Đứa trẻ thường gánh áp lực, sợ hãi, thậm chí trầm cảm khi cha mẹ không chấp nhận thất bại của con.
Một tấm hình cổ vũ thí sinh của phụ huynh trong buổi thi ngày 12/6 |
Với mức độ căng thẳng của kỳ thi lớp 10 đang diễn ra ở TPHCM hay Hà Nội, nhiều người đánh giá kỳ thi chuyển cấp này còn áp lực hơn thi đại học. Sau mỗi kỳ thi, không ít đứa trẻ lại phải vào viện vì trầm cảm, vì rối loạn lo âu.
TS. Dương Minh Tâm – Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, cứ đến thời điểm diễn ra kỳ thi chuyển cấp, thi đại học là các bác sĩ lại tiếp nhận những trường hợp rối loạn lo âu do áp lực thi cử, học hành.
TS Tâm chia sẻ, khi tiếp xúc với những đứa trẻ này, các bác sĩ thấy đa phần chúng đều trầm cảm, stress từ áp lực của trường chuyên, lớp chọn.
Điều đáng tiếc, càng trẻ ngoan, trẻ có thành tích học tập tốt càng áp lực nhiều hơn đứa trẻ mải chơi. Các loại áp lực thường gồm: áp lực vị trí đứng thứ mấy trong lớp, áp lực với gia đình, áp lực bởi kỳ vọng cha mẹ dành cho, hình ảnh của đứa trẻ trong gia đình, người thân, thầy cô càng con ngoan, trò giỏi càng khiến cho trẻ ở lứa tuổi học đường rơi vào căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm. Nếu chậm can thiệp trẻ có thể dẫn tới có các hành vi làm hại bản thân, tự sát vì thấy mình không như kỳ vọng của người khác.
Một số phụ huynh nghĩ trẻ còn nhỏ, chưa biết đến trầm cảm, stress và các biểu hiện thay đổi về tâm lý là bình thường của tuổi mới lớn. Vì vậy, cha mẹ không sát sao với con nhiều hơn dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như trẻ hành hạ bản thân, tự hại, tự sát.
Cha mẹ đưa con đi thi tại TPHCM |
TS Vũ Thu Hương – chuyên gia về giáo dục độc lập tại Hà Nội, nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội – thẳng thắn cho rằng, áp lực các kỳ thi của con trẻ đều đến từ cha mẹ là chính. Tâm lý chung của cha mẹ Việt không cho phép con thất bại.
TS Hương cho biết, chị từng gặp 1 cô học sinh người Hungari, cô bé đi thi đại học và đến nhầm địa điểm thi. Cô bé quay lại điểm thi của mình, người ta báo hết giờ và cô bé đi về nhà. Khi về nhà, cô bé nói đi nhầm địa điểm, cả nhà cùng cười và coi như là xong, sang năm thi tiếp. Họ không hề có phản ứng tra hỏi tại sao con đi nhầm, hay khóc lóc vì con bỏ qua kỳ thi quan trọng. Họ để con tự đi thi, tự đến điểm thi, không trực tiếp đưa con đi, chờ con ở ngoài điểm thi. TS Hương cho biết kỳ thi của họ khó hơn ở nước ta rất nhiều, nhưng trẻ không hề có áp lực.
Ngược lại, tại Việt Nam, nhiều gia đình mất ăn, mất ngủ khi con đến kỳ thi chuyển cấp. Có bà mẹ than thở ốm rộc người trước kỳ thi của con. Có bà mẹ lo lắng từ cái thẻ đi thi của con. Con đi thi, cha mẹ đưa đón, vuốt ve cổ áo con kèm lời dặn con thi thật tốt… nhưng hành động đó vô tình khiến trẻ áp lực. Khi trẻ thất bại chúng sẽ sợ hãi, sợ cha mẹ mắng, sợ bạn bè, người thân nhìn với ánh mắt khác lạ nên sẽ tìm tới các hành động dại dột.
TS Hương chia sẻ từ chính bản thân mình trong việc dạy dỗ con. Con gái chị rất tự tin và tự nhận mình ít thất bại. Một lần, trường có cuộc thi hát, con gái chị hát rất hay nhưng khi tập luyện con lại không chịu hát chung với đội hợp xướng mà cứ đòi hát một mình. Các cô giáo đều ái ngại. Chị Hương đề nghị cô cho loại với lí do: Con chưa tự tin khi hát cùng dàn hợp xướng. Khi nghe tin bị loại, con gái chị Hương đã lao về mẹ oà khóc. Con tỏ thái độ vô cùng thất vọng. Sau khi con đã nguôi ngoai, chị Hương đưa con tờ giấy và dặn con ghi ra câu trả lời:
– Để không bị loại, con phải….
– Nếu con… thì con sẽ không bị loại.
– Nếu con… thì cô sẽ loại con.
Khi con viết xong, chị Hương đã đọc và nói với con gái mình rằng: “Mẹ rất thương khi con bị loại nhưng mẹ nghĩ, con sẽ thành công lần tiếp theo”. Sau lần đó, cô bé đã khiêm tốn và ngoan hơn nhiều.
TS Hương cho rằng, khi con thất bại trong cuộc sống từ kỳ thi tới các hoạt động khác, việc trách móc không đem lại điều gì, chỉ khiến trẻ thêm khổ sở. Ba mẹ không nên quá hy vọng vào kết quả hoành tráng, hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận một kết quả xấu. Khi đó, cha mẹ sẽ có thêm năng lượng ứng phó.
Khi nhận được kết quả không tốt, cha mẹ nên cho con yên tĩnh vài ngày để con một mình vượt qua được sự đau khổ của riêng bản thân mình. Sau đó, cha mẹ bàn bạc với con về hướng đi tiếp theo.
Nếu con tự chia sẻ những kinh nghiệm con đã thu được sau lần thất bại này thì tốt, nếu không thì bố mẹ phân tích cho con. Khi phân tích, cha mẹ nên nhẹ nhàng cảm thông, nhưng rõ ràng trong phân tích nguyên nhân của thất bại.
TS Hương cho rằng đừng trách mắng con, đứa trẻ đã đủ đau khổ rồi. Hãy an ủi nếu con quá thất vọng, càng không nên vội vã buộc con nhận ra lỗi sai…
Việt Anh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/giup-con-doi-dien-voi-that-bai-de-tranh-stress-vi-ket-qua-thi-a1465847.html” name=””]