Trong cuốn sách tranh đầu tay, con gái kể về thời thiếu nữ của mẹ ở chiến khu. Còn trong tạp văn “Kẻo tro bay mất”, mẹ lại dành nhiều trang viết yêu thương cho con gái. Đó là câu chuyện của mẹ con đạo diễn Việt Linh – tác giả Hải Anh.
Tác giả Hải Anh và mẹ – đạo diễn Việt Linh – trong ngày ra mắt sách “Sống” tại TPHCM |
1. “Có lúc nào mẹ hối tiếc không?”, “Có phải bà ngoại dạy mẹ nấu ăn không?”… Hải Anh – sinh năm 1993, con gái đạo diễn Việt Linh – đã gợi chuyện xưa bằng những câu hỏi như vậy. Đó cũng là cách cô mở đầu các chương trong cuốn sách tranh Sống (Nhà xuất bản Kim Đồng vừa phát hành vào tháng 3/2024).
Sống là cuốn sách tranh đầu tay Hải Anh kể chuyện thời thiếu nữ ở chiến khu của mẹ (giai đoạn 1969-1975). Đó cũng là một chặng đời ít được biết đến của vị nữ đạo diễn nổi tiếng và can trường của điện ảnh Việt một thời.
Năm ấy, Linh 16 tuổi, vì giận mẹ mà đốt giấy tờ tùy thân, vào chiến khu tìm ba. Cô trở thành chị nuôi và trải qua biết bao hiểm nguy, gian khổ cùng đồng đội ở chiến khu. Cũng tại nơi ấy, Linh được tiếp cận và học cách làm phim tài liệu từ các chú, các anh đi trước, trong đó có cố Nghệ sĩ nhân dân Hồng Sến.
Đạo diễn Việt Linh nói chị vẫn thường kể cho con gái nghe chuyện về thời kháng chiến. Hải Anh đã ghi nhớ những mẩu chuyện ký ức góp nhặt và ấp ủ ý tưởng làm sách tranh. Sống được bố cục chương theo các động từ: Gặp, Tiếc nuối, Nấu, Nấp, Bị thương, Chạy trốn, Chia tay… Nhờ thế, những câu chuyện được kết nối và đồng hiện một cách mượt mà, đan cài giữa quá khứ – hiện tại, chiến tranh – hòa bình…
Hành trình cuộc đời nhân vật Linh cũng ghi dấu một giai đoạn của lịch sử đấu tranh cách mạng, về số phận con người trong chiến tranh cũng như chuyện làm phim tài liệu ở chiến trường. Còn Hải Anh xuất hiện trong sách lại là dấu gạch nối giữa 3 thế hệ: bà ngoại – mẹ – cháu, giữa 2 nền văn hóa Việt Nam – Pháp. Sống không chỉ là câu chuyện về sự thấu hiểu và yêu thương của con gái dành cho mẹ mà còn là tình cảm, sự trân trọng, tìm về cội nguồn của cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở Pháp.
Hải Anh bộc bạch: “Tôi dùng tiếng mẹ đẻ để đặt tiêu đề sách là điều hết sức quan trọng khi xuất bản lần đầu tiên tại Pháp. Mỗi ký ức được tóm tắt bằng 1 động từ tiếng Việt cũng là để có thể ghi khắc những ký ức ấy vào chủ đề phổ quát hơn. Do vậy, khi đọc câu chuyện gia đình được ngắt chương từ ngôn ngữ gia đình ấy, bạn đọc Pháp có thể khám phá ra nhiều từ khác của ngôn ngữ tuyệt đẹp là tiếng Việt. Và các bạn Việt sẽ khám phá ra vài từ tiếng Pháp, ở phiên bản sách xuất bản tại Việt Nam lần này”.
Phần tranh do họa sĩ Pháp Pauline Guitton – sinh năm 1993, một người bạn từ thời thơ ấu của tác giả Hải Anh – đảm nhiệm. Dành 9 tháng đến Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử – văn hóa, đặc biệt là bối cảnh Nam Bộ thời kháng chiến, Pauline đã thực hiện bộ tranh minh họa rất sinh động và cũng vô cùng mộc mạc, gần gũi.
“Sống” – sách tranh đã xuất bản tại Pháp và Việt Nam |
2. “Chiếc xe rơi xuống một hố bom cũ, hàm mẹ bị va vào tay nắm xe. Chỉ nhích lên trên một chút nữa thôi là đập phải nhân trung. Và nếu vậy thì giờ đây hẳn cả mẹ lẫn con đều không có mặt ở trên đời…” – lời của mẹ nói với con gái trong sách tranh Sống. Một khoảnh khắc sinh tử. Đêm ấy, chuyến xe vượt rừng chuyển căn cứ gặp nạn, Linh may mắn sống sót dù di chứng của lần xe lật hố bom ấy vẫn còn mãi trên thân thể và hành hạ chị cho đến bây giờ.
