Nhiều người lầm tưởng phải đến năm 30 tuổi da mới lão hóa. Tuy nhiên, từ độ tuổi 20, da bắt đầu mất dần collagen, sắc tố và mất độ đàn hồi.
Từ độ tuổi 20, da mất dần collagen
Gần đây, chị P.T.N.V. (29 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM) buồn bã khi bạn bè, đồng nghiệp nói mắt chị có nhiều nếp nhăn, quầng thâm. Nhiều người giới thiệu cho chị một số loại kem bôi, viên uống để dưỡng da nhưng vẫn không cải thiện. “Thực ra tôi đã phát hiện mình bị… xuống sắc vài tháng nay. Không chỉ nếp nhăn ở đuôi mắt, da 2 bên má của tôi cũng sạm đi, mặt nổi nhiều mụn trứng cá, môi khô ráp. Nhưng tôi thường dùng mỹ phẩm để che đi. Đến bây giờ, nếp nhăn nhiều nên không che được nữa” – chị V. chia sẻ.
Theo chị V., ngoài “giấu” làn da qua mỹ phẩm, chị cố gắng uống thật nhiều nước, ăn trái cây, rau xanh gần gấp đôi so với trước đây mà các khuyết điểm trên da vẫn chưa cải thiện. Thậm chí, da vùng cẳng tay cũng đang nổi các nốt đồi mồi làm cho chị rất mất tự tin và chưa biết nguyên nhân từ đâu.
Bác sĩ Trần Ngọc Phương đang khám và tư vấn chăm sóc da cho bệnh nhân – Ảnh: V.T |
Về vấn đề trên, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Phương – Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM – cho biết, mụn trứng cá do nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi 30 và 40. Những điều chị V. gặp phải có thể là do nội tiết thay đổi, kèm theo quá căng thẳng, hay tình trạng sức khỏe toàn thân không tốt, hoặc tác dụng phụ của thuốc cũng có thể gây ra nhiều vấn đề trên da.
Theo bác sĩ Ngọc Phương, nhiều người cho rằng phải từ 30-35 tuổi mới nên để ý, chăm sóc da. Nhưng thực ra từ độ tuổi 20, da mất dần collagen bắt đầu quá trình lão hóa. Dấu hiệu đáng chú ý và phổ biến nhất là da giảm sắc tố, độ đàn hồi dần mất đi, nhìn bằng mắt thường có thể nhận ra sự xuất hiện của các nếp nhăn, rãnh nhăn…
Đến năm 30 tuổi, ngoài nếp nhăn thường thấy, da còn có dấu hiệu bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Nhìn bên ngoài, da có sự thay đổi sắc tố nhẹ, nhưng ở dưới lớp biểu bì, ánh nắng vẫn gây nên những thay đổi lớn. Thêm phần mất đi lượng lớn collagen nên da vùng má hóp, vùng mắt trũng xuống… Vì vậy, ngoài khẩu trang, bao tay, áo khoác, bạn nên chọn kem chống nắng phổ rộng, thoa lặp lại trên da sau mỗi 2 tiếng đồng hồ. “Thêm phần, tia UV có thể xuyên qua kính, chẳng hạn như cửa sổ, nên thoa kem chống nắng ngay cả khi bạn đang ở trong nhà” – bác sĩ Ngọc Phương lưu ý.
Cách làm chậm quá trình lão hóa da
Bạn cũng nên tẩy tế bào chết để loại bỏ phần da sạm, nám, da khô và các phần da “chết” giúp làn da sáng mịn hơn. Có thể tăng cường thói quen chăm sóc da bằng cách tẩy tế bào chết sau khi rửa mặt, chăm chỉ sử dụng kem dưỡng mắt sẽ giúp chậm quá trình lão hóa da hơn, cải thiện nếp nhăn, rãnh nhăn.
Trên thị trường có nhiều loại sản phẩm tẩy tế bào chết, bạn nên lựa chọn thật kỹ loại phù hợp, tránh nhầm lẫn giữa sản phẩm tẩy tế bào chết và kem trộn, kem lột. Quan trọng, không nên nôn nóng, quá lạm dụng mà chỉ sử dụng 1 đến 2 lần mỗi tuần vì những chất tẩy da chết này có thể làm khô da.
Ngoài ra, để tăng khả năng tổng hợp collagen, làm sáng các vết thâm, bạn hãy thoa vitamin C nhằm bổ sung dinh dưỡng cho da, từ đó mang lại hiệu quả nhanh chóng hơn.
Nếu bạn bị tổn thương da, tổn thương các mạch máu quá nặng do ánh nắng mặt trời, tăng sắc tố da… Bạn có thể đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để bác sĩ thăm khám, tư vấn hoặc điều trị đúng cách. Lúc này, các liệu pháp laser, hoặc điều trị với botulinum toxin (một loại thuốc tiêm kê đơn) để đạt được những hiệu quả mong đợi, nhất là ở vùng trán và mắt.
Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm dân gian truyền miệng như đắp lá cây, hành… hay đốt tàn nhang, lột để tái tạo da khi chưa được thăm khám, bởi sẽ có nguy cơ tai biến. Nhất là với vùng da bị tổn thương, trầy xước, bạn có thể bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn… gây khó khăn trong chăm sóc, điều trị.
Phạm An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lan-da-gia-di-khi-ban-nghi-minh-con-tre-a1479356.html” name=””]