Nhờ một ngày cúp điện, chị em tôi đã đông đủ bên má. Chúng tôi đã có một ngày gác lại mọi bộn bề và dành cho nhau trọn vẹn yêu thương như thời thơ ấu.
Tôi về quê đúng vào ngày cả xóm cúp điện. Từ 6g sáng, ba mẹ con tôi đã bị đánh thức bởi cái nóng hầm hập do máy lạnh tắt và tiếng càu nhàu của đứa cháu: “Xui quá, đi đám cưới gì mà chưa kịp trang điểm và duỗi tóc đã cúp điện rồi”.
Ba mẹ con tôi và bà ngoại kéo ra sân thì thấy chị gái thứ hai, thứ ba tới chơi. Trước khi về, tôi gọi điện cho bốn chị gái, rủ tụ họp, nhưng người nói bận giữ cháu ngoại, người nói bận mua bán… Lát sau, chị Tư, chị Năm xuất hiện.
Hai chị cười “cúp điện nên đóng cửa quán” (hai chị kinh doanh quán karaoke).
Năm chị em gái tôi bất ngờ tập hợp đông đủ ngay tại ngôi nhà mà chúng tôi được sinh ra và lớn lên. Chỉ thiếu anh trai thứ bảy đi đám cưới.
Tác giả đang hâm lại thức ăn trong bữa tối cúp điện trong nhà tại ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang |
Khi cúp điện, cuộc sống ở quê như trở về mấy chục năm trước, vừa quen, vừa lạ, rất thú vị. Hai con tôi cúp điện không được xem ti vi, không được nằm máy lạnh nên chúng và những đúa trẻ khác kéo ra bờ sông chơi đồ hàng, chơi u, chơi lò cò… Chơi đổ mồ hôi thì chúng nhảy ùm xuống sông tắm, không còn nỗi sợ: “Sao nước sông không trong như hồ bơi?”.
Năm chị em gái tôi cũng buông hết điện thoại, xúm lại làm phụ bếp cho má. Má tôi 88 tuổi, mắt mờ, chân yếu, nên đã xa bếp núc lâu rồi. Nhưng con cháu tụ họp đông đủ, má nhất quyết đòi vào bếp nấu món bí hầm dừa và cá lóc nướng trui mà chị em tôi ngày xưa thích ăn. Bà cụ chậm chạp bỗng trở nên nhanh nhẹn khi được quay trở lại chái bếp – nơi bà có hơn 40 năm làm thủ lĩnh.
Má phân công: Con Vẹn (chị Hai) gọt bí, con Thắm (chị Ba) nạo dừa, vắt nước cốt, con Nghiêm (chị Tư) làm nước mắm me, con Nghiềm (chị Năm) và con Út (là tôi) lặt rau, rửa rau.
Ảnh mang tính minh họa |
Tôi cắc cớ: “Ủa, vậy má làm gì?”. Má cười: “Làm má tụi bây chớ làm gì?”. Nói vậy nhưng má vẫn là người “cân” việc nhiều nhất. Má phải tự tay ướp bí, hầm bí, nướng cá, pha nước mắm… má mới chịu. Khi má nấu ăn, năm chị em tôi xúm quanh giống như ngày thơ bé.
Trong lúc nấu, má cứ kể: “Ngày xưa, nhà mình nghèo lắm, đẻ con Vẹn đâu có tiền mua sữa, chỉ toàn cho uống nước cơm pha đường thốt nốt. Vậy mà nó sổ sữa, ú nu, dễ nuôi lắm”.
Tôi nhìn qua chị lớn, thấy chị vội đưa tay quệt nước mắt. Nhìn chị gái thứ Ba, má lại kể: “Ngày xưa, con Thắm ốm yếu, bệnh miết. Có bữa, ba má đang ở ngoài đồng, bà nội nhắn người ta kêu: “Con Thắm nóng muốn giật kinh phong”. Má với ba bây chạy bờ đê về, mưa đường trơn té lên té xuống. Về, ba má ôm con Thắm chạy bộ lên nhà thầy Ba Đô, ổng cho thuốc, một hồi nó mới tỉnh”.
Chị Ba vốn mau nước mắt nên nghe má kể ngồi khóc ngon lành. Rồi má lại nhắc anh Bảy – cậu con trai độc đinh của ba má: “Ngày xưa, thằng Bảy làm ba má chết điếng, tưởng mất nó rồi. Mới 8-9 tháng, nó bị gì mà cổ họng đóng trắng nhách, không bú sữa, không nuốt nước được rồi yếu dần, thở không được. Má ôm nó khóc hết nước mắt, kêu cỡ nào nó cũng nằm im không nhúc nhích.
