chu toàn mọi việc trong nhà. Hơn bảy năm làm vợ chồng với nhau, nhưng hiếm khi anh Thắng dành lời ngọt ngào cho vợ.
Ảnh mang tính minh họa – Lifestylememory |
Dường như trong mắt anh, chị Phương lúc nào cũng xấu xí, lề mề, tiêu xài hoang phí, ẩu đoảng… Những gì xấu nhất, anh Thắng đều gắn lên vợ. Anh không ngừng so sánh vợ với đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè. Bất kỳ ai có điểm nào hơn vợ, anh đều dùng để “uốn nắn”, dạy dỗ vợ. “Cả cái khu này chẳng có ai như cô” là câu mà thi thoảng anh nói thẳng vào mặt vợ.
Anh Thắng nói lời tiêu cực với vợ ở bất kỳ lúc nào, dù có là trước mặt ai. Có bữa, đang giữa buổi tụ họp bạn bè, anh phát biểu: “Vợ tôi chẳng biết dạy con gì cả. Ai đời con trai sáu tuổi rồi mà vẫn chưa biết chữ, vào học lớp Một mà cứ ú ớ, đọc một quyển sách cũng không xong”. Chị chỉ biết cười giả lả cho qua. Mọi người xung quanh đều thấy tội nghiệp cho chị.
2. Chị Phương không biết mình đã sai ở đâu, liệu làm một người vợ bình thường và không có gì nổi trội có phải là cái tội? Vì sao chồng chị lại ngày một quá quắt hơn và dường như luôn coi chị là nơi để trút mọi bực dọc? Chị thà không có chồng còn hơn, chứ sống thế này thì làm sao ngước mặt lên nhìn bầu trời được! Chồng chứ đâu phải người quản lý cuộc sống của chị! “Chồng thì chồng, không chồng thì thôi”, chị nghĩ.
Đó cũng là ngày chị quyết tâm không chịu đựng nữa. Giữa bữa cơm, khi anh vừa cầm đũa lên và nói: “Món trứng hôm nay chỗ nhạt chỗ mặn! Sao không đánh trứng cho đều rồi chiên?” thì… chị khóc. Chị ngồi thừ người ra rồi nước mắt cứ thế chảy. Xong, chị không ăn cơm nữa mà đi vào phòng. Anh Thắng ngớ người ra trước phản ứng lạ của vợ vì trước nay chị vẫn im lặng cam chịu, chẳng bao giờ giận dỗi.
Anh lại gần chị rồi hỏi: “Ơ thế là không ăn cơm thật à? Ra ăn cơm đi!”. Chị vẫn nhất quyết không ra. Chị nói: “Em rất tủi thân trước những lời chê bai của anh. Nhiều lần em phải khóc một mình rồi và em đã quyết tâm là từ bây giờ em không cần phải làm như thế nữa. Khi nào muốn khóc, em sẽ khóc. Và khi nào không thể chịu đựng tiếp cuộc hôn nhân này, em sẽ từ bỏ”.
Anh Thắng nghe vợ nói thì… đứng hình.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Cũng từ đấy, mỗi lần chồng chê bai hoặc nói nặng lời, chị Phương đều im lặng một lúc cho cơn tức qua đi rồi… nói lời phải trái. Chị không gằn giọng, không đổ lỗi cho chồng mà thường điềm tĩnh. Có hôm chị nói: “Con trai mình tiếp thu chậm anh ạ. Cùng một bài mà các bạn ở trên lớp đã hiểu ngay thì với Tí sẽ phải mất hai lần giảng lại. Đó là lý do mà em cứ phải giúp con hiểu lại bài học rồi mới chuyển sang làm bài tập”. Cũng có hôm chị bảo: “Hôm nay em rất mệt. Em đã cố gắng để cơm nước thay vì đặt đồ ăn ở ngoài. Anh ăn tạm nhé!”…
Chị Phương nhận ra, trước thái độ từ bỏ việc chịu đựng của mình, chồng chị cũng dần thay đổi. Anh bớt đi những lần gằn giọng hoặc to tiếng chê vợ. Nhiều lần, anh chủ động khen vợ làm tốt. Dù chưa dứt được hoàn toàn những tiêu cực nhưng chị biết rằng cuộc hôn nhân này vẫn còn “có thuốc chữa” chứ không bế tắc như chị đã nghĩ. Vợ chồng vẫn có thêm nhiều khoảnh khắc cười cùng nhau chứ không phải chỉ toàn căng thẳng, cơm không lành canh không ngọt.
Trước nay, chỉ là chị đã hiền quá nên bị bắt nạt. Anh Thắng cứ thế được đà lấn tới. Dần dà, chị cũng quên mất giá trị của mình. Nhớ có lần, một người bạn hỏi chị: “Chồng em chê em thế nhưng em thấy mình thế nào? Ngày xưa chồng chị cũng chê chị, nhưng chị thấy chẳng sao cả, chị kệ. Bởi ngẫm lại thì chị thấy miễn mình đừng chê chính mình là được. Đừng quàng những lời nói ấy vào người rồi thấy mình tệ như thế thật!”.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Ừ nhỉ, miễn là đừng chê chính mình. Làm một người phụ nữ bình thường và không có gì nổi trội thì sao? Thì vẫn xứng đáng để được yêu thương. Nếu chưa ai thương mình thì chị thương mình trước.
Mỗi ngày, chị vẫn học cách để chấp nhận chính mình và không ngừng phấn đấu để tốt lên nhưng theo những chuẩn mực của riêng chị. Và chị cũng đang học cách để tự đặt ra những ranh giới cá nhân để không cho người khác phạm vào. Càng ngày chị càng thấm rằng bảo vệ chính chị cũng là xây dựng một cuộc hôn nhân lành mạnh.
Cát Tường
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dung-che-chinh-minh-a1474304.html” name=””]