Sau hơn 1 năm khiếu nại do dự án Park Vista dừng thi công, vừa qua các cư dân “tá hỏa” khi phát hiện từ khoảng cuối năm 2019, chủ đầu tư dự này là Công ty Đông Mê Kông đã mở thủ tục phá sản, khiến cư dân đứng trước nguy cơ trắng tay.
Cụ thể, tại Quyết định số 1406/2019-QĐ-MTTPS ngày 15/11/2019, Tòa án nhân dân (TAND) quận Bình Thạnh đã cho mở thủ tục phá sản đối với Công ty Đông Mê Kông.
Các khách hàng mua căn hộ Park Vista đều vô cùng hoang mang khi biết thông tin này, bởi phần lớn tiền mua căn hộ đã thanh toán cho chủ đầu tư.
“Để có tiền mua căn hộ ở đây, tôi phải vay ngân hàng. Giờ nhà không có, hàng tháng còn phải trả lãi vay ngân hàng và tốn gần 5 triệu đồng tiền nhà trọ. Chúng tôi đã kêu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa khả quan. Bây giờ chủ đầu tư lại tuyên bố phá sản, chúng tôi biết phải làm sao?” – một khách hàng lo lắng.
Dự án Park Vista sau 1 thời gian đứng hình thì cư dân phát hiện chủ đầu tư đang mở thủ tục phá sản |
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM), Điều 66 Luật Phá sản năm 2014 quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày TAND ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Trong trường hợp này thủ tục phá sản đã được mở từ tháng 11/2019, có nghĩa các chủ nợ (khách hàng) đã hết thời hạn gửi giấy đòi nợ. Tuy nhiên, việc mở thủ tục phá sản không có nghĩa là doanh nghiệp đã phá sản, mà đây chỉ là bước mở đầu cho quá trình doanh nghiệp làm thủ tục phá sản. Hiện nay khách mua căn hộ Park Vista muốn đảm bảo quyền lợi của mình chỉ còn cách gửi giấy đòi nợ đến TAND quận Bình Thạnh, nêu rõ việc không tiếp cận được thông tin mở thủ tục phá sản trước đây, đề nghị tòa tiếp tục xem xét, xác minh làm rõ tài sản doanh nghiệp đang nợ.
Về trách nhiệm của tòa sẽ xem xét cho doanh nghiệp tiếp tục phục hồi kinh doanh hoặc ra quyết định cho doanh nghiệp phá sản.
Trường hợp tòa cho phép chủ đầu tư tuyên bố phá sản, những người mua căn hộ có thể là bên chịu thiệt thòi nhất. Bởi theo quy định tại khoản 1, Điều 54 Luật phá sản 2014, trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
Chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; cuối cùng mới đến các khoản nợ có tài sản bảo đảm và không có tài sản bảo đảm cho các chủ nợ.
Hùng Phan
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khach-hang-can-lam-gi-truoc-viec-chu-dau-tu-park-vista-mo-thu-tuc-pha-san-a1429310.html” name=””]