Nếu ta có thể chỉ sống được một ngày trên đời, thì đó cũng phải là ngày vui.
Cuối tuần, sau bao ngày lần lữa hứa hẹn, chúng tôi cũng gặp nhau. Đã từng có hơn năm năm dài làm chung, đều nhà xa nên gần như ngày nào hai chị em cũng ăn và nghỉ trưa với nhau. Chuyện về gia đình mình, về bản thân, chị chia sẻ với tôi khá nhiều. Khác với vẻ ngoài sang trọng thong thả ai cũng thấy, bước về nhà chị là một con người khác.
Mỗi lần nghe chị kể, tôi cứ nghĩ đến cái gì đó như giỏ hành trang gia bảo từ thời mẹ, thời bà hay xa hơn nữa, mà nhiều đàn bà như chị, cứ thế xách lên nhắm mắt mà bước trên hành trình đời mình, không mảy may nghĩ ngợi hay thắc mắc: Lớn lên là lấy chồng, rồi quán xuyến dành dụm chắt bóp, lo trong vén ngoài cho gia đình, sinh con nuôi con cho đến lớn. Cái áo con để đâu; cuốn tập được bao thế nào; cái chén nào cúng chén nào ăn; bình bông nào để bàn thờ nào; thậm chí cái búa đinh cất ở đâu… đàn bà cũng quản…
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Và có lẽ không ít người đến một tuổi nào đó, dĩ nhiên đã qua thời xuân sắc như chị, bây giờ, soi vào ai đó hoặc giật mình tự hỏi: “Chị đã làm gì đời mình, hả em?”. Chị nhắm mắt lại, thật lâu. Giọt nước mắt nóng hổi tràn ra. Tôi như nghe chính giọng nói của chị cũng tụ thành hình khối và rơi xuống không gian yên ắng: “Chị không vui, chỉ thấy cạn hết sức!”. Tôi cảm nhận được cảm giác thiệt thòi và ấm ức đầy ứ ở chị. Như mang một hòn đá, mỗi ngày một nặng thêm, không tan, chị tìm đâu ra trái ngọt lành của hạnh phúc?
Tôi đã quan sát và ngẫm nghĩ rất nhiều về sự cố gắng chu toàn, cố gắng “gọt chân cho vừa giày”, cố gắng trưng bày khuôn mặt hạnh phúc trước bàn dân thiên hạ của đàn bà xứ mình. Mọi xúc cảm của bản thân cuộn lại gói ghém cất giấu một mình, để rồi có những lúc không kiềm chế được nữa, lại mang ra chà xát lau chùi, nước mắt rơi rồi tự khô trong thinh lặng.
Tôi nhớ đã từng nói với mẹ về hành trình chênh vênh, khó nhọc của người đàn bà có chồng có con. Ngoài 70 tuổi, đi qua gần như đủ mọi thứ, mẹ tôi thản nhiên như không: “Cuộc sống là vậy thôi. Không khác đi được!”.
Nhìn khuôn mặt buồn rười rượi của chị, tôi thật tình không biết nên an ủi thế nào. Chị đã gác lại những đam mê trong đời, chăm bẵm chồng con và cả mẹ chồng bằng tất cả tâm sức không toan tính. Lầm lũi, cáng đáng quang gánh nhà chồng hơn 20 năm ròng rã, mỗi ngày như cô bé bán diêm, chị tự quẹt những que diêm ít ỏi thắp sáng cho chính mình, đến giờ nhận ra bản thân đã hết sức.
Chị chưa yêu ai khác bên ngoài, anh hình như cũng không. Chỉ có điều, khi các con đã lớn, đi học xa, chỉ còn hai người với nhau, chị thấy rõ hơn bao giờ hết cảm xúc tình yêu không còn, tình thân hình như cũng không phải. Chị thấy anh xa lạ đến nỗi chút đụng chạm của anh, chị cũng co rúm vì căng thẳng.
Cảm xúc yêu thương, gắn kết đã mất đi từ lúc nào, chị không hay biết? Mất đi từ lần sinh con thứ hai, anh không bên cạnh chị? Mất đi khi con bị tai nạn, anh không tiếc lời chì chiết “làm đàn bà giữ con không xong”? Mất đi khi chị ký tờ giấy chứng nhận tài sản thừa kế mẹ chồng là tài sản của riêng anh?
Mất đi khi ba chị thập tử nhất sinh, anh lạnh lùng hỏi: “Đông anh em, sao ba bệnh chỉ mình em lo?”.
Tôi thốt nhiên nghĩ đến cuộn chỉ. Hình như ai cũng một vài lần cảm thấy đời mình như một cuộn chỉ rối nùi. Có cách nào khác hơn là hít một hơi thật đầy, ngồi xuống, thong thả bình tâm gỡ từng mối một? Nước mắt cứ rơi, hay lòng ấm ức thì làm sao tỏ tường mà gỡ? Bất đắc dĩ, cố gỡ không xong thì bỏ đi.
Ảnh mang tính minh họa – benzoix |
Làm tốt, chu toàn mọi việc là bản lĩnh. Buông bỏ lại càng bản lĩnh hơn. Vạn sự trên đời đều có giá, có ai có được gì mà không trả giá đâu?
Chị đã từng khóc vì bế tắc hoang mang. Tôi hiểu nỗi chơi vơi của người đàn bà đã ở chặng cuối đời mình. Với sự từng trải và chín chắn, khi cơn xúc động qua đi, tôi tin chị có quyết định phù hợp.
Tôi chợt nhớ cô bạn thân từng nói, hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình. Kiểu như em tôi, mỗi lần lau nhà đổ mồ hôi ròng ròng, em vẫn mở nhạc nhún nhảy tươi cười: “Thể dục nha! Đẹp dáng khỏi tốn tiền, nhà cửa sạch sẽ!”.
Sáng nay, tôi gặp lại, thấy chị tươi vui lạ thường. Lần đầu tôi nghe chị nói như một chuyên viên tâm lý: “Nếu ta có thể chỉ sống được một ngày trên đời, thì đó cũng phải là ngày vui. Bởi lẽ, ngoài niềm vui, cái nhìn tích cực để tạo ra sức mạnh, chúng ta biết dựa vào đâu để đi qua giông bão?”.
Triệu Vẽ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/moi-ngay-song-la-mot-ngay-vui-a1474683.html” name=””]