Không ít cặp vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến ly hôn vì chồng không chia sẻ việc nhà, lơ là trách nhiệm với vợ con. Mới nhìn qua có thể thấy ngay lỗi tại chồng, nhưng “điều tra” thì nguyên nhân gốc là do các bà vợ theo trường phái “con gái nói có là không, nói không là có”, nên các ông thành kẻ vô tư.
“Anh muốn đi đâu thì đi” nghĩa là anh… ở nhà
Chồng tôi rất mê đá banh, anh từng đá cho đội U18 của tỉnh. Sau khi cưới, anh vẫn mỗi chiều và cuối tuần xỏ giày ra sân cỏ. Tan làm, tôi vừa về đến nhà, vợ chồng chưa kịp trò chuyện là anh biến, sau câu thông báo “anh đi đá banh nghen”. Tôi biết dù tôi có cản anh cũng đi. Tôi giận lẫy: “Anh muốn đi đâu thì đi”. Vậy là anh vù ra cửa, mất dạng.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Lúc tôi mang thai, sinh con, anh cũng không thay đổi. Một mình tôi vừa dỗ con, vừa nấu ăn, dọn dẹp; còn anh thì lăn xả cùng trái bóng như không vướng bận gì. Tôi rất bực và tủi thân, vì có chồng cũng như không. Anh đi làm về, đưa mấy đồng lương là như xong trách nhiệm.
Lần nào chồng đi đá banh về chúng tôi cũng cãi cọ. Tôi trách, anh tỉnh bơ: “Ủa, em cho anh đi, giờ nói anh vô tâm là sao? Anh vốn nhẹ dạ cả tin, em nói sao anh nghe như vậy mà”.
Câu hỏi với vẻ nai tơ và pha trò không đúng lúc của chồng càng làm tôi nổi khùng. Tôi muốn anh phải tự hiểu, tự biết tôi cần anh ở nhà. Vì tôi nghĩ mỗi người đều đã trưởng thành và phải có trách nhiệm với cuộc sống, hôn nhân của mình, cần gì người khác nói”. Nhưng, chồng tôi xem mình là chàng trai độc thân, chỉ biết thú vui của bản thân, đó là lý do nhà tôi chiến tranh triền miên.
Sát nhà tôi là nhà cô em họ Mỹ Xuân. Tình cảnh chị em tôi khá giống nhau, cứ một, hai ngày vợ chồng lại gây gổ vì chồng mê chơi banh bóng, nhậu nhẹt. Đồng cảm nên chị em tôi thường xuyên “bán than” với nhau.
Xuân cho biết, hiện tại cô “sống vì con” vì quá chán người chồng thích nhậu, mê chơi bất chấp. Cứ chiều, Huy, chồng Xuân, nhắn cho vợ: “Vợ ơi, chiều anh đi nhậu với phòng/chơi đá banh nghen”.
Xuân giận dỗi nhắn lại: “Anh làm sao coi được thì làm”. Huy xem câu trả lời đó là sự đồng ý. Vậy nên, chiều nào Huy không đi nhậu thì cũng chơi đá banh, bóng chuyền đến 9-10 giờ tối mới về.
Có hôm, Huy “tăng ca” đủ ba món, 12 giờ mới về nhà. Xuân giận dỗi thì chồng năn nỉ, ỉ ôi, hứa hẹn sẽ ở nhà. Nhưng được vài ngày, Huy tù túng, ngứa ngáy chân nên lại thủ thỉ: “Anh đi đá banh nghen”. Và Xuân lại mặt lạnh “muốn đi đâu thì đi”. Vậy là chồng Xuân lại mất hút và qua hôm sau, vợ chẳng thèm nhìn mặt chồng.
