Một mình – xu hướng đang nổi lên tại nhiều quốc gia trên toàn cầu và thời gian gần đây, Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng hoạt động một mình ở nhóm người trẻ tuổi. Những hoạt động trước đây thường có sự tham gia của đông người thân, bạn bè như đi chơi, du lịch, đi ăn ngoài, đi bar, đi mua sắm… thì giờ đây, không ít bạn trẻ chỉ thích thực hiện một mình.
Cà phê một mình – thói quen ngày càng phổ biến của người trẻ hiện đại – Ảnh: Nhật Thành |
Tìm kiếm không gian riêng
Thảo Linh – 27 tuổi, ngụ TPHCM – cho hay, cô thường xuyên tham gia các hoạt động một mình như xem phim, đi cà phê, đăng ký dự workshop làm gốm, vẽ tranh, làm bánh. Dù những hoạt động này thường được xem là dành cho nhóm bạn bè hay cặp đôi, Linh chỉ đi một mình để tìm cảm giác hoàn toàn tĩnh tâm thư giãn, đồng thời tránh xa những suy nghĩ về vấn đề nhức đầu khác trong cuộc sống.
Vốn yêu thích ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực phương Tây, Linh cũng chọn cách thưởng thức fine dining (dùng bữa tại nhà hàng cao cấp, hướng tới trải nghiệm ẩm thực tinh tế, sang trọng với các món chất lượng – PV) một mình. Cô phá vỡ định kiến rằng fine dining chỉ dành cho gia đình hoặc những cặp đôi hẹn hò. “Khi công việc quá căng thẳng, tôi sẽ tìm kiếm không gian riêng cho bản thân. Tôi thấy chuyện này rất bình thường, dù đối với mọi người thì nó khá lạ lẫm” – Linh cười nói.
Linh cho biết, cô đang lên kế hoạch cho chuyến đi Hà Nội để cảm nhận không khí mùa thu. Cô đã từng du lịch một mình ở Huế, Phú Quốc và Đà Nẵng. Lý do vì khó tìm được bạn đồng hành hợp ý và cô cần không gian riêng để xả stress.
Bích Ngọc – 23 tuổi, quê Hội An – từng có thời gian du học tại Gunma, Nhật Bản. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, do yêu cầu công việc, Ngọc xây dựng cho mình lối sống độc lập. Ngọc kể: “Trước đây, khi có nhiều bạn bè, mỗi lần đi cà phê, tôi đều rủ bạn. Nhưng giờ đây, khi dành thời gian một mình, tôi nhận ra đó là cơ hội để suy ngẫm về bản thân mà không bị ảnh hưởng bởi ý kiến từ bên ngoài. Những khoảnh khắc ấy giúp tôi đưa ra các quyết định tốt hơn cho bản thân”.
Ngọc nói cô thường ngồi nhìn bầu trời và suy nghĩ về những gì đã làm được trong ngày. Hiện tại, Ngọc cảm thấy hài lòng với cuộc sống độc lập. Ngọc khẳng định, lối sống tự lập đã giúp cô phát triển bản thân và tìm thấy sự bình yên trong những khoảnh khắc đơn độc.
Còn Trọng Nhân – 30 tuổi, sống tại TPHCM – cũng là một người trẻ đang theo đuổi lối sống một mình. Những khoảnh khắc “đơn độc” không chỉ mang lại cho anh cảm giác tự do mà còn giúp anh phát triển cá nhân.
“Việc tự do trải nghiệm các hoạt động như đọc báo online, xem phim hay đi dạo công viên cùng thú cưng giúp tôi duy trì cảm giác cân bằng về mặt tinh thần” – anh nói.
Trọng Nhân cũng nhấn mạnh rằng, sở thích một mình bắt nguồn từ mong muốn kiểm soát tốt hơn quỹ thời gian và năng lượng của bản thân. “Tôi thích sự độc lập và với lịch công việc dày đặc, việc tập trung vào các giá trị bên trong giúp tôi giữ động lực để tiến bộ” – anh chia sẻ. Từ việc dành nhiều thời gian cho bản thân, Nhân đã học được cách tự quản lý thời gian và đối mặt với cảm xúc của chính mình mà không phụ thuộc vào người khác.
