Ngày xưa quê tôi là vùng chiến trường nên rất nhiều bom đạn đã đổ xuống. Chiến tranh qua lâu, đồng xanh lúa bao mùa mà vỏ đạn vẫn còn lẫn trong đất.
Ảnh minh họa |
Mưa khiến cho các khối cày vỡ ra, để lộ các ống đồng lớn nhỏ, cái mới tinh, cái bị rỉ sét biến dạng hoặc chỉ còn một phần. Chúng tôi lượm tất cả, mang về rửa sạch, đánh bóng, chờ ông ve chai ngang qua xóm.
Đồng là nguyên liệu quan trọng, có giá tốt, nên ông ve chai rất thích thu gom. Dù ít hay nhiều ông đều vui vẻ mua cho chúng tôi. Nhà hàng xóm đông anh em, họ cùng nhau đi khắp các ruộng cày tìm nhặt vỏ đạn, gom để dành đến cuối mùa mới đổi tiền sắm sửa cho năm học mới. Nhìn anh em họ khệ nệ rinh bao tải vỏ đạn đặt lên cái cân sắt cũ kỹ, sau đó ông ve chai móc túi đếm tiền và đưa cho họ gần hết số tiền ông có, cả đám nhóc chúng tôi thèm thuồng ao ước.
Tôi không lượm được nhiều ống đồng như bạn bè, vì tôi rất dễ bị mỏi chân khi bước trên đất ruộng xâm xấp nước. Tôi cũng ham vui, dễ quên mục tiêu vì mấy con bướm rập rờn trước mặt hay đàn cá hoảng hốt rẽ nước chạm vào chân. Không kiếm được vỏ đạn, tôi mon men bước sang những mảnh ruộng chưa kịp cày. Cỏ năn phủ kín đất, cao ngang thắt lưng, trải một thảm màu xanh mướt. Tôi cứ thế ngã ra cỏ, lăn mấy vòng. Cỏ ngã rạp mềm mại êm dịu dưới lưng.
Nằm chơi trên đồng năn đến chán, tôi mon men vạch cỏ tìm tổ trứng. Một số loài chim không làm tổ trên cao. Chúng xây chiếc tổ nhỏ tròn xinh ẩn trong các ruộng năn. Hôm nào may mắn, tôi sẽ được vài quả trứng đủ màu sắc và kích cỡ.
Những vỏ bom còn sót lại trên một vùng đất (Ảnh minh họa) |
Ông ve chai dường như cũng vui buồn theo bọn trẻ chúng tôi trong mùa lượm vỏ đạn. Con đường duy nhất băng qua làng chưa được trải nhựa. Mùa nắng bụi tung mịt mù, mùa mưa đường trơn nhớt bùn lầy. Cách một đoạn ngắn lại có một cây cầu khỉ, ai đi xe đạp phải rinh xe cẩn thận bước qua. Đường đi khó nên chỉ có một người duy nhất mua ve chai ngang qua. Mọi người gọi ông là “ông ve chai”, không ai biết tên của ông là gì. Đôi khi ông ve chai đón chúng tôi tận cánh đồng, phụ giúp rửa sạch các ống đạn rồi “mua nóng” tại chỗ.
Mọi người hỏi tại sao ông siêng vậy, sao không đợi tụi nhóc đem về nhà rồi mua. Ông cười, bảo làm thế để khích lệ tinh thần chúng tôi. Khi trả tiền cho lũ nhóc, ông luôn lựa những tờ tiền mới, tiền cũ sẽ trả cho các khách hàng khác. Nghe nói ông không có con cái, gia đình. Chúng tôi rất thích ông, thường bám sau đuôi xe đạp, đứa kéo đứa đẩy hò hét vang trời mỗi khi ông ngang qua xóm.
Lứa chúng tôi lớn lên, cánh đồng vẫn là cánh đồng. Nhiều mùa cày xới, hầu như không còn tổ chim, càng không có một vỏ đạn nào lẫn trong đất. Kể chuyện ngày còn nhỏ chúng tôi nhặt ống đồng đem bán, mấy đứa em đứa cháu ngác ngơ, không biết tại sao lại có những thứ kỳ lạ như vậy.
Quỳnh An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ky-uc-ky-la-tren-canh-dong-a1469145.html” name=””]