Em nghĩ sao nói vậy cho anh bớt hại não
Tình trạng “sáng nắng chiều mưa, trưa lâm râm ẩm thấp” của vợ chồng tôi và vợ chồng Xuân có lẽ kéo dài mãi nếu không có một bà cô chồng xuất hiện. Vào một ngày cuối tuần, cô đến nhà chơi đúng lúc hai ông chồng rủ nhau đi đá banh. Chồng tôi “khều” vợ: “Anh với Huy đi đá banh chút về nghen”. Huy cũng năn nỉ vợ: “Cuối tuần, ba đi giải trí chút nghen mẹ?”.
Ảnh minh họa – Teksomolika |
Tôi và Xuân chẳng tiêu hóa được chuyện hai ông chồng mê banh bóng, nên tôi gắt: “Muốn đi đâu thì đi”; Xuân thì liếc chồng “làm sao coi được thì làm, không nói nhiều”.
Hai ông chồng nháy mắt, đứng lên đi trong sự bất mãn cùng cực của hai bà vợ. Tự dưng, bà cô chồng tôi phá lên cười: “Con Phương (là tôi), con Xuân ngộ thiệt. Tụi con không muốn chồng đi đá banh thì nói rõ ràng “anh đừng đi, ở nhà chơi với con, hay ở nhà phụ em”. Chứ bụng không muốn cho đi, mà miệng trả lời như vậy thì chồng đi rồi lại giận, lại buồn”.
Nghe vậy, hai ông chồng đứng lại, chồng tôi vỗ tay đánh đét: “Thà nói rõ như cô Út đi, để người ta biết, chứ úp úp mở mở đoán ý, hại não lắm”.
Chồng Xuân máu hài nổi lên, dõng dạc: “Xuân, thà em hét vào mặt anh: “Anh không được đi”, thì anh ở nhà ngay, chứ em nói “muốn làm gì thì làm”, trong khi anh muốn đi đá banh mà”.
Nghe vậy, Xuân bật cười và hét: “Không được đi”. Tôi cũng hét lên: “Không được đi”. Hai ông chồng lần đầu thấy vợ cũng pha trò, thích ứng nhanh tình hình, nên ra vẻ “sợ quá, không cho thì ở nhà”.
Sau hôm đó, tôi cứ ngẫm nghĩ lời cô chồng và thấy có lý. Lâu nay tôi muốn gì cũng không nói rõ với chồng, hầu như tôi toàn nói ngược mong muốn của mình. Ngày lễ, thật sự tôi ước ao được chồng tặng hoa, nhưng khi chạy xe ngang hàng hoa, chồng hỏi: “Chồng mua hoa tặng vợ nghen”, thì tôi nói “thôi dẹp”. Tôi tự ái bởi: Chồng muốn mua thì cứ mua, còn hỏi mới tặng thì đâu có thành ý.
Xuân cũng như tôi, và nhiều bà vợ khác. Chúng tôi muốn chồng tự hiểu, tự đoán biết ý của vợ. Nhưng, theo cô chồng tôi, nếu với người chồng tinh tế, vợ không cần phải nói. Còn chồng ham vui, lười động não thì vợ phải nói rõ ràng, không nói lấp lửng.
Lâu nay chúng tôi rất ngưỡng mộ bà cô chồng luôn được ông xã quan tâm, tặng quà. Sẵn dịp này cô mới tiết lộ là thời gian đầu, chồng không tự giác, cô phải nói với chồng cô thích cái giỏ, đôi giày, hoa hồng vàng… Cô chỉ luôn chỗ bán để chồng hết đường viện cớ: “Anh muốn mua mà không biết bán ở đâu?”. Sau mấy năm huấn luyện và tạo điều kiện cho chồng ga lăng với vợ, dượng tôi đã trở thành người chồng điểm 10 trong mắt vợ và con cháu.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Chồng thay đổi khi vợ thay đổi
Tôi bắt đầu học theo cô chồng, luôn trả lời và nói rõ yêu cầu với chồng, không lấp lửng hay nói ngược ý mình như bao năm qua. Tôi biết chồng mê đá banh, nên không thể bắt anh từ bỏ. Hôm nào muốn chồng ở nhà, tôi nói: “Hôm nay anh đừng đi đá banh nghen. Em bị nhức đầu, anh ở nhà giữ con phụ em”.