Tuy nhiên, lựa chọn này không phải không gặp khó khăn. Nhân cho biết, anh đã phải đối mặt với áp lực từ gia đình, đặc biệt là từ ba mẹ – những người luôn mong muốn anh kết hôn và lập gia đình. “Họ lo lắng cho tương lai và hạnh phúc của tôi” – anh nói. Dù vậy, Nhân đã có những cuộc trò chuyện thẳng thắn với ba mẹ để giải thích rằng, hiện tại anh đang trong giai đoạn tập trung cao độ vào sự nghiệp.
“Tôi muốn tận dụng mọi cơ hội để xây dựng nền tảng tài chính vững chắc trước khi nghĩ đến chuyện lập gia đình” – anh khẳng định.
Quan hệ xã hội: chất lượng hơn số lượng
Hiền Khanh – 34 tuổi, ngụ TPHCM – đã kết hôn và đang chuẩn bị hồ sơ để sang Mỹ cùng chồng. Là người hướng nội, Hiền Khanh thường gặp khó khăn trong việc hẹn bạn bè đi ăn. Khi bước sang tuổi 28, cô bắt đầu khám phá việc du lịch một mình và nhận ra rằng trải nghiệm này khá thú vị. Cô có thể lên Đà Lạt nằm ngắm mây cả ngày, vì với cô, đó là cách để dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Những khoảnh khắc cà phê hay ăn bánh một mình giúp cô trân trọng những gì đang có trong cuộc sống.
Khanh cũng có thói quen đi bar uống cocktail một mình, vì công việc của cô phải live stream đến tận 11g30 đêm. “Những người tôi quen không có nhiều người thích trải nghiệm cocktail bar. Thay vì đi với người không hợp, việc đi một mình giúp tôi thoải mái hơn để thưởng thức không khí và suy nghĩ về cuộc sống” – cô nói.
Khanh cho biết, đôi khi cuộc sống bận rộn khiến cô chỉ có đủ năng lượng cho bản thân trong ngày hôm đó, nên việc sống một mình là lựa chọn tốt nhất. Đó cũng là cách tiết kiệm thời gian, năng lượng của bản thân và những người xung quanh.
“Ở tuổi này, tôi cảm thấy năng lượng và suy nghĩ của mọi người rất khác nhau. Ai cũng bận rộn, thời gian dành cho các cuộc hẹn trở nên quý giá nên tôi chỉ muốn tìm kiếm những người phù hợp để trò chuyện mà thôi” – Hiền Khanh chia sẻ.
Còn Kiều Duyên – 30 tuổi, TPHCM – thì ngay từ thời sinh viên đã thích sống một mình. Cô thích ngồi cà phê một mình, vừa để ngắm nhìn mọi người xung quanh vừa tận hưởng thời gian riêng tư để đọc sách. Duyên cũng từng đi khám bệnh một mình. Trong khi bạn bè thấy điều này khá kỳ lạ, bởi khi đau ốm ai cũng cần có người chăm, riêng cô lại cảm thấy hoàn toàn bình thường khi làm chuyện đó một mình.
Lần khác, Duyên dành trọn 1 tuần du lịch Đà Lạt một mình. Cô ghét sự đợi chờ và thích tự chủ trong mọi việc, tránh bị người khác làm phiền. Ngay cả khi đã lập gia đình và phải san sẻ nhiều không gian cá nhân hơn, thi thoảng Duyên vẫn chọn một mình trong các hoạt động yêu thích như “đu idol” (thuật ngữ mới, chỉ việc người hâm mộ dành tình cảm, thời gian và công sức cho thần tượng), shopping, uống cà phê. Với cô, cuộc sống luôn là niềm vui, chỉ cần làm điều mình yêu thích là đủ mà không cần phí thời gian vào những mối quan hệ thiếu chất lượng.
