Hàng chục lần tôi tha thứ, bỏ qua, vợ vẫn chứng nào tật đó. Tôi giận thì vợ bồng con bỏ đi. Tôi thương nhớ con, phải đi tìm, năn nỉ vợ quay về.
Hôn nhân bế tắc là thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hay nói cách khác, nhiều cặp vợ chồng đang “mắc kẹt” trong hôn nhân ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái. Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” – đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình. Bài viết cho diễn đàn xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn. |
Những bài viết trên diễn đàn “Hôn nhân “mắc kẹt” – đâu là lối thoát?” của Báo Phụ nữ TPHCM khiến tôi tâm đắc vì thấy mình trong đó. Thế nhưng, nếu trong nhiều tình huống “mắc kẹt”, nạn nhân thường là chị em phụ nữ thì tôi là một người chồng “mắc kẹt” trong cuộc hôn nhân bế tắc với người vợ cờ bạc.
Tôi quen H. khi cùng học trường nghề. Tình yêu của chúng tôi bị phản đối quyết liệt. Ba mẹ tôi đặc biệt không thích H. vì ba mẹ H. đã ly hôn. Tôi đã đấu tranh với gia đình để được cưới H. Sau đó là chuỗi ngày làm dâu đầy căng thẳng của vợ tôi. Mẹ tôi khó chịu, cay nghiệt với H. Vợ tôi uất ức cãi lại và bị mẹ đuổi ra khỏi nhà.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Vì lẽ đó, tôi đã theo H. về nhà vợ sống. Mẹ vợ mua cho chúng tôi căn nhà nhỏ ở một ngôi chợ vùng ven tỉnh Long An. Chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp đủ nghề: từ sửa điện lạnh, buôn hàng mỹ ký, bán tạp hóa, cháo lòng, cơm tấm… nhưng đều thất bại.
Và để kiếm tiền nhanh, vợ tôi đã chơi số đề. Tới khi tôi và mẹ vợ phát hiện thì H. đã nợ gần 500 triệu đồng. Chúng tôi phải bán căn nhà được cho để trả nợ và thuê nhà trọ sống.
Tuy nhiên, H. không chịu được cảnh “lượm bạc cắc”, chỉ muốn làm giàu nhanh nên lại dính vào số đề, thiếu nợ khắp nơi. Đến năm thứ sáu hôn nhân, chúng tôi gây gổ, mâu thuẫn mỗi ngày. Vợ tôi còn đi vay tín dụng đen, làm tôi suốt ngày bị chủ nợ đòi.
Cái điệp khúc “anh cứu em lần cuối” của vợ khiến tôi không ít lần lao đao. Hàng chục lần tôi tha thứ, bỏ qua, vợ vẫn chứng nào tật đó. Tôi giận thì vợ bồng con bỏ đi. Tôi thương nhớ con, phải đi tìm, năn nỉ vợ quay về.
Thực sự, lúc này tôi đã không còn niềm tin hay tình yêu với vợ. Nhưng tôi không thể ly hôn. Không chỉ phụ nữ mới lo lắng, mắc kẹt trong cuộc hôn nhân bế tắc, tuyệt vọng vì mang nhiều nỗi lo. Bản thân tôi là đàn ông, có nghề nghiệp ổn định cũng vướng những nỗi sợ. Con gái tôi còn nhỏ. Tôi không muốn con trở thành “sản phẩm lỗi” như vợ tôi – mang một ẩn ức không hạnh phúc từ tấm bé rồi có những mong muốn lệch lạc. Cuộc sống chịu đựng nhau của chúng tôi cứ thế tiếp diễn.
Cách đây hơn 1 năm, khi con gái tròn 15 tuổi, chính cháu đã nói với tôi: “Ba ly hôn đi! Ba phải để cho mẹ trưởng thành. Quan trọng hơn, ba cần phải sống cuộc đời mà ba muốn”. Lời của con như tiếp thêm dũng khí cho tôi và khiến tôi thức tỉnh.
Tôi đã nộp đơn ra tòa dù vợ cầu xin, thề thốt đủ kiểu. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi ngủ một giấc tới sáng khi không còn bận lòng, lo lắng về những món nợ bất ngờ từ trên trời rơi xuống. Với tôi, ly hôn không phải là buông tay phủi bỏ, nhưng ly hôn sẽ giúp vợ tôi thức tỉnh để sống có trách nhiệm hơn với đời mình.
Nguyễn Minh Tùng (Long An)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khi-dan-ong-cung-khong-dam-ly-hon-a1528278.html” name=””]