Bí quyết nào khiến cô có thể “cân” được hết những phần việc mà theo như bạn bè đồng trang lứa là rất khó khăn như vậy?
Nếu chọn cách tính thế hệ Z là những bạn trẻ sinh từ năm 1995-2012 thì Hà Đặng Như Quỳnh là một cô gái gen Z chính hiệu. Sinh năm 1996, hiện Quỳnh là giám đốc học thuật của hệ thống DOL English. Điều đặc biệt ở cô gái trẻ, năng động và hiện đại này là cô quyết định lập gia đình sớm, có đủ 2 con sớm và vẫn đảm đương công việc một cách xuất sắc, tham gia nghiên cứu khoa học, lấy bằng thạc sĩ và đang học lên tiến sĩ.
Bí quyết nào khiến cô có thể “cân” được hết những phần việc mà theo như bạn bè đồng trang lứa là rất khó khăn như vậy?
Mối tình “xuyên biên giới”
Ít ai biết Như Quỳnh từng là học sinh chuyên văn Trường phổ thông Năng khiếu (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), thích viết lách, từng ấp ủ ước mơ viết sách, nhưng rồi cô lại chọn thi và đậu vào ngành khoa học máy tính, Trường đại học Bách khoa TPHCM và Khoa tiếng Anh, Trường đại học Sư phạm TPHCM. Theo mong muốn của ba mẹ, Quỳnh chọn học ngành sư phạm.
Chị Như Quỳnh và anh David Morris hạnh phúc trong ngày cưới – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc (á khoa), con đường tương lai của Quỳnh thêm rộng mở khi cô nhận lời mời của hệ thống DOL English về công tác chính thức tại nơi này. Bằng năng lực của mình, Quỳnh nhanh chóng được giao nhiều trọng trách, đảm nhận chức giám đốc học thuật của hệ thống.
Ai cũng nghĩ Quỳnh sẽ còn tiếp tục đầu tư thời gian, tâm sức để phát triển sự nghiệp thì năm 2020, khi vừa tròn 24 tuổi, cô thông báo lập gia đình. Chú rể là một chàng trai người Anh – anh David Morris – hiện là giảng viên thỉnh giảng của Trường đại học Tôn Đức Thắng. Cơ duyên gặp gỡ của 2 người cũng rất tình cờ.
Thời còn học đại học, có lần Quỳnh phải làm một bài tập có yêu cầu phỏng vấn người nước ngoài về các vấn đề văn hóa. Cô lang thang ra khu vực trung tâm thành phố để tìm nhân vật thì “săn” được một du khách người Anh. Thấy anh khách cởi mở, nhiệt tình, sau khi hoàn thành bài tập, họ vẫn giữ liên lạc qua email và chia sẻ quan điểm về cuộc sống. Ấn tượng về cô gái Việt Nam nhỏ nhắn có má lúm đồng tiền cứ lớn dần trong lòng anh David Morris, anh trở lại Việt Nam thêm nhiều lần nữa và tình yêu cứ thế đâm chồi.
Để chứng minh thành ý, anh David Morris từ bỏ chuyên ngành âm nhạc mà mình đang học, chuyển sang học về ngôn ngữ, quyết tâm làm chung ngành với Quỳnh và xác định sẽ lập nghiệp tại Việt Nam.
Khi cả hai thông báo cho ba mẹ về kế hoạch đám cưới, 2 bên gia đình đều ngần ngại: sợ xa xôi cách trở, sợ bất đồng văn hóa, sợ tình cảm đôi trẻ chưa chín chắn, cưới vội rồi lại chia tay… Hiểu lòng ba mẹ, nhưng Quỳnh và David vẫn quyết định tự tổ chức cưới và về chung một nhà. Ngày đám cưới cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát, ba mẹ David không sang Việt Nam được, chỉ gửi video chúc mừng 2 con trăm năm hạnh phúc.
Chồng giữ con, vợ học bài
Quan niệm con cái là món quà quý giá gắn kết hạnh phúc gia đình, vợ chồng Quỳnh không kế hoạch mà mong muốn có con sớm ngay sau khi cưới. Ông bà nội ở xa, ông bà ngoại thì lớn tuổi; khi Quỳnh mang thai rồi sinh con, vợ chồng cô phải tự lực hoàn toàn. Thời gian nghỉ thai sản, ban ngày Quỳnh ở nhà chăm con, chồng đi làm. Tối về, anh bồng bế, thay tã, ru con ngủ… để Quỳnh làm việc trên máy tính.
Khi bé gái đầu lòng được 2 tuổi, Quỳnh được nơi công tác tài trợ chi phí học lên tiến sĩ. Đây cũng là lúc cô phát hiện mình mang thai bé thứ hai. Quỳnh biết đây là cơ hội không dễ có, bởi mong muốn học lên tiến sĩ cô đã ấp ủ từ lâu, nhưng chưa thực hiện được vì chưa có đủ tiền. Nay được công ty tin tưởng tài trợ cho đi học, cô không thể phụ lòng.
Nghĩ vậy nhưng cô cũng lo lắng, sợ không chu toàn việc chăm sóc con. Quỳnh đem băn khoăn nói với chồng. Thật mừng là anh hết lòng ủng hộ vợ nâng cao kiến thức, chỉ sợ cô vất vả. “Nhưng nếu em quyết tâm thì anh sẽ luôn ở bên em” – anh David nói.