Giống như Hiền Khanh và Kiều Duyên, Trọng Nhân nhấn mạnh: dù lối sống độc lập có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội của anh, nhưng chất lượng mối quan hệ vẫn quan trọng hơn số lượng.
“Tôi tin rằng, những người bạn gần gũi sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta. Điều đó đủ để xua tan cảm giác cô đơn trong những khoảnh khắc cần thiết” – anh đúc kết.
Chuộng lối sống một mình, Trọng Nhân nói việc đi dạo công viên cùng thú cưng giúp anh duy trì cảm giác cân bằng – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Cô đơn giữa đám đông Nghiên cứu do OnePoll thực hiện đã khảo sát 2.000 người trưởng thành ở Anh. Kết quả cho thấy, có tới 40% số người được hỏi đã trải qua ít nhất 3 ngày không có cuộc trò chuyện trực tiếp nào với người khác. 28% cảm thấy cô đơn ngay cả khi đang tham gia một sự kiện xã hội và 1/4 cảm thấy cô độc ở nơi làm việc. Hiện tượng “cô đơn giữa đám đông” dường như tác động mạnh nhất đến nhóm người trẻ, với 60% người từ 18-24 tuổi cho biết họ cảm thấy cô đơn. Phụ nữ cũng có xu hướng cảm thấy cô đơn nhiều hơn nam giới (38% so với 30%). Theo dữ liệu từ dự án Dynamics, thanh niên sinh từ năm 2001-2003 không chỉ có xu hướng sống độc thân nhiều hơn mà còn có mức độ hài lòng cao hơn đáng kể so với thế hệ trước. Cụ thể, nghiên cứu phân tích 2.936 người trong 2 giai đoạn: 2008-2011 và 2018-2021, cho thấy sự gia tăng rõ rệt về sự hài lòng với cuộc sống độc thân ở nhóm tuổi 14-20. Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, xu hướng sống một mình và sự cô đơn đang gia tăng rõ rệt trong giới trẻ trên thế giới. Một khảo sát tại Mỹ hồi đầu năm 2023 cho thấy, 17% người trưởng thành cảm thấy cô đơn trong ngày trước đó – giảm so với con số 25% vào năm 2021, nhưng tỉ lệ này vẫn cao ở các nhóm thu nhập thấp (27%) và người trẻ tuổi (24%). Nghiên cứu cũng chỉ ra: 67% người cảm thấy cô đơn đồng thời trải qua sự tức giận trong ngày và 62% trong số họ lo lắng nhiều hơn so với những người không cô đơn. Tại các đô thị lớn, tỉ lệ cô đơn cao hơn đáng kể so với vùng nông thôn, với 20% người dân thành phố cho biết họ cảm thấy cô đơn so với 12% ở vùng nông thôn. Một xu hướng khác được ghi nhận là sự hài lòng với cuộc sống độc thân của giới trẻ ngày càng tăng. Một nghiên cứu mới công bố cho thấy, thanh thiếu niên từ 14-20 tuổi hiện nay cảm thấy hài lòng với tình trạng độc thân hơn so với thế hệ cách đây 10 năm. Điều này phần nào phản ánh sự chấp nhận xã hội về cuộc sống một mình ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây. |
Giải mã xu hướng một mình ở châu Á Thuật ngữ Ohitorisama của Nhật Bản mô tả những người chọn lối sống độc lập, tận hưởng thời gian riêng mà không cần bạn đồng hành. Theo dự báo, đến năm 2040, một nửa dân số Nhật Bản sẽ sống độc thân; trong khi ở Việt Nam, hơn 10% người dân cũng đang theo đuổi lối sống này. Ohitorisama bắt nguồn từ một cộng đồng do ký giả Iwashita Kumiko sáng lập vào năm 1999, nhằm hỗ trợ những người độc thân tìm kiếm địa điểm ăn uống và hoạt động giải trí. Thuật ngữ này đã trở nên phổ biến hơn nhờ bộ phim truyền hình Ohitorisama vào năm 2009, với nhân vật chính là một giáo viên nữ thích ăn uống một mình. Sự phát triển của văn hóa này