Giờ phút này, tuy trời quang mây tạnh, nhưng là sự im lặng đáng sợ của thiên nhiên trước khi cơn bão số 4 đổ bộ. Mong bình yên cho người dân miền Trung.
Bão số 4 có tên Noru sắp đổ bộ vào các tỉnh Trung Trung bộ. Đây là cơn bão được dự đoán rất mạnh. Đọc báo thấy người dân hớt hả vớt cả triệu con tôm hùm giống, chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu chạy bão, mà thương cho người dân nơi mảnh đất đầy nắng gió, bão giông.
Người nông dân, được mùa hay mất mùa phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Người miền Trung bởi thế khó giàu vật chất nhưng bù lại, giàu nghĩa tình, giàu ý chí. Đừng chê trách người miền Trung nghèo khó. Họ phải đi qua những cảnh màn trời chiếu đất do thiên tai, mất tài sản và cả mất người thân.
Tôi ám ảnh cảnh í ới gọi nhau thông báo nhà nọ có người rơi xuống nước lũ, tử vong ngay trong nhà, rồi đợi 4 ngày sau khi nước rút hết mới đưa đi chôn. Cảnh người bệnh nặng, đêm khuya đưa tới bệnh viện bằng ghe. Những mái tôn bay vèo vèo trong bão. Có những đợt nước dâng nhanh như kiểu “Thủy Tinh đang trút giận”, làm người dân trở tay không kịp…
Sau mỗi trận bão lũ lớn, người miền Trung làm lại từ đầu, không bi quan, không chán nản. Nếu bi quan, khổ sở vì những mất mát, đau thương do bão lũ gây ra, liệu có đủ sức chống chọi suốt đời với thiên tai? Nếu không lạc quan thì làm sao đủ mạnh mẽ để bám đất, bám làng?
Người dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế giúp dân vận chuyển nhu yếu phẩm đến khu vực tránh trú bão tại trường mầm non xã Phú Thuận |
Bão, lũ cướp đi nhiều thứ, nhưng chẳng thể cướp ý chí con người, mà còn rèn giũa con người vượt qua gian khó, biết nâng niu thành quả, biết phấn đấu học hành. Những trận lụt, dù lớn hay nhỏ, người ta vẫn lạc quan rằng, lũ lụt bồi đắp phù sa, tiêu diệt chuột bọ, như là cách… đền bù thiệt hại.
Người miền Trung có thâm niên trong phòng chống bão lũ, hiểu tận cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cũng như sức chịu đựng của con người. Những ngày này, cứ vịn vào câu “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” mà băng qua bão lũ.
Thiên tai, láng giềng tựa vào nhau đi qua gian khó. Giữa bộn bề lo toan, nhà này vẫn để mắt nhà kia, xem bên ấy cần gì. Bên bờ rào, thường là những bờ rào hàng râm bụt, hay hàng chè tàu, người ta chia nhau con khô, chén mắm, bát nước chè xanh. Tôi còn nhớ tiếng chú Ba vang vọng bên tai mình: “Ai cần thuốc đau bụng, nhức đầu thì bảo tôi. Tối qua tôi cũng kịp mua về”.
Thực tế, đã không ít người đứng trước lằn ranh sinh tử, được cứu sống từ hàng xóm láng giềng. Những ngày bão lũ, tình làng nghĩa xóm thể hiện trọn vẹn nhất. Một sự kết nối bền chặt.
Đối với những ai chưa từng sống chung với lũ, thấy cảnh người dân miền Trung lo chống chọi mỗi khi thiên tai… ghé thăm, đều cám cảnh. Nhưng có thể nói, người miền Trung đã quá quen với câu chuyện chống bão lụt. Kinh nghiệm đối phó đã có từ thời cha ông. Từ đứa trẻ, tới người già, từ đàn ông, đàn bà, mỗi người đều biết cách chống bão bằng độ tuổi và kinh nghiệm riêng.
Bão số 4 sắp đổ bộ, chị Lê Uyên Phương (Đại Lộc, Quảng Nam) tự bắc thang lên mái nhà chằng chống bão. Phương và các con cho cát vào bao rồi đưa lên mái nhà. Nhìn Phương ngồi cạnh những bao tời cát, tôi yên tâm dù gió cỡ nào, Phương và những đứa con cũng có chỗ trú ngụ an toàn.
Chị Phương cũng tỉa cành mé nhánh cây trong vườn để tránh thiệt hại. Tôi hỏi Phương sao dạn leo trèo thế, Phương bảo nhiều năm vừa làm cha vừa làm mẹ, quen rồi, cái gì làm được là làm tất, đàn bà đâu chỉ chống bão trong bếp.
Bão lũ về, người miền Trung “thủ” từ chai dầu lửa, tới cái tim đèn, đèn pin, rồi hũ gạo, hũ dưa, nước sinh hoạt cũng phải dự trữ.
Giờ phút này, tuy trời quang mây tạnh, nhưng là sự im lặng đáng sợ của thiên nhiên trước khi cơn bão số 4 đổ bộ. Mong bình yên cho người dân miền Trung.
Phi Khanh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mong-binh-yen-cho-nguoi-dan-mien-trung-a1473833.html” name=””]