Khi con tôi chia sẻ với cô giáo chuyện con bị bạn tẩy chay, cô nói: “Tại sao cả lớp không ai bị, mà có mỗi mình em? Em phải xem lại cách ứng xử của mình trước, không có lửa sao có khói?”.
Có một thực tế là hầu như trường học nào cũng có tình trạng bạo lực học đường, kể cả trường chuyên. Và hầu hết những đứa trẻ bị bạn bắt nạt, bạo hành thường chọn giải pháp âm thầm chịu đựng vì không tin ba mẹ có thể giúp mình, thậm chí cho rằng sự can thiệp còn làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn.
Nạn bắt nạt có ở bất cứ trường lớp nào và người lớn thường không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm |
Đừng chần chừ khi con có dấu hiệu bị đe dọa
Vừa kết thúc kì thi học kì I, bé V. (lớp 11, Trường THPT T., quận Tân Phú, TPHCM) cầu xin mẹ cho nghỉ học. Nguyên nhân vì V. bị nhóm bạn đánh hội đồng tại ngay bãi gửi xe của trường.
Điều đáng nói, trước đó phụ huynh của V. đã gặp ban giám hiệu thông báo việc V. đang bị đe dọa, và mâu thuẫn được giải quyết bằng bản kiểm điểm nhận lỗi của đứa trẻ bắt nạt bạn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, bé V. lại bị nhóm bạn chặn đánh trả thù vì “dám mách phụ huynh”. Biện pháp cuối cùng gia đình chọn là cho con chuyển trường trong im lặng.
Cũng giống như V., bé L. con tôi (cùng là học sinh lớp 11, trường THPT T., Q.Tân Phú) cũng bị bạn “bốc phốt” trên mạng xã hội, cả lớp tẩy chay. Đầu tiên, tôi tìm hiểu sự việc, cùng con thu thập chứng cứ qua tin nhắn, ghi âm lại những lời đe dọa gửi cho ban giám hiệu, yêu cầu được gặp phụ huynh và người bạn kia để giải quyết rõ ràng.
Trong thời gian chờ sắp xếp cuộc hẹn, tôi mong muốn bé L. an toàn tuyệt đối trong trường (ngoài cổng tôi sẽ bảo vệ con). Tôi nói rõ, nếu nhà trường không có biện pháp đảm bảo, tôi sẽ trình báo cơ quan công an để có giải pháp bảo vệ con. Tôi mong muốn giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa 2 đứa trẻ, chứ không đơn giản bằng tờ giấy cam kết, để rồi sau đó vẫn còn âm ỉ và bùng phát như trường hợp bé V.
Trong buổi nói chuyện có sự chứng kiến của ban giám hiệu, phụ huynh của học sinh bắt nạt con tôi cho rằng đó chỉ là mâu thuẫn của con nít, chuyện nhỏ không có gì nghiêm trọng.
Tôi nói rõ quan điểm của mình là cần sự hợp tác, mục đích của tôi là bảo vệ cả 2 đứa trẻ. Người bị bắt nạt sẽ tổn thương tâm lý nặng nề, thậm chí có những hành động tiêu cực. Tôi nói rõ, việc đưa ảnh bạn lên mạng xã hội với những lời lẽ xúc phạm, kích động đánh nhau là bạo lực tinh thần, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải để cơ quan chức năng xử lý. Bởi nếu sự việc đi quá xa, nó có thể trở thành tội ác, thành hậu quả kinh khủng với con tôi và cả đứa trẻ vì muốn chứng tỏ mình là kẻ mạnh mà tấn công bạn.
Sự quyết liệt của tôi nhận được sự đồng cảm của vị phụ huynh và sự cam kết của nhà trường. Mọi việc được giải quyết dứt điểm, con tôi được an toàn, không còn “bóng ma tâm lý”. Tôi nói vui: “Xem như tập trận để tăng sức đề kháng, sau này nếu có sự cố như này thì con có thể tự bảo vệ mình mà không cần mẹ giúp”.
Đừng thờ ơ với tín hiệu cầu cứu của trẻ
Trong quá trình giúp con, tôi có tham khảo ý kiến bạn bè, hỏi ý kiến chuyên gia, đáng buồn là hầu hết đều không đánh giá cao khả năng giải quyết của giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là ở trường cấp III. Không phải thầy cô nào cũng vô tâm hay thiếu trách nhiệm với học trò. Nguyên nhân có thể do họ không có thời gian vì phải chạy đua cho kịp giáo án nên không theo dõi sát sao, tâm lý sợ phiền, ngại va chạm với phụ huynh.
Trường hợp con tôi là một ví dụ. Sau khi con tôi chia sẻ với cô giáo chủ nhiệm chuyện con bị bạn bịa chuyện nói xấu rồi lôi kéo cả lớp tẩy chay, câu đầu tiên cô nói với bé là: “Tại sao cả lớp không ai bị, mà có mỗi mình em. Em phải xem lại cách ứng xử của mình trước, không có lửa sao có khói?”.
Tôi nghĩ, khi một đứa trẻ phát đi tín hiệu cầu cứu thì nó đang là nạn nhân, đang gặp nguy hiểm, cần sự giúp đỡ. Mọi phán xét, phân tích đúng sai để sau hãy tính.
Khi mọi việc được giải quyết rõ ràng, con tôi nhận được lời xin lỗi của các bạn, chỉ thiếu mỗi lời an ủi của cô giáo chủ nhiệm, có chăng chỉ lời khuyên: “Nói ba mẹ con đừng làm lớn chuyện rồi ảnh hưởng đến nhiều người!”. Đó cũng là lý do mà con tôi muốn chuyển trường, dù đã được đảm bảo an toàn, con rất thất vọng với sự vô cảm của cô. Đỉnh cao của sự thờ ơ là cô không hề biết có 2 học sinh chuyển lớp và 2 bạn chuyển trường, đến tiết học vẫn điểm danh vắng mặt 4 bạn.
Trong trường hợp của bé V., khi nhận đơn xin chuyển trường, thầy hiệu trưởng đã đặt bút ký ngay, không buồn hỏi kỹ nguyên nhân, dù đơn ghi rõ lý do: “Bị bạo lực học đường”.
Vậy nên từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng, để bảo vệ an toàn cho con, chủ yếu vẫn là cha mẹ. Bảo vệ ở đây không phải là hành động hơn thua, quy hết trách nhiệm cho nhà trường. Mà là không khoan nhượng, giải quyết tới nơi tới chốn và không lo sợ bất kỳ thế lực nào, đó cũng là cách cho con niềm tin vào khả năng bảo vệ chở che của cha mẹ.
Hồng Hạnh
(quận Tân Phú, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nan-bao-luc-hoc-duong-giao-vien-cua-con-toi-lanh-lung-noi-khong-co-lua-sao-co-khoi-a1489926.html” name=””]