“Điều gì đã khiến bà chấp nhận cả việc thế chấp nhà cửa, vay tiền ngân hàng để duy trì một trung tâm chuyên hoạt động đền ơn đáp nghĩa?”, bà Luyện không trả lời câu hỏi của tôi…
Đọc rất nhiều bằng khen, huân chương trong trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử (trụ sở ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), đến những bằng khen trao tặng “đồng chí Bùi Thị Luyện”, tôi nói như reo: “Vậy là bác trai may mắn được bác gái hỗ trợ công tác hành chính suốt chặng đường dài”. Bà Luyện đáp ngay: “Hành chính, hành phụ gì đâu, mọi việc lớn nhỏ tôi phải làm hết”.
Ông Lê Xuân Niêm – Giám đốc trung tâm, chồng bà – tủm tỉm: “Bà ấy nói vậy chứ sắp khóc đến nơi rồi đấy”.
Thế chấp nhà, vay tiền ngân hàng
Cuối chiều, ông bà về sau buổi làm việc với ngân hàng. Ông đặt cái cặp lên bàn làm việc: “Chờ cả buổi mà người ta không giải quyết cho, tôi dỗi, bỏ về”. Bà Luyện ái ngại: “20 nhân viên ở đây không có lương, chỉ có phụ cấp từ 3,5-5 triệu đồng/tháng, mà nhiều khi cả phụ cấp cho các cháu chúng tôi cũng phải… nợ”.
Bà Luyện (cầm mic) trong một chuyến về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại miền Trung |
Nhanh chóng, cái giọng rổn rảng của người cựu binh Lê Xuân Niêm từ cõi chết trở về đã làm vơi đi những nét lo toan trên gương mặt vợ. Ông nói về những khoản nợ lớn mà cứ nhẹ như không: “Gần 10 năm trước tôi phải vay ngân hàng 1 tỉ đồng, vì liên tiếp các hoạt động bị âm. Năm 2018 đã trả được một nửa nhưng “dư chấn COVID-19” lại làm tôi phải đi vay thêm gấp mấy lần số đó để duy trì hoạt động của trung tâm. Tôi là giám đốc, phải có trách nhiệm với nhân viên, phải tìm mọi cách để duy trì bộ máy”.
Trước những khó khăn không dễ gì thấu được của ông Niêm và trung tâm, tôi hỏi bà Luyện: “Không nhiều người vợ đồng cảm được với ông chồng “vác tù và hàng tổng”. Đồng hành cùng chồng làm việc nghĩa bền bỉ suốt ba mươi mấy năm như bà lại càng hiếm. Điều gì đã khiến bà chấp nhận cả việc thế chấp nhà cửa, vay tiền ngân hàng để duy trì một trung tâm chuyên hoạt động đền ơn đáp nghĩa?”.
Bà Luyện không trả lời câu hỏi của tôi mà nhắc đến những sự kiện khiến trung tâm “âm vốn”: năm 2012, trung tâm tổ chức kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị. 1.200 cựu binh tham gia, chi phí thì có người đóng được, có người không, rồi các khoản ngoài kế hoạch như chuyến đi khu di tích Đá Chông K9 theo nguyện vọng của đồng đội…
Tính cả 24 triệu đồng thuê hội trường cùng nhiều khoản khác, ông bà phải bù tiền túi hơn 200 triệu đồng. Bà lo lắng, ông khỏa lấp đi: “Toàn đồng đội đã vào sinh ra tử ở chiến trường khốc liệt cả, ai nỡ “réo tên” đóng tiền”.
Ngay năm sau tổ chức kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ, ông Niêm đi “đối ngoại”, xin tài trợ được 400 phích nước để tặng 400 đại biểu trong danh sách. Nhưng cuối cùng, thêm 400 người nữa đăng ký dự. Ông Niêm lại xin tài trợ nhưng chỉ được thêm 50 phích nước. 350 chiếc còn lại và nhiều chi phí kéo theo, ông bà tiếp tục bỏ tiền túi…
Bà Luyện (bìa trái) luôn đồng hành cùng ông Niêm (thứ hai từ trái qua) trong các hoạt động giáo dục truyền thống |
Tự thấy mình phải có trách nhiệm
Ông Niêm quê ở Thanh Hóa. Trở về từ chiến trường, ông thành thương binh hạng 4/4. Sau mười mấy năm làm trợ lý quân lực ở Huyện đội Đống Đa (Hà Nội), ông xin sang làm chính sách. Nói lý do, ông xót xa: “Phần lớn lính từ chiến trường trở về phải đối mặt với thực tế “vợ già, con dốt”, bản thân thì sức khỏe không còn”.
Bà Luyện kể: “Năm 1990, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Niêm “liều” gặp chủ tịch quận và chủ tịch TP Hà Nội đề xuất: xin một ngày xổ số kiến thiết thành ngày xổ số nghĩa tình. Kết quả của ngày xổ số nghĩa tình là 83 triệu đồng, đủ để xây 9 nhà tình nghĩa và 1 mái nhà chung chăm sóc, phụng dưỡng 7 mẹ liệt sĩ cô đơn”.
Ông Niêm bảo ông đã chứng kiến những hy sinh, mất mát quá lớn của đồng đội, của những người thân chốn hậu phương. Cùng đợt bổ sung quân vào đơn vị của ông là 130 người nhưng tính đến ngày ông bị thương, lứa ấy chỉ còn lại 10 người… Giọng ông nghẹn lại: “Xã nhà tôi năm ấy nhập ngũ 11 người mà chỉ 3 người trở về trong thương tật. Ở chiến trường, chúng tôi nhiều lần được đồng đội cứu sống, chứ không thì cũng vùi lại đâu đó rồi”.
