( Yeni ) – Nhiều cha mẹ quá chú trọng vào điểm số và trình độ học vấn mà không biết rằng điều đó không giúp con thành công khi ra ngoài đời như những kỹ năng mềm.
Có những đứa trẻ là học sinh giỏi, thành tích học cao, bằng cấp dày và cao nhưng khi ra ngoài đời lại thất bại. Nhiều cha mẹ mục tiêu nuôi dạy con duy nhất là con phải đỗ đại học danh tiếng, có bằng cấp cao. Nhiều cha mẹ nuôi con theo kiểu từ nhỏ không cho con làm gì, chỉ cần con học tập và học tập, điểm cao, đỗ qua các kỳ thi là được.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người có bằng cấp cao nhưng vẫn thất nghiệp và đi làm luôn bị chê kém. Những bậc cha mẹ này đã nuôi dạy con mình trở thành một người có trình độ học vấn cao, nhưng khả năng đối nhân xử thế lại vô cùng kém.
Tôi rất đồng ý với một quan điểm: Sứ mệnh cao nhất của cha mẹ là nuôi dạy con cái có khả năng thích ứng với xã hội. Cách tiếp cận “dựa vào thành tích” của những gia đình bình thường sẽ chỉ khiến trẻ em tập trung vào thành tích mà quên đi những kĩ năng mềm thiết thực.
Nếu đứa trẻ không thích ứng xã hội thì chúng chỉ có trình độ học vấn cao nhưng mãi là kẻ nghèo. Khi không có kỹ năng thích ứng thì trở ngại nhỏ nào cũng có thể làm lật bánh xe cuộc đời của con người.
Cha mẹ có tầm nhìn thì con sẽ có tương lai
Nhiều người luôn cho rằng chỉ có những người có nhiều tiền mới nuôi được con thành đạt. Sự thực thì cha mẹ ít tài chính vẫn hoàn toàn có thể nuôi con với chi phí thấp.
Có hai cách.
Cách thứ nhất là tìm ra năng khiếu của con càng sớm càng tốt và sau đó lập cho con một kế hoạch.
Trong bộ phim “Batman”, có một câu thoại như sau: “Khi mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, sẽ không có ai cảm thấy hoảng sợ, ngay cả khi mục tiêu đó thật đáng sợ và xa vời”. Những cha mẹ có tầm nhìn xa trông rộng có kế hoạch sẽ giúp con trở nên xuất sắc ngay cả khi điều kiện kinh tế của họ không dư giả nhiều như người khác.
Những bậc cha mẹ này sẽ không mù quáng ép con học ngày học đêm, thay vào đó, họ phát hiện ra tài năng của con và dạy dỗ con theo hướng phù hợp với năng khiếu càng sớm càng tốt.
Một giáo sư từng chia sẻ về kế hoạch phát triển của con gái mình trong bài phát biểu của mình. Con gái học kém môn toán, bài kiểm tra toán chỉ được 15/120 điểm. Nhưng người này không ép con gái mình học nhồi môn toán vì điều này. Thay vào đó, bà tôn trọng con gái mình, đưa cô đi du lịch và khuyến khích cô học âm nhạc cũng như khám phá tài năng nghệ thuật của bản thân…
Sau này bà phát hiện ra tài năng âm nhạc của con gái mình. Sau đó nữa, bà tập trung cho con gái trau dồi khả năng của mình trong lĩnh vực này. Con gái bà sau này thi đỗ vào trường cao đẳng nghệ thuật và trở thành giáo viên dạy nhạc.
Tôi rất thích một ví dụ tương tự: một viên kim cương vỡ có thể không mang giá trị nhiều, nhưng khi bạn dùng một sợi dây xâu chúng lại thành một chiếc vòng tay kim cương, nó có thể có giá trị rất lớn.
Đừng lo lắng, đừng mù quáng, hãy giúp con bạn tìm được sợi dây càng sớm càng tốt.
Cách thứ hai, 6 nguyên tắc vàng, bồi dưỡng khả năng thích ứng với xã hội cơ bản của trẻ.
Nhiều người chủ trương giáo dục “quý tộc” nhưng sau cùng lại chỉ biết vắt kiệt bản thân và nuôi dạy con cái dựa vào vật chất. Giáo dục thực sự nằm ở việc nuôi dưỡng năng lực giúp trẻ thích ứng với xã hội, tạo điều kiện để trẻ hòa nhập tốt hơn trong sự nghiệp sau này.
Để tạo cho con sự thích ứng xã hội cao thì cha mẹ nên chú trọng rèn luyện cho con 6 điều sau
Không phải cứ tập trung vào học vấn là thành công
1. Thể chất khỏe mạnh
Thể chất không khỏe thì tinh thần sẽ kém. Thể chất mong manh, chạm nhẹ đã vỡ tan thì không thể đạt được các mục tiêu cao trong sự nghiệp. Bởi không có sức khỏe thì không có gì. Không có sức khỏe tốt thì làm sao nói chuyện tương lai? Từ giờ trở đi, hãy đảm bảo con bạn có được một giờ tập thể dục mỗi ngày.
Một cơ thể khỏe mạnh là nền tảng của mọi hoạt động.
