( Yeni ) – Thay vì nuôi gà ác theo cách thông thường, nhiều nông dân áp dụng biện pháp “cho gà ác nghe nhạc, ăn thảo dược, đẻ trứng vàng”. Nhờ vậy mà có nguồn thu nhập rất khá.
Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thắng (30 tuổi, Nghệ An) là một trong số những nông dân đầu tiên ở tỉnh tiên phong thử nghiệm mô hình nuôi gà ác lấy trứng và thịt gà ác thương phẩm. Loại gà này còn được gọi là ô cốt kê, ô kê hay gà đen, gà chân chì, gà ngũ trảo,… Giống gà này có điểm đặc trưng là toàn thân và chân đều màu đen, có thịt bổ dưỡng. Gà thường được chế biến thành món gà ác tần dành cho những người cần tẩm bổ.
Trước đây giống gà này chỉ nổi danh ở miền Tây, miền Nam mà ít thấy ở các tỉnh phía Bắc. Vì vậy, việc quyết định nuôi gà ác khiến anh Thắng phải suy nghĩ nhiều. Anh cho biết chọn nuôi gà ác là vì chúng có hàm lượng chất dinh dưỡng trong mỗi quả trứng cao gấp đôi trứng thường, cho giá trị kinh tế cao.
Ngày giáp Tết năm 2021, sau khi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng anh cho nhập đàn gà giống đầu tiên. Gà giống vừa nở tròn một ngày từ Long An được đóng thùng, đưa lên máy bay vận chuyển về Nghệ An. Cùng lúc đó ở quê nhà, anh Thắng lắp đặt hệ thống đèn sưởi trong 3 đơn vị chuồng, trang bị thêm dàn mát, hệ thống nước uống sạch tự động cho gà và đặc biệt là “hệ thống máy phát nhạc”. Tổng chi phí lúc bấy giờ lên tới 10 tỷ đồng, trong đó quá nửa tiền là vay ngân hàng.
Chi phí đắt là bởi gà nhập từ phương Nam nên khả năng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt nơi miền Trung kém. Mùa rét, trang trại phải sử dụng hệ thống đèn sưởi, mùa nóng, hệ thống quạt làm mát chạy suốt ngày đêm, kết hợp phun tưới bên ngoài chuồng luôn được duy trì từ 22-28 độ C, thấp hơn từ 10-12 độ so với bên ngoài.
Thêm nữa, việc chăn nuôi gà ác phải tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt: từ kiểm soát chất lượng đầu vào, thức ăn, môi trường và vắc xin phòng bệnh. Anh Thắng cho gà nghe nhạc để chúng bớt bản tính hung dữ và hiếu chiến (gà ác thường mổ đồng loại tứa máu, mổ vỡ trứng vừa đẻ ra), đồng thời gà vừa ăn nhiều hơn, đẻ trứng nhiều hơn. Tuy có tốn công chăm sóc, tiền đầu tư ban đầu cũng không nhỏ nhưng giá trị kinh tế mang lại thì ngoài mong đợi.
Sau 7 tháng mất ăn mất ngủ, lứa gà đầu tiên mà anh Thắng cất công chăm sóc đã đẻ trứng. Hiện tại, trung bình mỗi ngày trang trại của anh thu 3.500 – 4.000 quả trứng. Với mức giá 3.000 đồng/quả, mỗi ngày anh Thắng thu trên dưới 10 triệu đồng, chưa kể tiền bán phân gà.
Ở phía Bắc, gia đình anh Phan Trung Kiên (Hà Nội) cũng thành công với mô hình “gà nghe nhạc, ăn thảo dược, đẻ trứng vàng”. Anh Kiên cho gà nghe nhạc từ 6 giờ sáng đến trưa. Gà ngủ trưa sẽ tắt nhạc, đến đầu giờ chiều lại bật cho gà nghe. Chúng thường nghe nhạc không lời để giảm stress và thúc đẩy sinh trưởng. Ở các góc chuồng đều được trang bị hệ thống loa để có thể truyền tải rõ nét âm thanh tới mọi khu vực chuồng nuôi.
Hiện trang trại của anh Kiên có khoảng 13.000 con gà đẻ trứng, cho ra khoảng 8.000 trứng mỗi ngày. Giá bán là 3.500 đồng đối với loại vừa, trứng hai lòng đỏ giá khoảng 4.000 – 5.000 đồng/quả.
Trang trại của anh Kiên giải quyết việc làm cho 4 lao động với mức lương từ 8.000.000 – 12.000.000 đồng/tháng. Trừ chi phí nhân công, thức ăn và giống, mỗi tháng anh Kiên thu về từ 300.000.000 – 400.000.000 đồng lợi nhuận ròng từ chi phí bán trứng gà ác, thịt gà thương phẩm và phân gà.
[yeni-source src=”https://xevathethao.vn/uncategorized/nghe-la-o-viet-nam-dem-vat-tha-vuon-vao-nuoi-trong-nha-nong-dan-kiem-hang-tram-trieu-moi-thang.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/nghe-la-o-viet-nam-dem-vat-tha-vuon-vao-nuoi-trong-nha-nong-dan-kiem-hang-tram-trieu-moi-thang-d347550.html” name=”Xe và Thể thao”]