Bà Luyện thì rầu rầu: “Còn nhiều đồng chí là thương binh nhưng mất hết giấy tờ hoặc vì lý do này, lý do khác mà chưa được hưởng chính sách. Điều những người từng bỏ lại một phần xương máu ở chiến trường cần không phải là số tiền trợ cấp mà là sự ghi nhận những hy sinh, đóng góp cho non sông và hơn tất cả, có lẽ còn là danh dự của người lính”. Đó cũng là một trong những lý do khiến ông bà bền bỉ duy trì trung tâm…
Đến bây giờ, ông bà vẫn bị ám ảnh về mái nhà tranh xiêu vẹo trong nách núi của anh hùng liệt sĩ, phi công Hà Văn Chúc. Đầu năm 1968, một mình ông Chúc đối đầu với 40 chiếc máy bay trên bầu trời Phú Thọ. Ông tả xung hữu đột, bắn rụng máy bay chỉ huy – với tên phi công có nhiều giờ bay nhất nước Mỹ.
Nếu hôm ấy anh hùng Hà Văn Chúc không hạ được máy bay chỉ huy, 40 máy bay kia sẽ trút 120-130 tấn bom xuống Hà Nội. Năm 1995, Sư đoàn không quân 371 dựng tặng gia đình liệt sĩ Hà Văn Chúc một ngôi nhà tình nghĩa. Bấy giờ đất nước khó khăn, nhà chỉ được xây bằng gạch đóng từ xỉ than, lợp mái lá.
Năm 2012 ông bà lên thăm, ngôi nhà ấy đã thành nhà hoang, không ở được nữa. Người dân chỉ cho ông vào sâu trong núi. Nhìn thấy mấy căn nhà, không cần hỏi thăm, ông đã biết ngay đâu là nhà anh hùng phi công Hà Văn Chúc – một gian nhà xiêu vẹo, không có cổng.
Ông bà đã đi gõ cửa khắp nơi, lúc xin được dăm triệu, khi xin được ba triệu. Mãi đến năm 2019, ngôi nhà mới được hoàn thành. Lúc đó, con trai anh hùng phi công tuổi cũng đã ngoài 60. Ông bà tâm sự, chính vì những hoàn cảnh chính sách chưa “với” tới được mà ông bà càng thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn, để không ai là vô danh trong công cuộc chiến đấu vệ quốc và kiến thiết non sông này.
Bà Luyện, ông Niêm (thứ ba và thứ tư từ trái qua) trong một chuyến về nguồn |
Người vợ ôm cây khóc đồng đội của chồng
Tôi cứ thắc mắc, cơn cớ nào đã khiến ông Niêm có được sự ủng hộ và đồng hành của vợ. Ông cười: “Bắt đầu từ việc tôi phải về hưu non”. Ngoài 40 tuổi, ông Niêm vừa được đi báo cáo điển hình toàn quân về thì nhận thông báo nghỉ hưu, bao nhiêu dự tính công việc vẫn đang dang dở. Nhà nghèo, bà Luyện đã vay mượn đặt mua 3 máy xát gạo cho chồng “đổi việc”.
Sau 1 tháng bần thần, hụt hẫng, ông nói với bà: “Em để cho anh tiếp tục công việc của anh. Anh sẽ bắt đầu từ việc tìm lại đồng đội. Ở chiến trường, đồng đội anh hy sinh nhiều lắm. Lúc bom rơi đạn lạc, anh và anh Kiểm bị thương, anh thì về được còn anh Kiểm không biết giờ nằm lại nơi đâu”…
Bà Luyện bật khóc: “Lúc đầu là thương anh Kiểm – đồng đội trong khoảnh khắc sinh tử của chồng và gia đình anh ấy, rồi lại thương 1 người nữa, 1 gia đình nữa… Cứ thế kéo dài mãi đến tận hôm nay”. Ông Niêm cười: “Tôi vẫn giữ cái ảnh bà ấy ôm gốc cây khóc khi vào nghĩa trang Trường Sơn. Về nhà, tôi còn đọc được trong sổ của bà ấy mấy câu thơ: “Các anh ra đi ở lứa tuổi hai mươi/ Nằm lại đây giữa bạt ngàn cỏ hoa và gió núi…”.
Đầu thập niên 1990 còn thiếu thốn mọi bề, giấy viết cũng thiếu, bà Luyện mang hết những cuốn vở đã ngả đen giữ lại từ năm lớp Một đến lớp Mười ra, tờ nào còn 1 mặt thì tận dụng gấp, dán làm phong bì để gửi thư, báo thông tin liệt sĩ đến các gia đình.
“Nhọc nhằn lắm, hoạt động chính của trung tâm là các chuyến đi về nguồn nhưng lại không thể như cách làm của các đơn vị du lịch. Vì khách du lịch của trung tâm là thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách nên chúng tôi không thể… “cắt phần trăm” từng suất ăn, từng phòng ở của mọi người. Chúng tôi cứ làm, không biết là sẽ còn phải làm đến bao giờ và cũng không hình dung được là đã kéo dài 33 năm qua. Thực sự nhiều lúc chúng tôi cũng muốn buông nhưng rồi vợ chồng, anh chị em trong trung tâm lại động viên nhau tiếp tục. Bởi tri ân những hy sinh đánh đổi để có được hòa bình đâu phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, cũng đâu phải là chuyện ngày một ngày hai. Cũng may chúng tôi được con cái ủng hộ và ít nhiều hỗ trợ, giúp đỡ công việc của cha mẹ” – bà Luyện nói.
Ngọc Minh Tâm
– Ảnh do nhân vật cung cấp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hon-30-nam-tri-an-dong-doi-cua-chong-a1524087.html” name=””]