Đối với trẻ em, môi trường sống an toàn là trên hết. Cùng với xã hội và nhà trường, gia đình phải là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ thật sự. Chúng ta hãy cùng nghe trẻ nói về những mong muốn.
Người lớn có thật sự biết con mình ước mong điều gì không? (Ảnh: Hoàng Hùng) |
Phạm Lê Bình Minh – lớp 9A8 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa: Người lớn lắng nghe, trẻ em mới mạnh dạn tỏ bày
Con may mắn được lớn lên trong một gia đình rất yêu thương nhau, một môi trường học đường lý tưởng và những người bạn vui vẻ, dễ thương. Mọi thứ với con rất vui vẻ, đủ đầy, nhưng con không muốn chỉ là hạnh phúc cá nhân, mà con muốn được đóng góp, được lan tỏa niềm vui, hạnh phúc đến mọi người. Đó chính là mục tiêu con hướng đến. Con mong muốn sẽ trở thành một nhà thiết kế, để truyền tải những giá trị tốt đẹp đến mọi người. Con hy vọng khi chỉ cần nhìn thấy vài hình ảnh, biểu tượng do con tạo ra, nhưng người khác sẽ thấy niềm vui của mình trong đó.
Có một điều con đặc biệt quan tâm là mong mọi người, từ gia đình đến trường học, xã hội, hãy lắng nghe con cái, bạn trẻ nhiều hơn; mong các bạn trẻ tự tin nói ra suy nghĩ, ý kiến của mình. Vì nhiều bạn có nhiều ý tưởng hay, nhưng lại rụt rè, không dám nói, hoặc không có kênh, cơ hội để bày tỏ suy nghĩ của mình. Con cũng mong người lớn đừng áp đặt trẻ con. Cha mẹ hay nói “làm điều tốt nhất cho con” khi muốn con làm theo ý mình, nhưng cha mẹ không hiểu rằng có thể điều cha mẹ nghĩ tốt nhất chưa hẳn tốt và phù hợp với con cái. Con và anh trai (học lớp 11 Trường Phổ thông Năng khiếu) may mắn từ bé đã được ba mẹ cho sự thoải mái trong những lựa chọn, nên anh em con đều phát huy được hết năng lực của mình.
Em Phạm Lê Bình Minh |
Chị Lê Thị Bích Chị – mẹ em Phạm Lê Bình Minh: Luôn đồng hành và nâng đỡ con
Tôi hiểu con gái rất năng động, luôn vì mọi người và hướng đến cộng đồng, nên gia đình luôn ủng hộ và đồng hành cùng con. Ngoài học chính khóa, con còn tham gia câu lạc bộ (CLB) Văn hóa Nhật Bản, CLB Kỹ năng công chúng tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nên vào ngày cuối tuần tôi luôn dành thời gian đưa đón con. Khi biết con muốn lan tỏa thông điệp vui vẻ, hạnh phúc đến mọi người, tôi tiếp tục ủng hộ con chuẩn bị cho bước đệm theo học ngành thiết kế đồ họa.
Tôi thấy mình may mắn vì hai con luôn tự giác học tập, lại tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, xã hội. Các con không xem hạnh phúc cá nhân là quan trọng, mà mong muốn chia sẻ, lan tỏa điều đó đến với mọi người.
Vì lý tưởng này mà con sống rất tích cực, luôn cố gắng học, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, xã hội, đạt nhiều thành tích, giải thưởng từ thành phố, quốc gia, quốc tế và con luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp. Tôi tin khi có lý tưởng, khát vọng và được vun đắp từ bây giờ thì con sẽ chạm đến ước mơ.
Người lớn gieo cho trẻ em những ước mơ đẹp (Ảnh minh họa) |
Lý Gia Bảo – lớp 5B Trường tiểu học B An Thạnh Trung (H.Chợ Mới, tỉnh An Giang): Muốn làm thầy giáo để yêu thương và không la mắng học trò
Con ước mơ trở thành một giáo viên dạy toán. Vì con thấy cô chủ nhiệm Trương Thị Thu Loan của con hiện nay rất yêu thương học sinh. Cô dạy rất hay, dễ hiểu, môn toán hay văn, sử, địa… môn nào cô dạy cũng thú vị, vui vẻ và rất dễ hiểu nên tụi con đều thích.
Cô không phải là cô giáo bình thường, mà giống như mẹ của tụi con. Cô lúc nào cũng nhẹ nhàng, dịu dàng với tụi con và hết lòng yêu thương học sinh. Những bạn gia đình khó khăn, cô mua đồ dùng học tập tặng các bạn. Bạn nào vắng mặt cô tìm hiểu, quan tâm xem bạn bị bệnh hay sao mà nghỉ học. Với những bạn học yếu, cô luôn động viên bạn cố gắng học. Khi tụi con không hiểu bài, hỏi cô, cô vui vẻ giảng lại.