2. Thái độ lạc quan
Trong những năm gần đây, thường xuyên xảy ra các vụ trẻ em tự làm mình bị thương do những áp lực trong đời sống như thi cử, bị cha mẹ kỳ vọng quá cao…
Nuôi dạy trẻ có khả năng cải thiện nghịch cảnh là rất quan trọng. Nuôi dưỡng tư duy phát triển của trẻ ngay từ khi còn nhỏ và dạy chúng nhìn vấn đề một cách lạc quan.
Dạy trẻ những cách cụ thể hơn để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và khuyến khích chúng tự mình giải quyết vấn đề.
Một đứa trẻ khỏe mạnh “có khả năng cải thiện nghịch cảnh” sẽ không để cuộc đời mình bị phủ bóng chứ đừng nói đến việc đi vào ngõ cụt.
3. Chịu được vất vả
Những đứa trẻ lớn lên trong nhung lụa không thể chịu đựng được những va đập của cuộc đời. Vì vậy, chúng ta cần làm cho con mình nhận thức được khó khăn và phát triển khả năng phục hồi sau những vấp ngã của chúng. Cuộc sống cần tôi rèn thì mới vững chãi. Những đứa trẻ không được tôi rèn thì khó lòng thành công. Vì thế cha mẹ cần cho con trải qua khó khăn trong học tập, khó khăn trong lao động và một số khó khăn trong suy nghĩ, để sau này, chúng không bị cuộc đời đánh bại.
4. Tham gia các hoạt động xã hội
Ngày nay, trẻ em sống và kết bạn trực tuyến, chúng sống như thể đang sống trong một lâu đài trên không, thiếu sự kết nối với xã hội thực. Điều đó khiến trẻ khi ra ngoài đời giống như gà công nghiệp bị thả vào rừng sẽ lơ ngơ không biết làm gì. Do đó cha mẹ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho con tham gia vào nhiều hoạt động xã hội hơn và xây dựng các kết nối thực sự là điều nên làm. Bạn có thể đưa con mình tiếp xúc xã hội nhiều hơn dựa trên sở thích của chúng. Cha mẹ cùng con tham gia các hoạt động tình nguyện và làm những gì mà con cảm thấy hứng thú và thoải mái.
5. Khả năng suy nghĩ độc lập
Giáo sư Deresiewicz của Đại học Yale từng mô tả những sinh viên ưu tú của các trường Ivy League là “những chú cừu xuất sắc”. Điều đó có nghĩa rằng họ thông minh và siêng năng nhưng lại ngoan ngoãn một cách mù quáng, không có chút năng lực tư duy phản biện nào, không có sách thì gần như vô dụng một nửa.
Trong xã hội hiện đại, thông tin rất phức tạp, chỉ khi có khả năng tư duy độc lập thì trẻ mới có thể hình thành được những quan điểm đúng đắn và không bị lôi kéo, bị lừa.
Việc nuôi dưỡng khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ cần trải qua các bước sau:
Cung cấp sự khuyến khích và hỗ trợ.
Tạo cơ hội tự chủ trong học tập.
Cung cấp không gian để trẻ thăm dò và khám phá.
Phát triển tư duy phản biện.
Hướng dẫn trẻ quá trình giải quyết vấn đề và ra quyết định.
Trau dồi khả năng tư duy đa chiều và đổi mới.
6. Khả năng giao tiếp với những người xung quanh
Giao tiếp là một kỹ năng quan trọng để thu hút người khác vào tạo nên thành công.
Việc trau dồi khả năng tương tác với nhóm của trẻ luôn quan trọng hơn việc điểm kiểm tra của trẻ tốt ra sao. Cha mẹ cần dạy trẻ những kỹ năng xã hội cơ bản trong cuộc sống hàng ngày là điều cần thiết.
Dạy trẻ tôn trọng ý kiến của người khác và phát triển khả năng lắng nghe, đồng cảm với người khác.
Khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình, cũng như thúc đẩy cách diễn đạt rõ ràng, chính xác và logic.
Cuộc đời giống như bộ phim “Tây Du Ký”, một quá trình chinh phục yêu quái và nuôi dưỡng chính nghĩa, sự thiện lương.
Khi cha mẹ có cách nuôi dạy tốt thì có thể giúp con mở đường, đạt được thành công lớn trong sự nghiệp.
Bắt đầu từ hôm nay, là phụ huynh, chúng ta cần ngưng chạy theo xu hướng, ngưng chạy theo cái gọi là “con nhà người ta”, học cách phát hiện tài năng của con trẻ, lập cho con một kế hoạch sớm; trau dồi những khả năng tiềm ẩn của con để con có được nguồn năng lượng độc lập và ổn định trong suốt cuộc đời.
[yeni-source src=”https://www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn/muon-con-giau-co-thanh-cong-khong-phai-tap-trung-hoc-van-ma-cha-me-can-giup-con-phat-trien-6-ky-nang-nay-807320.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/muon-con-giau-co-thanh-cong-khong-phai-tap-trung-hoc-van-ma-cha-me-can-giup-con-phat-trien-6-ky-nang-nay-d408671.html” name=”giaitri.thoibaovhnt.vn”]