“Em liên tục đổi món nhưng bữa nào mẹ cũng chỉ ăn nửa bát cơm. Em không biết mẹ thích ăn gì để nấu nữa”.
Em dâu đặt mua yến sào chính hãng với giá đắt đỏ. Cả tháng nay, một tuần ba lần, em chưng yến với táo đỏ, hạt chia, đông trùng hạ thảo, chia thành từng lọ nhỏ cho mẹ. Trước giờ đi ngủ, tận tay em đem vào phòng ngủ cho mẹ. Lần nào, mẹ cũng bảo: “Con để đó, tí mẹ uống”.
Vậy mà, sáng nay mẹ đi khám bệnh, em vào dọn phòng phát hiện nhiều lọ yến mẹ không uống mà cất dưới gầm giường. Em bảo: “Em liên tục đổi món nhưng bữa nào mẹ cũng chỉ ăn nửa bát cơm. Em không biết mẹ thích ăn gì để nấu nữa”.
Tôi gọi điện cho chị đồng nghiệp, đang ở cùng mẹ già tầm tuổi mẹ tôi. Khi nghe tôi tâm sự, chị bảo, do chúng tôi quá lo lắng, chỉ cần hiểu tâm lý người lớn tuổi một chút là khắc phục được ngay. Đôi khi, con cái cứ nhầm tưởng bồi bổ nhiều là tốt, nhưng thực tế cơ thể người già ăn uống thanh đạm sẽ nhẹ nhàng hơn. Thêm nữa, cha mẹ khi ăn những món đắt tiền, nghe giá cả cao, rồi vừa ăn vừa tiếc lại không ngon.
Tâm lý người già sợ phiền con cháu, nên không nói ra nhu cầu của bản thân, tốt nhất nên tìm hiểu lại ngày trước mẹ thích nấu gì ăn gì, rồi cứ theo đó nấu nướng.
Tôi nhớ, có lần trên đường sang nhà em trai, tôi mua ít khoai mì luộc. Hôm đó, mẹ vừa ăn vừa khen khoai dẻo bùi như ở quê. Rồi cách đây mấy tháng, tôi đưa mẹ đi chơi, vào quán cơm gia đình, thấy mẹ chỉ ăn rau lang luộc chấm mắm nêm. Tôi chợt nghĩ, hình như mẹ thích ăn những thứ “ngày xưa” như lời chị đồng nghiệp tư vấn.
Trong khi đó, bữa cơm ở nhà em trai thường rất ít rau củ quả vì hai đứa cháu thích ăn thịt và em dâu luôn nấu những món bổ dưỡng như cháo bồ câu, bào ngư, gà ác hầm hạt sen… cho mẹ tẩm bổ. Nghĩ vậy, tôi liền nhắn tin cho em dâu bảo: “Em thử nấu canh cua mùng tơi, cà pháo dầm, thịt luộc kèm dưa giá, xem mẹ ăn có ngon miệng hơn không?”. Ngay ngày hôm sau, em báo tin, mẹ ăn hết hai chén cơm.
Thỉnh thoảng, tôi làm vài món ngày trước mẹ thường nấu như muối sả thịt, xôi ăn cùng muối lạc, mắm kho… và đem sang rồi chỉ cho em dâu cách nấu. Em dâu bảo giờ mới biết, có khi chỉ cần một dĩa rau muống luộc, nước rau vắt canh làm canh, mấy con cá nục kho mà mẹ ăn rất ngon miệng. Từ ngày biết khẩu vị của mẹ, em dâu bớt căng thẳng.
Với trái cây tráng miệng, ngày trước, em đặt mua đủ loại nho, táo, lê nhập ngoại khá đắt đỏ nhưng mẹ hiếm khi ăn, giờ em chỉ cần mua nải chuối chín, sau mỗi bữa cơm mẹ ăn một trái đều đặn.
Tôi rất biết ơn em dâu, nếu không có sự chăm chút, trăn trở của em, tôi không để ý đến nhu cầu ăn uống của mẹ. Tôi vẫn nghĩ nấu món chất lượng, mua thuốc bổ cho mẹ là được. Nhưng rõ ràng, chăm cha mẹ già cũng như trẻ nhỏ, phải tùy theo nhu cầu từng người để đáp ứng chứ không thể rập khuôn. Có món thích hợp người này nhưng không phù hợp với người kia, chưa hẳn nhiều chất bổ đã tốt.
Bởi muốn ăn ngon, hấp thu tốt cần phải có tâm lý thoải mái, yêu thích, mới ăn ngon được.
Nguyên An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-gia-thich-an-gi-a1475281.html” name=””]