Mọi người tính chuẩn bị hậu sự cho nó. Ai dè, bà Út Góp nói có bài thuốc hay, bả lấy bột gì đó rồi lấy ống tre thổi vào miệng thằng Bảy. Như thuốc tiên, một lát là nó mở mắt, thím Bảy Ê đút nước thử thì nó uống rồi má cho bú sữa được luôn. Ba má mừng không tả được…”.
Chị em tôi biết, câu sau thể nào má cũng nói “thằng Bảy chết đi sống lại”. Má tôi sợ con cái bất hòa nên luôn lấy kỳ tích thoát chết của anh tôi để nhắc nhở sự yêu thương, bao dung giữa anh chị em. Nhìn một lượt năm đứa con, má lại kể tiếp: “Hồi đó, nhà mình khổ quá nên ba má không lo cho tụi con đầy đủ được. Khi tụi con còn nhỏ, ba má bơi xuồng chở tụi con theo, rồi ba má phải buộc tụi con vô cột nhà trong lúc ba má đi cấy lúa, làm cỏ, để các con không bị té xuống sông”.
Má nhắc những ngày đó làm chị em tôi xốn xang. Trong ký ức lờ mờ của tôi, khi ấy mới lên 5 thì: Tôi và anh Bảy quanh quẩn chơi bắn bi, búng thun trong cái trại nhỏ chừng 9 mét vuông. Ba má tôi khom lưng cấy lúa ngoài ruộng, cứ chốc chốc ngước lên nhìn hai đứa con nhỏ.
Buổi trưa, má hay cầm cả giỏ cua vào. Má đốt rơm luộc, rồi bẻ càng cua to nhất cho hai anh em tôi ăn.
Trong cái hầm hập, oi bức của chái bếp vào buổi trưa, nhưng mấy má con vẫn cười nói, thong thả ôn chuyện xưa, tám chuyện nay.
Loay hoay đã tới lúc trời chạng vạng. Điện vẫn chưa có như dự kiến. Má nói: “Con Út lấy mấy cái đèn hột vịt má để trong góc bàn thờ ba bây đó”.
Tôi và chị Tư đi đốt đèn, chia ra thắp ở bàn thờ, nhà trước, nhà sau. Mấy má con và đám cháu (chúng sợ ma nên chỉ quanh quẩn theo người lớn) ngồi túm tụm trên bộ ván ngựa ở nhà sau. Màn đêm đen kịt, ánh sáng của chiếc đèn hột vịt không soi rõ mặt. Tự dưng, tôi thấy gia đình mình đang trở về hơn 40 năm trước.
Cứ tối tối, sau giờ đồng áng là cả nhà ngồi quanh mâm cơm trên bộ ván gỗ này. Ba tôi hài hước chỉ những miếng rau củ xào, cá kho trên mâm cơm là tôm càng, vịt quay, bánh bao… trong tiếng cười nắc nẻ và cả thở dài thất vọng của bầy con.
Ảnh mang tính minh họa |
Sau bữa ăn, ba lấy cây đàn ghi ta phím lõm ra. Tay ông lả lướt trên những phím đàn và cất giọng trầm bổng: “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên dòng kênh Ngã Bảy….”. Má tôi vừa dọn dẹp, vừa thỉnh thoảng lườm “hát mùi vầy chắc mấy cô mê dữ”. Rồi đôi lúc má lại yêu cầu: “Ba con Vẹn hát bài Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà đi”.
Giờ ba tôi đã hóa người thiên cổ, má thì cũng già yếu. Các con thì đứa đi lập nghiệp xa, đứa bận rộn mưu sinh, hiếm khi nào tụ tập đông đủ – kẻ cả ngày lễ, tết. Nhưng nhờ một ngày cúp điện, chị em tôi đã đông đủ bên má. Chúng tôi đã có một ngày gác lại mọi bộn bề và dành cho nhau trọn vẹn yêu thương như thời thơ ấu.
Một ngày cúp điện, nhưng lại mở ra tình thân, không phải là quá vi diệu hay sao?
Thùy Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mot-ngay-cup-dien-sang-bung-tinh-than-a1481646.html” name=””]