Để nạp đầy năng lượng, cảm xúc, gieo mầm ước mơ, hy vọng chuẩn bị cho những hành trình bận rộn, hối hả và đầy hứa hẹn ở phía trước…
Cuộc sống đã trở lại bình thường, nhưng niềm vui xuân mới vẫn rộn rã (ảnh minh họa) |
Hết tết, cuộc sống trở lại bình thường. Mẹ thu dọn đồ dùng, cất bớt bát đĩa vào tủ, mấy cái bình cắm hoa tết được xếp ngay ngắn trong góc nhà. Bố hồ hởi vác cuốc ra đồng. Đám mạ non gieo cấy trong tết đã kiên cường vượt qua những ngày đại hàn vươn lên cứng cỏi, xanh mướt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Khai xuân, đi làm, đường phố chưa đông lắm, bánh xe bon bon. Trên sóng radio vẫn là giọng nói quen thuộc của biên tập viên giao thông nhưng không có những tiếng thở dài, phàn nàn vì cảnh tắc đường. Đường phố thông suốt, mượt mà xen lẫn những bản nhạc mùa xuân vui nhộn khiến lòng người trở nên hào hứng, phấn chấn hơn. Trên cầu, có một vụ va chạm nhẹ. 2 bác tài xế xuống xe, bắt tay xuề xòa bỏ qua cho nhau: “Năm mới mà…”
Dọc đường, có cô gái dừng xe hỏi mua hoa. Hoa ngày xuân dẫu không tràn trề như những ngày áp tết nhưng vẫn tươi thắm. Trả tiền cho chị hàng hoa, cô gái không lấy lại tiền thừa và nhẹ nhàng giải thích: Đầu năm, mua được hoa đẹp để cắm là em vui rồi. Em xem trên mạng thấy hôm tết hoa ế người ta chặt bỏ đi cả cây mai đang vàng rực mà xót hoa và thương người trồng hoa.
Đến cơ quan, đồng nghiệp gặp mặt sum vầy, trao cho nhau những phong bao lì xì đủ màu sắc cùng với những lời chúc tốt lành. Ngày xuân chỉ nói chuyện vui, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười ai nấy đều rộn rã. Chị lớn tuổi trong phòng bị cảm cúm chưa kịp khỏe để đến khai xuân, cả phòng cùng xúm vào gọi face time. Những lời hỏi thăm, những câu dặn dò: “Chị nghỉ ngơi cho khỏe, công việc cứ để chúng em lo… ân cần và ấm cúng”.
Đầu xuân, các mẹ, các chị, các em xúng xính váy áo rủ nhau đi lễ hội. Nào hội chùa Hương, hội Gióng, hội Cổ Loa… Đi lễ đầu năm đâu chỉ để tâm hồn thanh tịnh, cầu mong một năm mạnh khỏe, bình an mà còn để lưu lại những bức ảnh đẹp. Bởi thế nên ai cũng chải chuốt, là lượt áo quần, dặm thêm tí phấn, tô thêm chút son cho má thắm môi hồng.
Mùa xuân cho má thêm thắm môi thêm hồng (ảnh minh họa) |
Đầu xuân, nhận được tấm thiệp hồng của cô em ở cùng nhà trọ thời sinh viên. Sau vài ba mối tình sâu đậm rồi lần lượt tan vỡ, em đã tự mình khóa của trái tim và định sống độc thân suốt đời. Gặp em, em cởi mở trải lòng: “Ai rồi cũng phải khác chị ạ. Rồi có ngày em cũng nhận ra đâu chỉ là mong muốn của bố mẹ em mà bản thân em cũng vẫn còn khao khát có một người để yêu thương, để cùng đồng hành với mình đến già, có những đứa con để ôm ấp, chăm sóc…”
Mừng cho em đã tự mở khóa trái tim mình và tìm được ý trung nhân. “Con gái có thì” nhưng khi đã sẵn sàng mở lòng để tạo dựng hạnh phúc thì không bao giờ là muộn. Một người đã trải qua những va đập đau đớn trong tình yêu một khi đã dũng cảm bước qua sự sợ hãi và bi quan, tâm thế đã sẵn sàng đón nhận cả những vui – buồn, hạnh phúc – khổ đau, cơ hội – thử thách phía trước, hẳn sẽ biết cách dựng xây, trân trọng và giữ gìn tổ ấm.
Con trẻ trở lại trường sau kỳ nghỉ tết, lúc mẹ đón về trên tay là phong bao lì xì đỏ thắm hớn hở khoe: “Cô giáo mừng tuổi cho cả lớp và tối nay không có bài tập về nhà”.
Bữa cơm tối cả gia đình quây quần bên nhau. Bố mẹ chưa có những áp lực công việc, con cái chưa có áp lực bài vở, những câu chuyện đầu xuân bên bàn trà với ít mứt tết còn lại thật vui vẻ, thư thái.
Muôn nẻo đường xuân khởi đầu cho một năm mới như một bản nhạc giao hưởng du dương, nhẹ nhàng… là khoảng thời gian ý nghĩa, quý giá để con người ta có những ngày sống chậm lại: cảm nhận, tận hưởng, bao dung, yêu thương nhiều hơn và để nạp đầy năng lượng, cảm xúc, gieo mầm ước mơ, hy vọng chuẩn bị cho những hành trình bận rộn, hối hả và đầy hứa hẹn ở phía trước.
Thu Đức (Hà Nội)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngay-xuan-chi-noi-chuyen-vui-a1512267.html” name=””]