Cô không bao giờ nổi nóng, la mắng, hay đánh học sinh. Cô hay kể cho tụi con nghe những câu chuyện về những người nghèo, khó khăn nhưng cố gắng học giỏi và đã thành công. Cô gieo cho tụi con những ước mơ rất đẹp. Vì cô Loan nên con rất thích đi học và con ước mơ trở thành một giáo viên giống cô. Con sẽ yêu thương học trò của mình, con sẽ không la mắng, hay đánh học sinh và con sẽ cho học sinh thoải mái phát biểu ý kiến. Con cũng ước mơ xây dựng được ngôi trường có nhiều cây xanh, có sân chơi cho học sinh, trong đó phải có sân banh và hồ bơi cho học sinh, để học sinh vừa được học kiến thức, vừa được chơi thể thao.
Em Lý Gia Bảo |
Chị Nguyễn Thị Phước – mẹ em Lý Gia Bảo: Luôn tôn trọng ước mơ của con trẻ
Trước đây, ngày nào tôi cũng phải nhắc nhở, thậm chí rầy la con mới chịu ngồi vào bàn học. Khi đó, tôi phải “1 kèm 1” thì bé mới chịu tập trung học. Nhưng từ khi ước mơ trở thành giáo viên dạy toán, bé học tốt hơn hẳn. Đặc biệt, tính tự giác, tự học rất rõ.
Cứ mỗi tối là bé tự vào bàn học. Bé trở nên siêng học, hết làm bài tập cô giao, bé lại làm thêm bài tập trong sách giáo khoa, sách nâng cao… Đi học thì bé hăng hái phát biểu, bài nào không hiểu thì hỏi cô giáo hay hỏi ba mẹ. Vì vậy, bé học tiến bộ không ngừng. Từ học sinh trung bình khá, bé đã đạt kết quả học tập giỏi; không còn rụt rè, nhút nhát như trước, mà trở nên rất tự tin.
Tôi không ngờ là khi có ước mơ con đã học tiến bộ vượt bậc. Khi trẻ con ước mơ, đôi khi người lớn chúng ta không để ý, vì nghĩ ước mơ con nít mau thay đổi. Nhưng khi lắng nghe con trẻ, tôi thấy ước mơ đó rất ý nghĩa với con. Vì vậy, vợ chồng tôi luôn khuyến khích và đồng hành với con, giúp con nuôi dưỡng và hiện thực hóa ước mơ.
Trịnh Thanh Mai – lớp Năm Trường tiểu học Ngô Quyền (Q.Bình Tân, TP.HCM):
Muốn cả nhà dành nhiều thời gian cho nhau
Ba mẹ và anh Hai rất yêu thương con. Nhưng con vẫn muốn cả nhà dành cho nhau nhiều thời gian hơn. Nhà con rất ít khi đi chơi cùng nhau, ba mẹ con thì luôn bận rộn với công việc, cuối tuần ba thỉnh thoảng đi với bạn bè. Mẹ con phải lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa rồi còn dạy học trò, nên nhà con dù mọi người luôn yêu thương nhau, nhưng ít khi đi chơi. Cả nhà con chỉ có một tấm ảnh chụp chung. Vì vậy, con mong muốn cả nhà bên nhau nhiều hơn.
Con cũng mong mẹ tôn trọng ý kiến của con hơn. Nhất là khi con kể gì với mẹ, mẹ phải giữ bí mật như thỏa thuận. Nhiều bạn của con cũng có suy nghĩ, nguyện vọng giống như con. Người lớn luôn xem tụi con là con nít, nên có lúc không tôn trọng thỏa thuận, bí mật của tụi con. Vì điều này mà tụi con không dám kể, chia sẻ những bí mật và tự nhủ phải tự mình giải quyết.
Em Trịnh Thanh Mai |
Chị Huỳnh Mộng Thư – mẹ em Trịnh Thanh Mai: Chưa chạm đến nhiều nguyện vọng của con
Khi nghe con chia sẻ những điều này, tôi khá bất ngờ. Dù tôi luôn theo sát con, từ việc học đến chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ, nhưng những mong muốn, nguyện vọng này của con tôi chưa được chạm đến. Và tôi không ngờ, câu chuyện con yêu cầu bí mật, nhưng tôi kể mục đích để các bà mẹ rút kinh nghiệm, thành đánh mất lòng tin trong con.
Đó là lần con đi học về (đi bộ, trường gần nhà), khi băng qua đường, con bị kẹt giữa hai chiếc xe tải nên con rất sợ. Cả tháng sau con mới kể tôi nghe và yêu cầu tôi không được kể bất kỳ ai, kể cả ba. Tôi đã hứa, nhưng sau đó thấy chuyện này rất nghiêm trọng, nên tôi kể cho ba của bé nghe và kể cho những bạn bè của tôi nghe, với mục đích để mọi người thận trọng trong việc chăm sóc con trẻ. Những điều con nói làm tôi trăn trở nhiều lắm, và tôi nhận ra mình vẫn còn khiếm khuyết trong việc nuôi dạy con.
Có những khi con vừa bày tỏ ý kiến, thì tôi đã “dập” ngay, vô tình tôi đã triệt tiêu thói quen chia sẻ, tư duy phản biện của con. Những điều con mong muốn tôi thấy đều chính đáng và vợ chồng tôi sẽ điều chỉnh, thay đổi để ước mơ của con thành hiện thực.
Thuỳ Dương (ghi)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/quoc-te-thieu-nhi-1-6-ba-me-oi-con-muon-a1464994.html” name=””]