Tôi hay tự hỏi sao mẹ có thể đi qua những mùa đông phẳng lặng đến vậy? Khi tôi cùng bè bạn trong một cái bar nhỏ, dành riêng cho dân văn phòng.
Một buổi trưa vắng giữa phố cổ Hà Nội làm tôi nhớ mẹ với căn nhà ngói ba gian cũ kỹ vùng đồng chiêm. Những trưa quạnh hiu, chỉ có tiếng gà quang quác nhảy ổ hoặc tiếng chim câu gù gù.
“Mẹ không thích tiếng gà trưa lắm” – mẹ hay nói vậy, lắc đầu và cười. Chậm rãi, mẹ sắp xếp lại vài món đồ trong chiếc giỏ may và cắm cúi đơm lại khuy cho những chiếc áo của mấy đứa con nghịch như “tướng cướp”.
Những ngày cuối năm cứ xao xác một vẻ rất riêng. Giá như ngày nào trời cũng đổ xuống thứ nắng vàng ròng, tươi tắn trên sân thì lòng còn vui lâu; nhưng không, có rất nhiều ngày, từ sáng đến chiều chỉ là một cái màu đất, màu trời xam xám. Gió từ đồng thổi vào, không có mùi gì vì đang mùa đất nghỉ ngơi, chỉ thuần mang theo cái lạnh. Những ngày chớm tuổi già, mẹ tôi hay nhìn ra cánh cổng, nghe gió đập vào từng liếp lá mía và kêu: “Gió đông thế này lạnh chết mất thôi. Lại còn sương muối nữa chứ!”.
Ảnh minh họa |
Thế là mẹ sẽ lại quấn túm đàn gà con vừa ra ổ. Mẹ giăng thêm vài ngọn đèn vàng cho ấm chuồng gà và nhắc bố bắc lại giàn dưa. Mẹ mua được ở đâu rất nhiều len đẹp và ra trước cửa ngồi đan len – rất đúng kiểu một bà mẹ truyền thống.
Tất cả những mùa đông của mẹ đều thế, luôn luôn thế.
Tôi hay tự hỏi sao mẹ có thể đi qua những mùa đông phẳng lặng đến vậy? Khi tôi cùng bè bạn trong một cái bar nhỏ, dành riêng cho dân văn phòng.
Chút rượu gin pha cùng tonic còn hăng hắc nơi cổ họng làm tôi nhớ vị rượu nồng cay của bố mà có lần tôi đã nhấp môi thử. Những buổi tối, lúc lẳng lặng rời khỏi bữa tiệc ồn ào; tôi đã nghĩ về mâm cơm tối chỉ có hai người già ngồi ăn cùng nhau. Gia đình tôi thường ngồi xoay tròn xung quanh một chiếc mâm đồng và tôi thầm thắc mắc, khi chỉ có hai người thì sẽ ngồi kiểu gì cho mâm không bị lệch.
Một lần, tôi khoe với mẹ trong điện thoại: “Con đặt mua cho mẹ chiếc khăn len lông cừu đẹp và ấm lắm”, mẹ gạt đi: “Mua làm gì con, chỉ tổ tốn tiền”. Tôi nhận ra mẹ và con dường như sống trong hai thế giới, cùng nhìn thấy nhau mà chạm vào nhau khó đến chừng nào.
Nhưng may quá, còn có mùa đông. Những ngày chập chờn giữa năm cũ và năm mới, tôi hay ngồi uống nước vối nóng ở gốc cây sấu cổ thụ dưới phố, nghe một bài hát quen. Tiếng hát trầm, buồn, day dứt: “Mùa đông trong thung lũng xa như một tiếng kinh cầu/ Làm sao để ta quên đi một cơn bão lớn”.
Một ngày cuối năm ngoái, tôi lên văn phòng, xin sếp cho nghỉ sớm vài hôm dịp cận tết. Ông sếp ngoại quốc, gật đầu, ra chiều thấu hiểu nhân viên và còn vui vẻ gửi lời thăm bố mẹ tôi. Đồ đạc, quà bánh, lịch… tất cả đã sẵn sàng để khởi hành một chuyến đi về lại quê nhà.
Về với bố mẹ, để tôi có cơ hội đón những ngày đông cuối năm, được cùng mẹ duỗi chân sưởi lửa trong căn bếp thơm nồng mùi rơm, được bắc bếp luộc một nồi bánh chưng và nghe những giọt mưa đầu mùa xuân rơi xuống, khẽ như một lời thầm thì.
Một đêm rất đen, khi mở cánh cửa nhà ra và hương thơm bay vào nao nức. Tôi cất tiếng hỏi: “Mùi gì thế mẹ?”. Mẹ đưa tay lên, “suỵt” nhẹ như sợ tôi làm tan mất khoảnh khắc này: “Ngũ vị hương đấy”. Bàn tay mẹ vẩy những giọt nước chất đầy hương thơm ấy lên những góc sân, góc vườn. Mùi quế, mùi hồi, mùi rượu… quyện vào nhau, nóng ấm, cay nồng.
Lặng lẽ nhìn từng giọt ngũ vị hương rớt xuống, tôi nhận ra, bình yên này mới thật là bình yên.
Mai Hà Uyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/giot-binh-yen-thom-nong-a1477602.html” name=””]