Bất ngờ thay, chồng tôi đã ở nhà. Dù anh không mấy vui vẻ, nhưng việc anh chịu ở nhà chơi với con và dọn dẹp phụ tôi là sự chuyển biến rất tích cực. Ban đầu, một tuần tôi chỉ yêu cầu chồng ở nhà một ngày. Dần dần, tôi tăng lên hai ngày, ba ngày và hiện nay anh chỉ đi đá banh vào hai ngày cuối tuần. Chồng tôi ở nhà chơi với con thường xuyên nên đâm ra ghiền con. Giờ, nhà có thêm bé thứ hai nên anh càng “tém” bớt sở thích cá nhân.
Thấy chồng tôi ở nhà nhiều hơn, Xuân cũng học chiêu của cô chồng tôi. Xuân không còn câu trả lời muôn thuở “muốn đi đâu thì đi”. Cô ấy bỏ cách nói chuyện có “lưỡi câu móc họng” như Huy hay than phiền: “Em nói gì thì em nói đại ra đi, móc máy chi cho mệt”. Chồng nhắn hỏi đi đá banh, Xuân nhắn lại: “Mai anh hãy đi, hôm nay về chở hai mẹ con đi ăn ốc, em thèm quá”.
Xuân cũng “thả” cho cô con gái ba tuổi bám theo ba. Chồng Xuân rất thương con gái và con gái cũng bám ba. Trước đây, Xuân giận chồng đi nhậu, đá banh nên hay la mắng, không cho con theo ba. Giờ, vừa vợ không cho đi, lại thêm con gái quấn, sau nhiều lần cắt giảm, Huy cũng chỉ lấy “quota” đi chơi hai ngày cuối tuần.
Sau gần năm năm kết hôn, tôi và Xuân mới biết đến sự sẻ chia việc nhà của chồng. Hai bà vợ đã thay đổi cách giao tiếp, không còn bắt chồng phải đoán ý, nên hai bên hiểu nhau hơn. Các ông chồng, không còn phải thấy vợ cau có, khó chịu nên cũng quen dần với việc ở nhà.
Ngẫm ra, đôi khi chìa khóa để hóa giải mâu thuẫn vợ chồng, điều chỉnh sự khác biệt trong hôn nhân là ở trong chính mỗi người. Với vợ chồng tôi, chiếc chìa khóa vàng chỉ đơn giản là: vợ chồng nghĩ gì, mong muốn gì, nguyện vọng gì cứ bày tỏ với nhau bằng cách dễ hiểu nhất. Sự chân thành và từ trái tim sẽ có hồi đáp.
Ảnh mang tính minh họa – PressFoto |
2 nguyên tắc vàng trong giao tiếp vợ chồng 1- Chỉ sử dụng ngôi thứ nhất. Nên bắt đầu câu chuyện bằng từ “em” để đối thoại và sau đó là diễn tả cảm xúc. Ví dụ: “Em rất buồn, tổn thương vì hôm qua anh quát nạt, lớn tiếng với em” thay cho câu nói: “Anh là người cộc cằn, thô lỗ, làm em rất tổn thương”. Phụ nữ khi nóng giận, bực tức có thói quen mở đầu bằng chỉ trích thẳng vào ông chồng: “Anh là người này nọ…”. 2- Khi ông chồng làm điều gì sai sót, vợ chỉ diễn tả hành vi, không tấn công hay phủ nhận phẩm chất con người. Ví dụ: “Hôm qua anh đón con trễ, con sợ bị bỏ rơi khóc quá chừng”, chứ không quy kết tội lỗi “anh là người ham ăn ham nhậu, vô trách nhiệm với con, lúc nào cũng đón con trễ”. Trong giao tiếp vợ chồng, cần nhớ công thức: EM + CẢM XÚC rồi mới đến ANH + HÀNH VI và sau đó nêu rõ ràng mong muốn của mình. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm |
Ngọc Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/muon-gi-em-noi-ra-di-a1476703.html” name=””]