Suốt cả mùa hè, gốc cây keo nhà chú Tám thành chỗ “thường trú” của tuổi thơ. Chúng tôi ở gốc keo nhiều hơn ở nhà…
Trái keo đã “nứt bụng” |
Xóm tôi um tùm cây cối, cây keo nhiều, nhưng chắc chắn cây keo góc rào nhà chú Tám to nhất. Mùa đồng khô, không trưa nào lũ nhỏ không tụ tập dưới bóng mát cây keo.
Chơi mát, hóng gió nồm; nhưng cái chính là để chúng tôi khều keo ăn. Cây keo cao to lừng lững, bóng rợp tới nửa khoảnh ruộng, lủng lẳng trên cao vô số những chùm trái uốn vòng như cái lò xo, phồng lên những mắt tròn ngộ nghĩnh. Mỗi mắt chứa một hạt keo cùng với lớp cơm dày bao quanh.
Lúc còn non, trái keo xanh tiệp cùng màu lá trông chẳng hấp dẫn. Vậy nhưng lúc ngả hườm hoặc chín, trái keo đột ngột mỡ màng nở bung, vỏ chuyển sang màu hồng hoặc đỏ, bóng nhẫy.
Chờ thêm ít nữa keo sẽ “nứt bụng”, tức tách đôi một phần vỏ, mắt phơi lấp ló ra ngoài từng khối cơm trắng muốt. Giữa mỗi khối cơm ẩn hiện một hột keo đen nhức. Hai màu trắng – đen tương phản cộng thêm sắc đỏ của lớp vỏ ngoài treo lủng lẳng trên cao; mỗi khi có gió qua lại đung đưa trước những cặp mắt thèm thuồng như “dụ khị”, trêu ngươi.
Muốn ăn keo là cả một sự gian nan. Ngoài chuyện cao to, cây keo nào trên thân và cành cũng lởm chởm đầy gai, đứa trẻ nào liều mạng trèo lên cầm chắc rách thịt. Mong keo tự rụng lại càng… nằm mơ, bởi dẫu có chín rồi cuống trái keo vẫn dính chắc trên cành. Biết vậy nên lũ nhỏ muốn ăn keo chỉ còn độc một phương án: khều.
Chúng tôi chắp cây tre vót (hoặc thân cây trúc, sậy…) cho thật dài, đầu cột thêm cái móc tre hoặc móc sắt. Cây khều dài nên hơi nặng; hai đứa cùng hợp sức xúm dựng đứng, ngửa cổ nheo mắt canh ráng lùa cái móc tròng dính vào cuống trái keo. Tròng được xong là… giật.
Lúc đầu chúng tôi chia phiên, một đứa giật; đứa còn lại phải bụm tay, nhóng cổ, lom lom chờ đón bắt. Bắt mà không dính, trái keo văng ra ruộng sẽ lập tức biến thành “của chung”, bị cả lũ xúm vô giành chí chóe.
Tôi với thằng Tí nghiên cứu trang bị thêm bên dưới móc khều một cái giỏ tre đan nhỏ. Cây khều “có giỏ” này lùa được chùm keo vào móc hơi vất vả; nhưng bù lại khi khều trái keo sẽ rớt gọn trong giỏ.
Chúng tôi lột vỏ trái keo chín, ăn lớp cơm giòn, ngọt bao quanh hạt. Gặp phải trái keo còn sống thì cơm ăn hơi chát. Suốt cả mùa hè, gốc cây keo nhà chú Tám thành chỗ “thường trú” của tuổi thơ. Chúng tôi ở gốc keo nhiều hơn ở nhà…
Quê tôi, người lớn có câu thành ngữ: “Lấy về rồi… dắt đi khều keo ăn!” để mắng những cô gái, cậu trai chưa trưởng thành đã toan bước vào hôn nhân. Phải rồi. Còn ở “tuổi khều keo” thì không nên tính chuyện hôn nhân. Câu mắng trên cũng mặc định một điều: khều keo chuyện của tuổi thơ.
Bây giờ quê tôi hầu như không còn keo. Những cây keo “vô tích sự” từng một thời là “vườn địa đàng” cho tuổi nhỏ quê xưa đã bị triệt hạ để dành chỗ cho các mục tiêu kiến thiết hạ tầng hay làm kinh tế. Thức giấc giữa đêm, ký ức nhiều khi cứ vô định lang thang về lại chốn xưa – nơi có “khu vườn địa đàng” treo lủng lẳng những chùm keo mọng đỏ. Giật mình nhẩm tính mới hay: tuổi “khều keo” của tôi đã ra đi non nửa thế kỷ rồi…
Y Nguyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/kheu-keo-o-vuon-dia-dang-a1469316.html” name=””]