Mẹ tôi không giục em gái vội lấy chồng, bởi cả đời mẹ đã khổ vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
“Em khổ quá các chị ơi! Ba mẹ em dưới quê vừa gọi điện, giao chỉ tiêu cuối năm không có người yêu thì đừng về ăn tết!”.
Giữa buổi cà phê, câu than thở nửa thật nửa đùa của Nguyệt làm chúng tôi cười ngán ngẩm. Hơn 30 tuổi đầu, áp lực chồng con cứ treo lơ lửng trên đầu Nguyệt. Chắc chỉ một hai năm nữa, ba mẹ chẳng cấm thì em cũng khỏi dám bước chân về quê ăn tết!
Tôi hiểu lắm nỗi lòng của ba mẹ Nguyệt, vì trong gia đình tôi cũng còn một cô út “đầu ba” chưa chồng. Hà, em tôi, dáng người nhỏ nhắn và rất duyên, thoạt nhìn như mới chỉ hai bảy, hai tám. Từ lúc em tôi chạm tuổi 30 đến giờ, họ hàng làng xóm thi nhau giới thiệu người quen cho Hà. Anh làm công nghệ thông tin, anh lại làm xây dựng, thậm chí có cả anh nọ làm nhiếp ảnh, làm đài truyền hình…
Là một bác sĩ nội trú, gia đình lại khá giả, nhiều khi Hà bị người đời gắn cái mác “kén chọn”. Chỉ có tôi thường xuyên tâm sự mới biết em cũng rất cố gắng để mở lòng. Ở cái tuổi chênh vênh này, khi bạn bè đều đã con lớn – con bé, Hà cũng sốt ruột. Mỗi khi có ai đó được giới thiệu mà chủ động làm quen, em đều đón nhận, đồng ý đi uống nước cùng họ và thành thật trong từng câu chuyện.
Duy chỉ có điều, đến nay em vẫn chưa thực sự tìm được ai phù hợp. Sau mỗi “phi vụ” mai mối không thành, bạn bè làng xóm lại thêm ngán ngẩm. Ngay đến tôi là chị gái cũng sốt ruột thay cho em. Vậy mà kỳ lạ chưa, không giống như ba mẹ Nguyệt, mẹ tôi chưa bao giờ thúc giục Hà chuyện chồng con, dù chỉ nửa lời.
Chỉ mẹ tôi là bình thản trước cô con gái ba mấy tuổi vẫn chưa chồng (Ảnh minh họa) |
Có những khi người quen của ba mẹ tới chơi, hễ họ hỏi con gái sắp lấy chồng chưa thì mẹ chỉ thủng thẳng đáp: “Cháu nó cũng có đang tìm hiểu nhưng cứ từ từ bác ạ. Chuyện cả đời có gì phải vội.”
Thậm chí ba tôi cũng có lúc buột miệng than thở: “Nhà còn mỗi mình nó, sao bà không lựa lời khuyên bảo con? Cứ bình chân như vại thế!”. Mẹ tôi cũng chỉ ừ hữ cho qua. Mọi người đều cảm thấy khó hiểu vì đến người ngoài còn sốt ruột cho con gái mẹ hơn cả mẹ!
Chỉ tôi và Hà biết lý do đằng sau thái độ bình thản ấy. Không phải mẹ không lo lắng cho đứa con gái út ít, thực ra mẹ nghĩ ngợi rất nhiều. Nhưng bản thân mẹ không muốn ép em gái tôi phải cố chọn lấy một người không dành cho em, bởi vì cả đời mẹ đã phải chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Ba mẹ tôi lấy nhau vội vã qua sự giới thiệu của gia đình, như nhiều người cùng thời họ. Người ta vẫn bảo lấy nhau đã rồi học yêu sau, nhưng có những người như ba mẹ tôi, có cố gắng cả đời cũng không thể dung hoà cho nổi.
Ba tôi là người gia trưởng. Tuy ông nói được, làm được, là trụ cột trong nhà nhưng thành ra lại có lối kiểm soát người khác thái quá. Ba trồng một cái cây thì mẹ phải đi mua đất, tìm chậu, rồi dọn dẹp sau khi xong. Kinh tế trong nhà đến giờ vẫn là ba nắm. Mẹ có muốn chi tiêu gì ngoài số tiền đi chợ ít ỏi ba đưa cũng phải trình bày, thuyết phục dài dài.
Chúng tôi lớn lên đi làm, thi thoảng vẫn dấm dúi cho mẹ đồng ra đồng vào để chi tiêu theo ý thích. Nhưng bản thân chúng tôi biết rằng không bao giờ có thể hàn gắn được những mâu thuẫn sâu sắc mà ngày nào mẹ cũng phải đối diện. Có lúc mẹ chọn nhịn ba. Có lúc mẹ phản kháng thì ba mẹ cãi nhau, mặt nặng mày nhẹ với nhau cả tuần. Cứ như thế, chưa có lúc nào sóng yên bể lặng.
Cho nên, mẹ tôi không bao giờ muốn con gái cũng vì những áp lực bên ngoài mà nhắm mắt đưa chân. Có lần Hà bảo: “Hay thôi con khỏi lấy chồng, ba đuổi thì con mua căn chung cư ở vậy cho rồi.” Mẹ tôi chỉ nói: “Cái đó tuỳ con, miễn con vui vẻ. Điều duy nhất mẹ lo là sau này có tuổi lại một mình, con sẽ cô đơn…”.
Lời mẹ, tôi nghe mà xót xa, trong đó có cả tình thương của người mẹ với con gái, lẫn bao nỗi niềm mẹ phải chịu đựng.
Thu Thuỷ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-khong-hanh-phuc-nen-chang-hoi-con-gai-lay-chong-a1476067.html” name=””]