Nhân ngày Sức khỏe tâm thần (SKTT) thế giới 10/10, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (Biên Hòa, Đồng Nai) cùng nhiều đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy chăm sóc SKTT và hạnh phúc của con người trong bối cảnh khủng hoảng”.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thu Hương – giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH & NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) trình bày những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ SKTT của người dân.
Theo PGS Thu Hương, hiện các rối loạn tâm thần chiếm đến 13% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Đến năm 2030, trầm cảm được cho là góp phần nhiều nhất vào gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tự sát là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây nên tử vong ở thanh thiếu niên trên thế giới. Các rối loạn tâm thần gây ra gánh nặng lớn về chi phí cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
PGS Thu Hương thông tin thêm, tại Việt Nam, hiện có khoảng 12,5% trẻ có các vấn đề SKTT. Trẻ có mức độ phát triển cao hơn thì sẽ có mức độ vấn đề SKTT cao hơn. Các vấn đề SKTT phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên gồm: Trầm cảm, lo âu, các vấn đề hành vi (bao gồm ADHD), các vấn đề SKTT liên quan đến sang chấn. Do những hiểu biết nghèo nàn về các vấn đề SKTT, sự kỳ thị xã hội và sự hạn chế của các nguồn lực và dịch vụ SKTT nên trẻ em chưa nhận được sự điều trị, hỗ trợ đầy đủ. Vì thế, các rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ em, thành tựu giáo dục và những tiềm năng của trẻ trong cuộc sống.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ chia sẻ nội dung “Sức khoẻ tâm thần – một vấn đề của mọi thời đại” |
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2 cho rằng: “Những người có vấn đề về SKTT thường không thừa nhận mình có vấn đề về tâm lý và tâm thần. Họ chỉ thừa nhận những triệu chứng nào mà có liên quan đến cơ thể hơn, ví dụ đau đầu, mất ngủ… Và họ mặc cảm với các nhà tâm thần. Đó là những rào cản làm cho họ không được tiếp cận, chữa trị sớm. Nếu truyền thông phát triển, thông tin được rộng khắp, khi họ có vấn đề, dù còn mơ hồ về bản thân, họ vẫn sẽ tìm đến những các địa chỉ để được chăm sóc SKTT”.
Bàn về tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKTT, TS Lê Minh Công – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH KHXH & NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cảnh báo tình trạng loạn dịch vụ trị liệu “dỏm”.
Theo đó, ngày càng nhiều người chỉ là cử nhân tâm lý hoặc được đào tạo ngành khác, chỉ học vài khóa ngắn hạn, không liên tục về tâm lý đã quảng cáo là có thể chữa được các bệnh lý tâm thần hoặc rối loạn tâm thần. Có những đơn vị không có chức năng về SKTT cũng làm dịch vụ, bắt tay vào đánh giá, can thiệp rối loạn tâm thần bất chấp sai phạm về mặt chuyên môn và vi phạm về mặt y đức.
Theo TS Minh Công, hầu hết những người có vấn đề SKTT và không được chữa trị, hỗ trợ tích cực, đúng cách dẫn đến ngày càng nặng và nguy hiểm. Đến khi họ tìm tới đúng người có chuyên môn và năng lực thì tình trạng đã nghiêm trọng, thách thức rất lớn đối với việc điều trị. Những nhà chuyên môn thực thụ cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp thì lại rất hạn chế truyền thông nên người có nhu cầu khó tiếp cận kịp thời.
Hội thảo còn thảo luận sôi nổi về COVID-19 và vấn đề SKTT trong cộng đồng, làm sao để các nhóm yếu thế tiếp cận được dịch vụ về SKTT, duy trì việc học tập của trẻ có vấn đề về SKTT, làm sao để vai trò các nhà lâm sàng (nhân viên y tế, nhân viên xã hội, chuyên viên tâm lý…) không chồng chéo và bổ trợ hiệu quả cho nhau…
Được biết, Trường ĐHKHXH & NV – ĐH Quốc Gia TP.HCM cũng vừa tổ chức hội thảo khoa học “Đại dịch COVID-19 – những vấn đề đặt ra với công tác chăm sóc SKTT”. Nhiều tham luận tại hội thảo rất được quan tâm: “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ở sinh viên”, “Mối liên hệ giữa việc hạn chế di chuyển và chất lượng cuộc sống trong bối cảnh đại dịch”, “Mối quan hệ giữa sức bật tâm lý và sự an lạc tinh thần trong giai đoạn cách ly xã hội do COVID – 19: Vai trò trung gian của cách thức ứng phó trong mối quan hệ cặp đôi”, “Ảnh hưởng của việc tiếp cận thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19 trên mạng xã hội Facebook và mức độ lo âu của sinh viên”…
Diệu Hiền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngay-suc-khoe-tam-than-the-gioi-10-10-chua-nham-chuyen-gia-dom-suc-khoe-tam-than-them-nguy-hai-a1474913.html” name=””]