Dạy con điều khiển cảm xúc của mình, kiềm chế cảm xúc mỗi khi nóng giận thực sự là một điều khó. Nhưng khó không có nghĩa là chúng ta không làm được.
Một lần, đang nấu ăn ở bếp thì tôi nghe tiếng hét của con gái nhỏ. Thì ra hai con gái tôi đang chơi cùng nhau, rồi cô em la lớn, lấn át tiếng cô chị. Tôi vội vàng chạy vào can thiệp, lúc này, cô em bắt đầu khóc thút thít, phân trần giải thích cho hành động vừa rồi.
Sau khi nghe tiếng được tiếng mất, tôi cũng đoán ra câu chuyện: Cô chị đã phân chia đồ chơi cho cô em. Ban đầu cô em thích màu tím, nên cô chị chơi màu xanh. Sau đó cô chị thiết kế ra những món đồ đẹp với màu xanh nên cô em quay sang giành màu xanh. Cô chị nén giận dữ, cô em thì lớn tiếng: “Chị phải nhường cho em, chị lớn mà”.
Có bao nhiêu đó mà thỉnh thoảng khi chơi chung, hai chị em cũng xảy ra mâu thuẫn, lớn tiếng với nhau. Mỗi lần như vậy, tôi đều phân xử rạch ròi, nếu cô em có lỗi phải xin lỗi, ngược lại, cô chị cũng phải nhún nhường, nhỏ nhẹ với cô em. Vài lần rồi quen, cô chị kiềm chế được cảm xúc, còn cô em thì không. Lắm lúc, cô chị giận đến phát khóc.
Thỉnh thoảng hai đứa con gái của tác giả cũng lớn tiếng với nhau |
Nhớ lại thời còn nhỏ, thỉnh thoảng chị em tôi cũng hay cãi cọ, lớn tiếng với nhau. Tôi thường chơi chung với bé út, đôi khi tôi “bí thế”, “đuối lý” nhưng vì vai chị nên tôi sẵn sàng lớn tiếng lấn át em mình. Ngược lại, bé út đôi lần bị tôi la, thậm chí đánh, thì trở nên im bặt. Em im lặng không phải vì em sai mà vì em không thể nào kháng cự. Tôi biết, đôi lần em cũng ấm ức, giữ mãi nỗi tức giận trong lòng.
Chính vì vậy, khi dạy con, tôi luôn đặt mình vào vị trí của con để hiểu tâm ý con. Tôi biết tính khí từng đứa nên lúc nào cũng răn con: “Mọi việc các con không đồng ý gì với nhau đều phải nói ra hết cho mẹ biết để mẹ phân xử. Con làm chị thì không được đánh em, tuyệt đối không được đánh dù có tức giận cỡ nào, còn con làm em thì không được lớn tiếng, hỗn hào với chị…”.
Sau nhiều lần dạy bảo thì các con tôi cũng đã hiểu. Tuy nhiên, có những lúc cả hai chị em đều bộc lộ bản tính và không kiềm chế được cảm xúc. Tôi phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần lời dạy như thế với các con. Qua nhiều lần như vậy, cô chị có vẻ hiểu chuyện, dù nóng giận cỡ nào cũng không đánh em, không lớn tiếng với em; trong khi cô em thỉnh thoảng còn nổi xung thiên chống cự.
Biết việc dạy lý lẽ ở độ tuổi lên năm, lên mười là rất khó nên tôi cũng tập cho mình tâm thế phải kiên trì và thực sự kiên nhẫn. Sau mỗi lần chị em chúng cãi vã, tôi lại một lần ôn lại bài học. Dần dà, chị em chơi với nhau hòa thuận, ít lớn tiếng và nếu có điều gì đó thật sự bức xúc, chúng đều dọa nhau: “Chị/em sẽ méc chuyện này với mẹ”.
Những điều răn dạy con gái của cô hàng xóm mà tôi đang học theo |
Hôm trước, tình cờ ghé chơi nhà một người cô trong khu phố, tôi có đọc được những dòng chữ do chính tay cô viết thay những lời của chồng (chồng cô là người Nhật) để răn dạy con gái.
Trong tờ giấy cô viết dán trên tường có rất nhiều nhưng tôi chú ý đến lời dạy của vợ chồng cô với con gái: “Lớn tiếng là bỏ qua cảm xúc của người khác. Đừng lúc nào cũng nói to. Hãy cẩn thận với những suy nghĩ của cha mẹ và những người khác…”.
Thực sự đây cũng là một cách dạy con mà tôi cần học ở vợ chồng cô. Chúng ta có thể viết chúng ra giấy, dán lên tường để mỗi ngày các con trông thấy và ghi nhớ. Bọn trẻ hay quên thì viết ra giấy, viết ra tấm bảng hoặc bất cứ nơi đâu để con có thể nhìn thấy, lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Dạy con điều khiển cảm xúc của mình, kiềm chế cảm xúc mỗi khi nóng giận thực sự là một điều khó. Nhưng khó không có nghĩa là chúng ta không làm được.
Dạy con tôn trọng cảm xúc của người khác cũng là dạy con sau này được người khác tôn trọng cho cảm xúc của chính mình.
Huyền Nga
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dung-coi-thuong-cam-xuc-cua-nguoi-khac-a1471803.html” name=””]