( Yeni ) – Nhìn vào thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), người dân có thể biết rõ mình làm việc ngành nghề nào, mức hưởng bảo hiểm y tế, nơi sinh sống, bệnh viện đăng ký điều trị…
Những ký hiệu trên thẻ BHYT
Hai ký tự đầu (ô thứ nhất): Được ký hiệu bằng chữ, là mã đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm:
- CH: Người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức xã hội khác;
- DN: Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư;
- NN: Người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên tham gia có quy định khác;
- HT: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
- TB: Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- CT: Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
- XB: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;
- TN: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
- QN: Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội;
- CA: Sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước;
- CY: Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại các tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương;
- MS: Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước;
- CC: Người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- HD: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;
- TE: Trẻ em dưới 6 tuổi, kể cả trẻ đủ 72 tháng tuổi mà trong năm đó chưa đến kỳ nhập học;
- HN: Người thuộc hộ gia đình nghèo;
- DT: Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
- CN: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
- HS: Học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
- SV: Sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
Ký hiệu trên thẻ thể hiện mức tiền được hưởng khi khám chữa bệnh
Trong mẫu thẻ BHYT mới cấp từ ngày 01/4/2021, bộ mã số được rút xuống còn 10 ký tự là mã số BHXH tức là không còn mã số về mức ảnh hưởng của người tham gia. Mức hưởng BHYT được ghi riêng, ở góc bên phải của thẻ. Cụ thể, các số từ 1-5 trên thẻ BHYT tương ứng với mức hưởng BHYT như sau:
Ký hiệu bằng số 1: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế (VTYT) và dịch vụ kỹ thuật (DVKT) theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật; chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Ký hiệu bằng số 2: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Ký hiệu bằng số 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.
Ký hiệu bằng số 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.
Ký hiệu bằng số 5: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT; chi phí vận chuyển.
Lưu ý: Người thuộc hiều đối tượng tham gia BHYT thì mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT là mức hưởng của đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Đối với mẫu thẻ BHYT mới, trên thẻ có ghi thông tin về mã nơi đối tượng sinh sống. Đó là 2 ký tự ký hiệu vừa bằng chữ vừa bằng số (K1, K2, K3). Trường hợp có ghi mã mã này trên thẻ, khi người bệnh tự đi KCB không đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương mà không cần giấy chuyển tuyến KCB.
Ký hiệu K1: Là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật.
Ký hiệu K2: Là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Ký hiệu K3: Là mã nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của pháp luật.
[yeni-source src=”https://xevathethao.vn/uncategorized/ky-hieu-dac-biet-tren-the-bhyt-danh-dau-muc-huong-phuc-loi-cao-nhat-kham-trai-tuyen-van-co-loi.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/ky-hieu-dac-biet-tren-the-bhyt-danh-dau-muc-huong-phuc-loi-cao-nhat-kham-trai-tuyen-van-co-loi-d334839.html” name=”Xe và Thể thao”]