“Tôi vẫn có nhiều vấn đề cần giải quyết, cũng có những lúc lo âu, buồn chán nên bực bội với con; nhưng tôi hiểu mình cần thay đổi và đang dần học cách cân bằng cảm xúc để không làm ảnh hưởng đến con…”
Bước vào năm thứ hai cho con tự học tại nhà, chị Nguyễn Thị Phương Trinh (sinh năm 1985, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) đã rất quen với những lời khuyên nên cho con đến trường trở lại. Lý do đưa ra là trẻ cần phải theo chương trình chung của Bộ GD-ĐT hoặc cần môi trường giao tiếp.
Sau cuộc ly hôn nhẹ nhàng, được quyền nuôi con nên chị Trinh tin rằng, chỉ có chị mới hiểu những gì phù hợp nhất với con. Chị muốn con gái được giáo dục từ gốc rễ và không quan tâm chuyện bằng cấp.
Khi con gái đến tuổi đi học mầm non và lớp Một, chị Trinh cũng tìm trường cho con như các bà mẹ khác. Chị cho bé Ngọc Linh (sinh năm 2014) theo học tại một trường tư. Thời điểm dịch COVID-19 xảy ra, nhà trường gặp một số khó khăn và phải tạm dừng chương trình của lớp bé Ngọc Linh đang học. Các phụ huynh khác đi tìm trường mới cho con, còn chị từ lâu thấy việc con đến trường có nhiều khía cạnh không phù hợp với tiêu chí giáo dục nên ngay thời điểm ấy chị đã mạnh mẽ quyết định để con tự học ở nhà.
Bé Linh tự học vẽ và vẽ lại những gì bé nhìn thấy |
Chương trình học được thiết kế đa dạng
“Tôi quyết định đi ngược dòng để giáo dục con từ gốc rễ. Tôi muốn con học bất kỳ điều gì cũng là xuất phát từ động lực nội tại. Đặc biệt, tôi muốn con có một môi trường học tập với nhiều trải nghiệm cuộc sống, khám phá thế giới, tìm hiểu bản thân, rèn luyện kỹ năng và phẩm chất đạo đức mà không bị áp lực. Với tôi, cuộc sống là vô thường, không ai biết trước tương lai sẽ ra sao. Vì vậy, điều cần thiết nhất là hạnh phúc ở hiện tại” – chị Trinh chia sẻ.
2 mẹ con bắt đầu xây dựng một nền nếp mới trong học tập và sinh hoạt tại nhà. Mỗi ngày, Linh sẽ có 1 tiếng học chương trình của Mỹ qua mạng. Chị Trinh lùi một lớp so với độ tuổi để con có thể theo được chương trình mới, do môi trường học tập thay đổi. Dù không đến trường, Ngọc Linh vẫn tham gia nhiều hoạt động tại các câu lạc bộ hoặc trung tâm. Mỗi tuần, Linh có 2 buổi học đàn, 1 buổi học vẽ, 2 buổi học môn STEM (STEM là khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Linh cũng tập gym và đi bơi đều đặn hằng tuần để có thể chất tốt.
Cứ cuối tuần, chị Trinh đưa con gái đi tham gia các hoạt động khác hoặc du lịch. Chị tìm các hội nhóm những gia đình cùng chung quan điểm giáo dục để thiết lập môi trường giao tiếp và vui chơi cho con, cũng như tạo điều kiện cho con kết bạn ở bất cứ đâu con tới. Từ lên rừng, xuống biển, đến những trung tâm thương mại, các workshop làm đồ thủ công, bảo tàng, các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong nước hay những ngày hội quốc tế… chị đều tạo điều kiện để con có mặt.
“Tôi muốn con nhìn thấy được sự phong phú, muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Vậy nên tôi cũng không khắt khe trong việc đóng khung trải nghiệm mà muốn con tự lựa chọn, so sánh về ưu điểm và nhược điểm của từng hoạt động. Khi lớn lên, con thích sống ở nơi vùng quê hay thích nơi thành phố hiện đại đều được. Miễn là con đã suy nghĩ kỹ và thấy phù hợp với con” – chị Trinh chia sẻ.
Bà mẹ một con cũng nói thêm về cách dạy con là luôn trò chuyện, phân tích cho con hiểu sự cần thiết trong những việc con làm, những gì cần học hay cần tránh. Những việc này sẽ rất mất thời gian và rất lâu mới thấy được kết quả, nhưng nó xứng đáng.
Ví dụ, ước mơ hiện tại của con là lớn lên làm nhà bảo tồn động vật hoang dã thì con sẽ cần bơi tốt, có sức khỏe, có kiến thức để có thể làm được công việc này. Hay những việc gần gũi với con hơn là con cần biết cộng trừ, tính toán để đi mua hàng, biết nấu nướng, tự giặt áo quần, dọn dẹp nơi ở… để biết tự chăm sóc mình.
