“Thời bây giờ, con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Mình mà không chịu ngồi, mình mất luôn con thì sao?” – bà mẹ hài hước kể chuyện con trai mình “mê trai và bỏ nhà theo trai”.
“30/12/2006: Hôm đó Anh vui quá nên liều, mang giày Tây mà dám bế Cưng xoay một vòng trong tuyết. May là lúc Cưng đáp xuống, cả hai không bị té nên mới được tấm hình này. Kỷ niệm 15 năm ngày cưới” – dòng chia sẻ trên tài khoản Facebook “Anh va Cung” kèm theo bức ảnh lãng mạn ngày thành hôn đã “đốn tim” bao người xem.
Từng bài viết, từng câu hồi đáp bình luận dí dỏm, duyên dáng, cặp đôi Anh và Cưng này từ bao giờ đã trở thành người truyền cảm hứng sống, cảm hứng yêu thương, nhất là đối với bạn trẻ LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới…) tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Anh và Cưng (trái) cùng mẹ Nguyễn Thủy (thành viên Hội PFLAG Sài Gòn) tại lễ hội cặp đôi |
Hôn nhân không ràng buộc mà bảo vệ
Trong không khí thân tình, ấm áp của đại gia đình cộng đồng LGBT – PFLAG Sài Gòn (hội cha mẹ và người thân của người LGBT) tại lễ hội lứa đôi ở TPHCM vào cuối tháng 7/2022, cặp đôi Anh và Cưng (tên thật Thái Nguyên – Công Khanh) đã kể lại nhân duyên gặp nhau và hành trình hôn nhân ngọt ngào tại Canada.
Một ngày của 20 năm về trước, năm 2002, tiếng sét ái tình xẹt ngang khi Anh bước vào quán cà phê, chạm mắt phải gương mặt non tươi của Cưng. May làm sao khi Cưng cũng quen biết người đi chung Anh nên đã trao nhau vài lời ban sơ. Tất cả tưởng dừng lại ở đó. Ngờ đâu, trong một đêm trò chuyện trên mạng với một chàng trai người Việt và cảm nhận năng lượng tương đồng, Anh/Cưng phát hiện té ra người ở đầu dây bên kia chính là “tia lửa điện” đã quật mình chao đảo trong quán cà phê vài tuần trước. Nhận ra nhau và như bị hút hồn từ bao giờ, “hai nửa” tâm tình mải miết từ đêm cho đến khi mặt trời đã mọc, ngày mới đã bắt đầu.
Hai thành phố nơi hai anh ở cách xa nhau đến 200km, Cưng đã bỏ tất cả để về sống chung với Anh. Cặp đôi được gia đình hai bên vun đắp bằng những quan tâm, bằng những bữa cơm gia đình ngày cuối tuần.
Tưởng chỉ cần yêu nhau là đủ. Một ngày, mẹ Anh mở lời: “Hai đứa sống chung đã ba năm, chừng nào làm lễ cưới đây?”. Vậy là một đám cưới long trọng được tổ chức với những màn ôm nhau xoay người trên tuyết ngoạn mục hay những lời chúc phúc mộc mạc mà cảm động, nhớ đời của cha mẹ. Hai anh trân trọng gọi đó là “sự gắn kết vô hình” cho tình yêu lứa đôi thêm khắng khít, bền chặt. Với họ, hôn nhân không phải là sự ràng buộc mà chính là được bảo vệ bởi pháp luật, xã hội và đại gia đình.
“Tất cả mối quan hệ, dù là đồng tính hay dị tính, đều cũng có những lúc bất đồng, “cơm không lành canh không ngọt” nhưng lúc đến với nhau, hai chúng tôi đã ở tuổi chững chạc 28-31, đã hiểu được ý nghĩa khi mình được bên nhau. Hiểu để không lặp lại những bồng bột ngày cũ, để biết rằng con thuyền ra giông bão thì chẳng ai căng buồm lúc đó cả. Chúng tôi cùng nhau sắp xếp lại trật tự để cuộc sống cân bằng, hữu ích và thi vị bên nhau” – Cưng chân thành chia sẻ.
Với Anh và Cưng, hạnh phúc là được cùng mướt mồ hôi đạp xe thể thao, cùng ngắm cây đổi màu thay lá báo hiệu hè qua thu đến, cùng ngâm nga những vần thơ du dương, cùng ghé thăm lại miền ký ức “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Hạnh phúc được nới rộng khi Anh và Cưng cùng tư vấn qua mạng cho các bạn trẻ những vấn đề từ du học, công việc, định cư cho đến tình cảm, các mối quan hệ và cả “chuyện ấy”. Cặp đôi tự nguyện chia sẻ một phần tiền dành đi du lịch của mình để lập quỹ hằng năm ủng hộ các dự án cộng đồng. Hai anh hẹn khi về hưu, sẽ về nước đóng góp sức mình cho cộng đồng nhiều hơn.
Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó, không chịu ngồi, mất con thì sao?
Không phải cặp đôi nào cũng may mắn được gia đình vun đắp như Anh và Cưng, họ vẫn đang chống chọi với những áp lực trong – ngoài. Những lời động viên “cố lên!”, “sẽ vượt qua được nhé!” các bạn dành cho nhau tại lễ hội khiến người trong cuộc trào nước mắt.
Đứng bên người yêu là nữ, một bạn nữ đỏ hoe mắt, bộc bạch: “Hai đứa mình quen nhau trong chuyến từ thiện phát quà đợt tết, mối lương duyên kéo dài đến nay đã bảy năm. Ban đầu gia đình cũng gay gắt nhưng rồi với sự kiên định của hai đứa, cuối cùng gia đình cũng cho hai đứa về ở với nhau”. Xoa xoa bụng bầu lùm lùm khoảng tháng thứ tư của thai kỳ, bạn này cất cao giọng: “Mọi người hãy phấn đấu giống tụi mình nha…”.
Những cái tên bị ẩn đi, những gương mặt khuất lấp dưới lớp khẩu trang vì phòng chống COVID-19 mà cũng vì để tránh dư luận, cho thấy hành trình sống thật của cộng đồng LGBT còn bao chướng ngại. Ngay cả một đội với cha – mẹ – con rất ấn tượng và hoành tráng trong bộ áo đồng phục được in dòng chữ “Chúng ta là một gia đình” cũng xin phép mọi người đừng chụp hình khi gia đình lên phát biểu. Người cha e ngại cho con mình – cậu bé hai tuổi – sẽ phải đối mặt với ánh nhìn dè dặt của xã hội, thầy cô và cả bạn bè của bé.
Bà Nguyễn Lang Mộng – Hội trưởng Hội PFLAG Sài Gòn – cho rằng công nhận và hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới sẽ giúp các cặp đôi cùng giới cải thiện đời sống tinh thần, giảm thiểu kỳ thị xã hội, cải thiện được quan hệ của họ đối với gia đình hai bên. Đồng thời, có thể giúp giảm bớt băn khoăn trăn trở trong việc quyết định có con và nuôi con của các cặp đôi. Khi xã hội có cái nhìn khoan dung hơn về gia đình của người LGBT, áp lực và nỗi lo lắng của cha mẹ, người thân cũng sẽ được giải tỏa.
Mẹ Nguyễn Lang Mộng – một trong những điểm tựa của các con trong cộng đồng LGBT |
Theo thời gian, Hội PFLAG Sài Gòn cũng được bổ sung nhiều gương mặt mới. Đấy là bức tường thành vững chãi cho thế hệ LGBT trẻ, đúng như lời nhắn nhủ đơn sơ mà thân tình của mẹ Kiều Hạnh: “Các con, đứa nào ăn không ngon, ngủ không yên, cứ kiếm các cha các mẹ nha!”.
Là thành trì cho các con của cộng đồng bấu víu, nhưng các bậc cha mẹ ít nhiều từng trải qua những sai lầm đáng tiếc trong quá khứ vì thiếu hiểu biết. Có cha/mẹ khi phát hiện con viết thư tình hay hẹn hò bạn học cùng giới, đã ra sức ngăn cấm, đánh, nhốt, cắt mạng internet, “chiến tranh lạnh”, thậm chí đưa con đi gặp nhà sư, chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để chữa trị.
Đó là hành trình đầy đau thương và nước mắt của cả cha mẹ và các cặp đôi, ngay khi đáng lẽ họ cùng nhau tận hưởng yêu thương và hạnh phúc. Vì thế, các phụ huynh không muốn bi kịch ấy trùm lên gia đình khác. Có người cha đã vượt qua được định kiến, đã sẵn sàng chấp nhận và vui vẻ khi con được là chính mình, đứa con cũng đã định cư nước ngoài, “yên bề gia thất”, người cha vẫn tiếp tục đồng hành với hội, “giúp cho người đi sau được gì thì giúp”.
“Thời bây giờ, con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Mình mà không chịu ngồi, mình mất luôn con thì sao?” – mẹ Lang Mộng hài hước tiếp lời khi cậu con trai hào hứng kể chuyện “mê trai và bỏ nhà theo trai” của mình cách đây vài năm.
Nhìn mẹ Mộng với ánh mắt rạng ngời khi nhà có thêm con, ai cũng biết sự bao dung của mẹ không phải đến từ nỗi sợ “mất con” như lời mẹ nói. Mà là mẹ thực sự mở lòng, thu nhận kiến thức và hạnh phúc khi thấy con hạnh phúc bên người con yêu, con chọn.
Hoài Nhân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hon-nhan-cung-gioi-doi-chuyen-tau-cap-ben-con-duoc-yeu-cha-me-hanh-phuc-a1474885.html” name=””]