Sống cho bạn đọc thấy một Việt Linh rất khác với hình ảnh một nữ đạo diễn thành công, quyết liệt với nghề sau này. Đó là những năm tháng làm bạn với bếp Hoàng Cầm, ngày ngày sàng gạo, gánh nước, chẻ củi… rồi tập tành học làm phim, dựng phim trong chiến khu. Là những đêm mưa mịt mù phải cắt rừng sơ tán, là những cuộc chia tay đồng đội mà không biết còn có ngày gặp lại. Là một cô gái yêu rừng yêu cây đến mức mấy chục năm sau chiến tranh, bên tai như thể còn nghe tiếng gọi của dây bí đao – vốn bị cô bỏ lại chiến khu sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
“Tôi như thấy lại đứa bé chào đời ngay trước chiến tranh, đứa bé không được ai trao cho một vị trí” – Hải Anh viết. Đó là cô bé Linh thời thơ ấu ngồi kết cả trăm vòng hoa mà vẫn không thấy mẹ về như đã hẹn. Là khi Linh đau đớn hiểu rằng mẹ không bao giờ có thể trở về đoàn tụ với gia đình. Sài Gòn năm 1976, Linh nhận được cuộc gọi của mẹ báo rằng sẽ đi Canada đoàn tụ với gia đình mới của bà. Cô cũng nhận tin ba thông báo tái hôn và sắp có em. Cô bé ấy cuối cùng trở thành “một phụ nữ chọn tự cô lập, ngay cả khi đã có gia đình riêng, luôn thích được ở góc riêng, theo cách riêng của mình”.
Đạo diễn Việt Linh tâm tình, năm ấy chị vào chiến khu tìm ba vì giận mẹ mình. Mẹ chị cũng là một nhà hoạt động cách mạng, suốt 10 năm bặt tin chồng, lại nhận một nhiệm vụ đặc biệt và phải đóng giả là vợ của một đồng chí cách mạng khác. Cuối cùng, bà đã đi bước nữa, trong một hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh. “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ vì sao mẹ không nhớ đến ba. Nhưng khi 20, 30 rồi 40 tuổi, mỗi năm tháng qua đi, trải qua những dấu mốc của cuộc đời, tôi lại hiểu và thương mẹ hơn. Hải Anh – con gái tôi – cũng từng rất giận tôi vì đã không dành thời gian ở bên con nhiều hơn. Có lúc, tôi đã thấy mình không phải là một người mẹ tốt…” – chị xúc động khi nhắc về ký ức. Nhưng Sống cũng chính là sự thấu hiểu mà con gái dành cho mẹ.
Hải Anh nói cô hiểu mẹ là con người của công việc và hạnh phúc khi được sống ở Việt Nam hơn là ở Pháp. Việt Linh chưa từng học tiếng Pháp chính quy nhưng nghiêm khắc rèn dạy con gái học tiếng mẹ đẻ. Dù ở Paris, chị vẫn dùng tiếng Việt nói chuyện với con. Kể cả khi con giận, viết email đầy lỗi chính tả, chị vẫn để con hờn dỗi để từ đó… viết tiếng Việt gửi mẹ nhiều hơn.
3. Đạo diễn Việt Linh thường được nhiều người gọi là “nữ tướng” của màn ảnh và sân khấu. Tuổi trẻ, chị xông pha đi làm phim, được vinh danh với biết bao giải thưởng danh giá. Ngoài tuổi 70, chị vẫn tràn đầy năng lượng hăng say dựng vở cho sân khấu Hồng Hạc. Nhưng khi ngồi cùng con gái trong ngày ra mắt sách Sống, người ta thấy Việt Linh – một người mẹ – rơi nước mắt khi nói về con. Chị cảm ơn những người đã yêu thương con gái mình, đã thay chị bù đắp cho sự thiếu vắng hơi ấm của mẹ trong những năm tháng chị xa gia đình.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, đạo diễn Việt Linh từng nói, với chị, sự nghiệp là mối quan tâm đầu tiên, sau đó mới đến gia đình. Con gái chị nghe được đã rất buồn. Những dự án phim cứ cuốn mẹ đi, đến mức cô gái nhỏ từng bật khóc vì nghĩ “mẹ không thương con”. Năm 6 tuổi, phạm lỗi bị mẹ phạt roi, con gái đã hỏi: “Sao mẹ muốn làm con đau?”. Đó cũng là lần duy nhất chị đánh con.
“Mười mấy năm trước mẹ tôi vẫn nói với tôi rằng con cái mang đến niềm vui nhưng cũng sẽ rất cực. Khi nào có con, con sẽ biết. Lời đối thoại của mười mấy năm sau: “Mẹ ơi, cái cực nhọc của người mẹ đâu chỉ là những đêm thức trắng chăm sóc con đau ốm, mà thức trắng cho những dằn vặt: Ta là ai trước con ta khôn lớn? Ta là sao khi dạy con ta một nhân cách trung thực?” là lời bộc bạch của đạo diễn Việt Linh, trong tập tạp văn Kẻo tro bay mất của chị, vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành.
Cuộc trò chuyện về thời thiếu nữ của mẹ ở chiến khu cũng là cuộc kết nối thế hệ, cho mẹ được trở về những năm tháng không thể nào quên và cũng cho con gái hiểu và yêu thương mẹ nhiều hơn. Sống tưởng chừng là câu chuyện riêng của một gia đình, giữa 2 mẹ con nhưng lại là câu chuyện của một thế hệ, của quá khứ – hiện tại, của định mệnh và số phận, của tình yêu và những cuộc chia ly…
Lục Diệp
Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-con-va-nhung-khoanh-khac-song-a1515983.html” name=””]