Chị tôn trọng tiến độ phát triển của con và không đòi hỏi con phải thành thục mọi thứ hay hiểu chuyện như người lớn. Để con không quên việc, chị vẫn thường ghi lên bảng những việc con cần làm khi ở nhà và tùy từng ngày như làm bài tập, phơi quần áo, rửa chén, dọn phòng… và kiên nhẫn nói với con vì sao phải làm.
“Tôi xác định là sẽ nhắc con làm việc nhà đến tận khi con 18 tuổi nên nhiều khi con có lười biếng cũng không sao. Tôi hoàn toàn không áp dụng chế độ thưởng, phạt mà chỉ để con nhận hậu quả từ những việc con gây ra để con rút ra bài học cho mình. Tôi không khắt khe hay cấm đoán những thứ có hại vì biết rằng dù có cấm con cũng sẽ giấu giếm làm gì đó sau lưng mình. Vì vậy, tôi chọn cách kiên trì giải thích và động viên con để con hiểu những điều nên và không nên” – chị Trinh nói về cách đồng hành cùng con.
Chị Trinh đưa con gái đi du lịch để thấy muôn vẻ đẹp, vẻ khác nhau của môi trường |
Một em bé hạnh phúc là con của một bà mẹ hạnh phúc
Chị Phương Trinh cũng từng vấp phải rất nhiều định kiến: “Tôi từng bị nói là người mẹ không biết nuôi con khi để con còi, hiếu động hay không cho con được đến trường. Nhưng tôi không nản chí mà luôn kiên định với chính mình. Tôi luôn nghĩ con sẽ khỏe mạnh, sẽ ngoan, sẽ đam mê công việc, nhưng phải cho con thời gian để con trưởng thành. Hiện tại, điều lớn nhất tôi làm được là con gái rất háo hức khi thức dậy và mong chờ những trải nghiệm. Lúc nào Ngọc Linh cũng nói với tôi: “Mẹ ơi, con rất yêu cuộc sống này” – chị Trinh tâm sự.
Từ một cô bé nhút nhát trong giao tiếp, nay Linh đã bạo dạn, tự tin hơn và đang phát triển dần các kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội. Cô bé còi cọc, bị bệnh liên quan đến hô hấp rất nhiều nay cũng đã rắn rỏi và có sức bền tốt. Chỉ số vượt khó ngày càng tăng lên. Bé leo núi mà không kêu mệt, có thể đạp xe 18km quanh vòng hồ, ít bệnh vặt. Bé cũng chủ động chọn lựa đi bộ, đạp xe, đọc sách, chơi đồ chơi giáo dục, làm đồ thủ công… thay vì xem điện thoại, ti vi; bé có thói quen ăn uống lành mạnh thay vì các đồ ăn nhanh…
Nói về những khó khăn, chị Trinh cho rằng chúng sẽ luôn xuất hiện, không thể tránh. Nhưng hiện tại, chị hài lòng với cuộc sống, vì đã lựa chọn những gì tốt nhất trong khả năng.
“Tôi chủ động lựa chọn và sắp xếp mọi thứ sao cho phù hợp. Nhà chỉ cách công ty 2 phút chạy xe nên tôi đi làm rồi về nhà buổi trưa cùng con. Những lần cần đi chơi xa, tôi sẽ lên kế hoạch làm hết công việc rồi xin nghỉ thêm 1-2 ngày kết hợp thứ Bảy, Chủ nhật để đi cùng con. Mẹ con tôi cũng có bác chủ nhà rất thân thiện, cần việc gì đều có thể gửi gắm được. Con cũng được dạy mọi kỹ năng tự chăm sóc mình kể cả khi bị bệnh” – chị Trinh nói.
Quan trọng nhất là bản thân người mẹ phải thấy hạnh phúc thì con mới hạnh phúc. Vậy nên, chị Trinh luôn ý thức việc có thời gian cho riêng mình. Chị nói có nhiều thứ chị sẵn sàng xuề xòa như mệt thì không dọn nhà, chị ưu tiên sự nghỉ ngơi hoặc cũng luôn có những chuyến đi xa một mình mà không có con gái. Dạy con các kỹ năng để con tự lập, chị cũng thấy mình được tự do.
Chị Trinh thường tổ chức nhóm đi chơi để con gái có thêm bạn bè, tăng khả năng giao tiếp xã hội |
Để tâm thế bình yên khi ở bên con, chị cũng chú trọng chăm sóc cảm xúc của mình. “Tôi vẫn có nhiều vấn đề cần giải quyết, cũng có những lúc lo âu, buồn chán nên bực bội với con; nhưng tôi hiểu mình cần thay đổi và đang dần học cách cân bằng cảm xúc để không làm ảnh hưởng đến con. Tôi cũng đọc sách, học hỏi và nhận thức về những sai lầm trong cuộc sống để trưởng thành hơn mỗi ngày” – chị Trinh nói về đời sống cá nhân.
Cho con học tại nhà, chị Trinh vẫn từng ngày giúp con duy trì khát khao và sự ham học hỏi, khám phá. Đó là cách giáo dục từ gốc rễ mà chị muốn theo đuổi đến tận sau này.
Cát Tường
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-oi-con-rat-yeu-cuoc-song-nay-a1514816.html” name=””]