phản ánh áp lực xã hội tại Nhật Bản, nơi mà việc sống một mình từng bị coi thường nhưng giờ đây lại được chấp nhận rộng rãi. Tại Nhật Bản, các quán ăn và nhà hàng đã thiết kế không gian để phục vụ những khách hàng đến một mình, với các bàn riêng biệt và không gian thoải mái. Các tiệm mì ramen, quán cà phê và quán rượu như bar Hitori đã trở thành điểm đến phổ biến cho những người muốn thưởng thức bữa ăn hoặc đồ uống mà không cần bạn đồng hành. Karaoke cũng không còn là hoạt động chỉ dành cho nhóm bạn. Theo báo cáo, khoảng 30 – 40% khách hàng đến karaoke hiện nay là những người hát một mình. Tại Hàn Quốc, xu hướng này được gọi là honjok, tương tự như ohitorisama. Các phòng karaoke tính tiền theo bài hát hay các quán cà phê truyện tranh mở cửa 24 giờ đã thu hút nhiều khách hàng độc thân. Các cửa hàng tiện lợi đang cung cấp đồ ăn và thức uống theo khẩu phần cho 1 người. Đặc biệt, ứng dụng giao đồ ăn Baemin cũng đưa ra lựa chọn “ăn một mình” cho người dùng có nhu cầu khi gọi đồ ăn trên nền tảng này. Paul Chang – phó giáo sư xã hội học tại Đại học Harvard – nhận định: xã hội Hàn Quốc đang dần xóa bỏ tâm lý sống theo đám đông để hướng tới mục tiêu hạnh phúc cá nhân. Dự báo rằng, đến năm 2035, hộ gia đình 1 người sẽ trở thành loại hình hộ gia đình phổ biến nhất tại Hàn Quốc. Nhật Thành (tổng hợp) |
Cái giá của tự do đôi khi là sự cô lập hoàn toàn Nữ nhà văn Gari (tên thật Nguyễn Yến Phượng) gần đây đã có buổi chia sẻ rất tâm huyết về những vấn đề giới trẻ hiện đại đang đối mặt, đặc biệt là về việc sống một mình. Cô nhận thấy, việc ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn lối sống đơn độc nhưng tự do đôi khi chỉ là vỏ bọc cho nỗi sợ đối diện với những mối quan hệ phức tạp. Cái giá phải trả cho sự tự do đó đôi khi là sự cô lập hoàn toàn. Nhiều người quá quen với việc tự chăm sóc bản thân và bắt đầu từ chối những mối quan hệ sâu sắc như tình yêu hay hôn nhân. Nếu lạm dụng lối sống một mình, chúng ta có thể đánh mất khả năng kết nối và yêu thương người khác. Điều đó sẽ dẫn đến việc xã hội trở nên rời rạc, con người sống khép kín và chỉ biết tìm sự bình yên trong những mối quan hệ ảo. Gari đưa ra lời khuyên: thay vì chỉ lo tìm kiếm sự tự do cá nhân, người trẻ nên học cách cân bằng giữa độc lập và kết nối xã hội. Bình yên thực sự không nằm ở việc chúng ta tự cô lập mình mà ở việc biết chia sẻ không gian và thời gian với những người yêu thương ta. Áp lực là điều không thể tránh khỏi, nhưng thay vì trốn tránh, chúng ta nên học cách đối mặt và tìm lại sự cân bằng mỗi ngày. |
Sống độc lập nhưng đừng để bản thân bị cô lập Lối sống một mình đang dần trở thành xu hướng nổi bật trong xã hội hiện đại. Tôi cho rằng, “đi chơi một mình” không phải là biểu hiện của sự cô đơn mà là cách các cá nhân, đặc biệt là giới trẻ, tự nguyện lựa chọn dành thời gian cho bản thân. Đây là một biểu hiện của lối sống hiện đại – nơi tự do cá nhân và sự tự chủ được đặt lên hàng đầu. “Sống một mình” và “cô đơn” là 2 khái niệm khác nhau. Nếu “sống một mình” là trạng thái mà cá nhân chủ động lựa chọn nhằm tìm kiếm sự tự do, riêng tư và kiểm soát cuộc sống thì “cô đơn” mang tính tiêu cực, phản ánh sự thiếu kết nối xã hội. Do đó, việc lựa chọn lối