Anh là mẫu người đàn ông đích thực, chỉ người đầu ấp tay gối mới biết anh chỉ là “cậu bé yếu bóng vía”.
Chồng tôi là đàn ông đích thực, nhưng… (Ảnh minh họa) |
Chồng tôi là đàn ông đích thực, yêu thể thao, mê xem bóng đá, và “40 nồi bánh chưng” chỉ yêu phụ nữ. Anh kiếm tiền giỏi, ngoại giao siêu, có uy với con cái lẫn họ hàng, đồng nghiệp. Nhưng chỉ có đầu ấp tay gối, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, thì người ta mới biết anh chỉ là “cậu bé yếu bóng vía”.
Lần đầu tiên tôi được mục sở thị sự yếu đuối của chồng là lúc khám thai lần đầu.
Khi ấy, bác sĩ cho siêu âm, xét nghiệm máu xong thì thận trọng nói: “Theo kết quả cận lâm sàng thì thai đã được sáu tuần tuổi, nhưng hiện chưa nghe được tim thai”. Tôi nhìn sang, thấy mặt chồng tái mét. Bác sĩ nói thêm: “Anh cho vợ về nghỉ ngơi, thư giãn, tuần sau đến đo lại tim thai”.
Lẽ thường, sau lời đề nghị ấy, tôi sẽ được chồng đỡ dậy, dìu ra xe. Khi ấy tôi đã chớm ốm nghén với các triệu chứng sợ mùi, ghét tiếng ồn, ngại đám đông. Nhưng đúng vào khoảnh khắc mà lẽ ra tôi được quyền yếu đuối nhất, thì chồng tôi ngồi như dính vào chiếc ghế chờ của thân nhân, mặt thất thần. Bác sĩ có vẻ có kinh nghiệm lên vội vàng giải thích thêm, rằng việc không nghe được tim thai ở giai đoạn này cũng chưa có gì đáng ngại, rằng có thể vì các lý do a b c d… rất là khách quan, cha mẹ hãy thư giãn và tái khám vào tuần sau. Tôi phải chủ động đứng dậy và hào hứng rủ về, thì anh mới chịu rời khỏi ghế.
Suốt một tuần sau, tôi mất hết cơ hội lo lắng về cái thai trong bụng, bởi có bao nhiêu sợ hãi, anh đã giành hết. Anh bỏ ăn bỏ uống, mặt ủ mày chau sau khi lên mạng đọc 7749 bài viết về việc mang thai ở tuần thứ sáu. Từ một cô vợ nhõng nhẽo vì ốm nghén, tôi phải giả vờ tích cực, phải trở thành chiếc đồng hồ báo thức để giục anh ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc và thuyết phục anh đi làm.
Một tuần chờ đợi cũng trôi qua. Lúc bác sĩ cho anh nghe tim thai, tôi mới được thấy lại gương mặt bình thường của chồng. Cơ mặt anh giãn ra, và từ đó anh vui như chim sáo, cứ líu lo nói từ chuyện con cái cho đến những chuyện vớ vẩn suốt mấy ngày trời. Đó là một cuộc yếu đuối suôn sẻ của anh, khi vợ chồng bù trừ tạm ổn để dìu nhau qua cơn nguy khó.
Nhưng lần thứ hai không dễ dàng như thế.
Con trai đầu lòng của tôi khá háu bú. Tôi làm mẹ lần đầu nên chưa thật kinh nghiệm, hễ con còn bú là tôi còn mời. Thế là thằng bé no đến mức bị thoát vị rốn. Thấy rốn cháu phồng to lên, mẹ tôi giục: “Thằng bé bị no quá rồi, đưa đi bệnh viện gấp”. Tôi vội đưa con lên taxi, tiến thẳng đến bệnh viện nhi đồng. Trong thời gian đó, chồng đã hay tin từ bà ngoại nên hớt hải gọi cho vợ, hỏi thăm thằng bé. Và khi nghe tiếng con khóc ngằn ngặt, anh chẳng đợi tôi trả lời mà nói luôn:
– Em làm mẹ mà không biết con bú đủ hay chưa à? Lần này chắc chết mất, sao mà chịu nổi!
