Sau những trận la mắng của bà ngoại, sau những lần khóc lóc bỏ ăn của bà, anh rể bàn với chị chuyện không chăm tụi nhỏ nữa.
Bà cưng cháu quá mức nên gây lục đục gia đình (Ảnh mang tính minh họa – Patty) |
Chồng My mất khi bé nhỏ đang học lớp mầm, bé lớn học tiểu học. Hai bên gia đình không có điều kiện, gánh nặng tài chính dồn hết lên vai My.
My phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc, nhưng không yên tâm giao việc đưa đón các con cho bác xe ôm quen. Đôi khi cô khóa cửa nhốt bọn trẻ trong nhà để chúng tự chăm nhau lúc cô đến văn phòng.
Sau hai tháng tất bật kiếm tiền, đưa đón con, làm việc nhà… My kiệt sức. Cô cầu cứu bên nội rồi bên ngoại. Thấy em gái vất vả, chị gái My ở quê bàn với chồng, chăm giúp hai đứa nhỏ, để My yên tâm lên thành phố làm việc. Mỗi tháng, My về thăm con một lần, gửi tiền ăn, tiền sữa, đóng học phí…
Lý thuyết như vậy, nhưng thực tế ngược lại. My gần như phải liên tục đi đi về về giữa TPHCM – Bảo Lộc không phải vì bọn trẻ mà vì mẹ My, tức là bà ngoại của con My.
Bà ngoại đã hơn 80 tuổi, cư xử của bà khiến chị gái, anh rể và My không ít lần rơi nước mắt.
Bà thích ăn bánh kẹo, thích uống nước ngọt và bà chưa bao giờ keo kiệt với hai đứa con của My. Trẻ con ăn vặt nhiều sẽ không ăn được cơm, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng, ngày nào đi học về, bọn nhỏ cũng được bà cho ăn bánh kẹo và uống nước ngọt. Bà lãng tai, con gái nhắc lớn thì bà kết tội con gái chửi bà.
Chị gái gọi điện thoại cho My trong nước mắt, kể bà ngoại giận bỏ ăn. Lý do: Khi thì tại sao không hấp hay kho tôm cho lũ trẻ ăn, mà lại làm chà bông tôm, “tụi nó lạnh bụng, bệnh”. Khi thì “tại sao cho con bé nhỏ uống nước chanh mật ong, độc lắm”.
Nhà thêm hai đứa con nít đã phiền, thêm một bà mẹ vợ xét nét từng chút khiến anh rể My càng nản, dù anh rể My vốn lành như cục đất. Chị gái My càng mệt vì chị còn phải đối diện với gia đình chồng, với anh chị chồng và với chồng…
Rất nhiều lần, sau những trận la mắng của bà ngoại, sau những lần khóc lóc bỏ ăn của bà, anh rể bàn với chị chuyện không chăm tụi nhỏ nữa. Mỗi lần như vậy, chị lại tỉ tê cùng chồng, nhưng không phải lúc nào cũng có thể khiến anh dịu lại.
Những lúc vợ chồng anh chị chiến tranh lạnh, chị bảo My nói khéo với anh rể và khuyên bà ngoại. My đưa mẹ đi chợ, đi chơi, cố nói cho bà hiểu nếu anh chị không chăm nữa, hai đứa con về ở với My, ba mẹ con sẽ vất vả và My phải gửi bọn nhỏ về nhà nội. Lúc đó, mỗi năm, bà ngoại chỉ được gặp các cháu hai lần thôi.
Mẹ My nghe vậy thì rơm rớm nước mắt và rồi bà “ngon ngọt” với con gái, con rể “chăm giúp bọn nhỏ để em nó đi làm kiếm tiền. Nhưng chưa tròn tuần, điệp khúc la, chửi, khóc, bỏ ăn của bà lại tiếp diễn, điện thoại My tiếp tục cháy máy vì các cuộc gọi từ chị gái.
Hai ngày trước, chị gái My dứt khoát yêu cầu My phải mang bọn nhỏ đi và ba mẹ con tự tính với nhau. “Xưa, mẹ và vợ chồng chị sống vui vẻ, nhưng từ ngày có các cháu, nhà cửa không còn yên ổn nữa”. My lấy lý do con trai lớn sắp thi học kỳ, không thể chuyển trường để “hoãn binh”, chị gái My đồng ý chờ thằng bé thi xong.
Sáng nay, My nói với hai con rằng hè này các con sẽ về nhà nội. Nói với con như vậy, nhưng My biết cũng phiền bên nội, vì ông bà nội đã cũng gần 80 tuổi, các chú bác của các con bận việc.
My chỉ mong sao, khi My đưa con về nội nghỉ hè, bà ngoại không gặp bọn trẻ một thời gian dài sẽ buồn nhớ cháu và suy nghĩ lại, và sau hè My được đem con gửi ngoại vì bà không còn xét nét, căn ke vợ chồng chị gái nữa.
Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/kho-voi-kieu-cung-chau-cua-ba-ngoai-a1463907.html” name=””]