“Tôi quyết định học tiến sĩ và chuẩn bị hồ sơ lúc có thai 3 tháng, nhận kết quả trúng tuyển lúc thai đã 8 tháng và bắt đầu nhập học lúc em bé được 6 tháng” – Quỳnh kể.
Hiện Quỳnh đang theo học tiến sĩ chuyên ngành giáo dục nghiên cứu ngôn ngữ của University of Reading – một trường đại học lâu đời và có tiếng ở Anh. Cô học theo hình thức part-time và học từ xa. Vừa chăm sóc 2 con nhỏ (1 bé 3 tuổi, 1 bé 11 tháng), vừa học, vừa làm khiến nhiều lúc Quỳnh như kiệt sức.
Anh David Morris luôn giúp vợ trông con, để chị có thời gian học tập, làm việc – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Những lúc như vậy, chồng luôn là người tiếp thêm sức mạnh cho cô. Đi làm về, anh luôn chủ động phụ vợ việc nhà, chơi với con để cô được nghỉ ngơi, làm việc, học tập. Quỳnh tự tin: “Vì học theo hình thức part-time hệ 4 năm nên phải tầm 3 năm nữa tôi mới hoàn thành. Nhưng tôi tin mình sẽ về đích. Phụ nữ muốn chọn cả sự nghiệp và con cái thì xác định sẽ rất vất vả. Tôi may mắn có sự ủng hộ của chồng và nhất là được làm việc trong một môi trường nhân văn – không phân biệt, kỳ thị với phụ nữ sinh và nuôi con nhỏ, trái lại còn tạo mọi điều kiện để người lao động được nâng cao trình độ. Tôi thật sự biết ơn vì điều này”.
Nhận xét về người cộng sự tin cậy của mình, thạc sĩ Lê Đình Lực – sáng lập viên kiêm CEO hệ thống DOL English – nói: “Quỳnh là nhân tố trụ cột của chúng tôi. Quyển sách Thông não IELTS Reading mà Quỳnh tham gia viết luôn nằm trong tốp đầu của Tiki trong lĩnh vực sách tiếng Anh. Nhờ sự đam mê nghiên cứu, khả năng tự học hỏi các kỹ năng, Quỳnh cùng các cộng sự tại DOL English cũng tạo ra được phương pháp học tiếng Anh tư duy Linearthinking, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận”.
Chia sẻ thêm về chính sách với người lao động, đặc biệt là lao động nữ của hệ thống, anh Lực thông tin: “Chúng tôi không coi nhân viên như những lao động làm công ăn lương mà coi mọi người như người thân. Chính vì vậy mà nhân sự của tổ chức luôn được tạo điều kiện về thời gian, địa điểm làm việc… để có thể sắp xếp tốt việc nhà, miễn là hiệu quả chuyên môn đảm bảo. Chúng tôi cũng khuyến khích tinh thần không ngừng nghiên cứu, học hỏi để nâng cấp bản thân. Có lẽ chính nhờ vậy mà chúng tôi đã thu hút được nhiều nhân tài, nhiều người nữ trẻ giỏi về công tác”.
Bí quyết hạnh phúc là biết nói lời xin lỗi Về chung nhà được hơn 4 năm, không ít lần vợ chồng Quỳnh cãi nhau rồi giận dỗi. Bí quyết làm lành của họ là khi cuộc đối thoại dần trở nên căng thẳng hoặc khi thấy đôi bên buồn phiền, giận dữ thì lập tức xin lỗi. Vợ chồng thống nhất phương châm: dù ai đúng, ai sai không quan trọng, nhưng để đến nước phải lớn tiếng với nhau thì cả hai đều sai. Khi đó, cả hai chủ động xin lỗi đối phương. Sau khi nói câu xin lỗi, bỗng nhiên mọi căng thẳng đều dịu xuống và họ nhận ra chẳng có lý do gì để giận nhau lâu. Khi giải quyết vấn đề trong cuộc sống, vợ chồng cùng nhau phân tích lợi – hại của từng lựa chọn. Khi bất đồng ý kiến, một câu hỏi được đặt ra: “Anh/em có chắc về chuyện này không?”. Nếu đối phương trả lời “chắc chắn” thì người còn lại sẽ tin tưởng 100% bạn đời của mình. |
Chọn Việt Nam là nơi các con trưởng thành Có gia đình bên chồng ở Anh, ai cũng nghĩ Quỳnh và chồng sẽ cho các con sang Anh quốc học. Thế nhưng thật bất ngờ khi cô cho biết vợ chồng cô xác định cho các con học tập và phát triển ở Việt Nam. “Chúng tôi nhận thấy môi trường giáo dục ở Việt Nam đang tốt dần lên. Thế giới ngày một “phẳng” hơn, bằng chứng là không cần phải ra nước ngoài, tôi vẫn có thể theo học chương trình của trường danh tiếng, được học và làm việc với những giáo sư giỏi” – Quỳnh bày tỏ quan điểm. Ngoài ra, vợ chồng cùng làm nghề giáo nên cô muốn ba mẹ trực tiếp dạy con, kết hợp với những hoạt động ngoại khóa phù hợp; bởi hơn hết, sự gần gũi, gắn kết với gia đình và sự bảo ban của cha mẹ có ý nghĩa quan trọng với con trẻ hơn bất kỳ trường học danh tiếng nào. |
Diệp Minh Châu
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/gen-z-vua-cham-2-con-nho-vua-theo-duoi-giac-mo-tien-si-a1525335.html” name=””]