sống độc lập không có nghĩa là người trẻ cảm thấy bị cô lập hay mất đi các mối quan hệ xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này. Một trong số đó là áp lực xã hội và nhịp sống đô thị nhanh chóng. Nhiều người trẻ hiện đại tìm kiếm khoảng lặng để tự chăm sóc bản thân, giải tỏa căng thẳng mà không phụ thuộc vào các mối quan hệ. Ngoài ra, công nghệ và mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ lối sống một mình. Các công cụ số không chỉ giúp người trẻ kết nối trực tuyến mà còn tạo điều kiện cho họ trải nghiệm các hoạt động một mình dễ dàng. Hệ sinh thái dịch vụ ngày càng phát triển, như quán ăn, quán cà phê dành riêng cho khách hàng đi một mình, cũng góp phần khuyến khích xu hướng này. Ở khía cạnh tích cực, lối sống một mình mang lại nhiều lợi ích, như tăng khả năng tự chủ, đồng thời giúp cá nhân phát triển kỹ năng tự quản lý. Tuy nhiên, lối sống một mình có thể dẫn đến tình trạng cô lập xã hội nếu không được cân bằng hợp lý. Cá nhân dễ rơi vào tình trạng thiếu kết nối, suy giảm kỹ năng giao tiếp và có thể gặp khó khăn khi đối mặt với các thách thức cuộc sống. Để duy trì lối sống độc lập mà không bị cô lập, người trẻ cần biết cân bằng giữa thời gian cho bản thân và các mối quan hệ xã hội. Chính sự khéo léo trong việc quản lý thời gian và các hoạt động xã hội sẽ giúp họ tận hưởng cuộc sống một mình một cách lành mạnh và bền vững. Tiến sĩ Vũ Thị Phương |
Xu hướng đi một mình mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp F&B Tuy xu hướng đi một mình chưa thực sự nở rộ ở Việt Nam như ở các nước khác, nhưng tỉ lệ người độc thân đang tăng lên dẫn đến sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ F&B phục vụ cho nhu cầu này, như lẩu tự sôi cho 1 người hay các quán cà phê mở cửa suốt 24 giờ. Dự đoán về tương lai, xu hướng tận hưởng các dịch vụ một mình sẽ tiếp tục phát triển khi kinh tế tăng trưởng và tỉ lệ độc thân gia tăng. Theo báo cáo thị trường ẩm thực tại Việt Nam nửa đầu năm 2024, người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn cho bữa ăn chất lượng cao, điều này cho thấy sức mua đang tăng lên. Khách hàng thường xuyên chọn đi một mình thường có tâm lý yêu thích trải nghiệm cá nhân và tự khám phá. Họ thường là những người bận rộn cần tìm kiếm những bữa ăn nhanh và tiện lợi, ưu tiên không gian yên tĩnh và riêng tư để tận hưởng thời gian của mình. Người thích đi một mình thường sẽ tới những nơi ít được quảng cáo hoặc quá đông đúc. Họ cũng thường không hay chia sẻ chỗ yêu thích của mình cho nhiều người khác. Xu hướng đi một mình mở ra những cơ hội kinh doanh tiềm năng cho các doanh nghiệp F&B. Vẫn chưa thể dự đoán chính xác thời điểm xu hướng này sẽ thực sự bùng nổ tại Việt Nam. Việc theo dõi sự dịch chuyển của xu hướng này là rất quan trọng để điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ mang tính cá nhân hóa. Sự thân thuộc và tính cá nhân hóa chính là mấu chốt, bởi khách hàng đi một mình họ chọn nơi đến có sự thân thuộc – thay vì họ về nhà để tận hưởng cuộc sống một mình. Ông Nguyễn Thái Bình Khánh Vinh (ghi) |
Lam Hồng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/gioi-tre-va-xu-huong-mot-minh-nhung-ke-don-doc-vui-ve-a1531924.html” name=””]