Anh liên tục đúc kết một thực tế ảm đạm và dội vào tôi những trách móc đầy bế tắc, hoàn toàn không một lời động viên, cũng không hề có giải pháp. Suốt cuộc điện thoại, anh cũng không thèm hỏi tôi đang đưa con đến bệnh viện nào. Anh cúp máy sau một trận than vãn u uất, tôi thừa biết anh đang hoang mang không biết chạy đi đâu, bèn lịch sự nhắn: “Em đưa con vào cấp cứu bệnh viện nhi đồng thành phố ở quận X, đường Y…
Vợ chồng gặp nhau tại phòng cấp cứu. Khi ấy, tôi đã được bác sĩ trấn an bằng những giải thích khoa học kèm một giải pháp y khoa khá nhẹ nhàng. Thấy anh hớt hải chạy đến, tôi truyền đạt lời bác sĩ với giọng bình tĩnh nhất có thể. Thế nhưng, đáp lại sự bình tĩnh của vợ, anh nói: “Lần sau em phải để ý hơn đó!”.
Lòng tôi như ly nước đã đầy ắp những giày vò, lo lắng, bức xúc, giờ được anh dội thêm một gáo nước lạnh. Tôi ôm con đi theo bác sĩ mà khóc như mưa. Tôi giận chồng suốt một tháng sau đó, mặc anh làm đủ trò để giảng hòa. Chuyến xe đưa con vào cấp cứu trong cùng cực sợ hãi và giày vò bản thân, lại bị chồng dằn dỗi, trách móc… cứ ám ảnh tôi, tôi thấy như bị chồng quay lưng, phán xử ngay lúc mình cần chỗ dựa nhất.
Nhưng rồi đời sống hôn nhân sớm cho tôi thấy muôn mặt dở khóc dở cười của người chồng yếu vía. Lúc tôi bị đứt tay và chảy máu quá nhiều, anh quáng quàng tìm cách cầm máu và không ngừng trách mẹ chồng tôi: “Sao mẹ lại để vợ con dùng con dao này”.
Lúc tôi phải cấp cứu vì bị tắc tia sữa, anh bỏ luôn chuyến công tác quan trọng để chạy đến bệnh viện và… khóc đỏ mắt lúc ngồi chờ tin bác sĩ. Hay lúc nghe tin mẹ ruột tôi phải sang Singapore mới hy vọng cứu chữa được căn bệnh nan y giai đoạn cuối, anh cuống quýt vò đầu bứt tai và đề nghị tôi: “Hay mình bán căn nhà này để có tiền cho mẹ chữa bệnh”…
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Trong những lúc ngàn cân treo sợi tóc, lý trí anh chỉ tập trung vào trung tâm của hoạn nạn và cố tìm cách giải quyết. Dù cách giải quyết của kẻ yếu vía đôi khi thật vô lý. Sự vô lý ấy có thể khiến tôi kể được một câu chuyện về ông chồng vô tâm, vô tình, nhưng đằng sau đó là sự yếu đuối, mù quáng của một người quá lo lắng cho người thân.
Mẹ tôi nói: “Chẳng ai chấp chồng con nóng tính, mà chỉ thấy thương vì nó luôn bằng mọi giá để cứu giúp mọi người. Vậy thì tại sao con là vợ mà cứ hay xoáy vào lúc yếu đuối của nó?”.
Tôi nghĩ lại cũng chột dạ, và chẳng bao giờ chấp sự quáng quàng, luống cuống của anh khi nhà lâm nạn nữa.
Lê Tâm
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/do-khoc-do-cuoi-voi-ong-chong-yeu-duoi-a1468488.html” name=””]