Chơi ở chỗ làm của ba mẹ cũng dệt nên một phần ký ức tuổi thơ ngọt ngào của con trẻ.
Trong mớ giấy tờ mà anh Ngọc Lâm – nhân viên một công ty xây dựng, ở quận 5, TPHCM – nhận được chiều ấy từ sếp, có một hồ sơ lạ. Đó là tờ giấy khổ A5 nhăn nhúm, được tô màu sặc sỡ, vẽ đường viền nguệch ngoạc, ngoài bìa có dòng bút phê của sếp: “Anh xem thế này là thế nào?”. Hồi hộp mở ra xem, anh bật cười: “Trời ơi, tưởng gì, làm hết hồn!”.
Chuyện là buổi trưa, cô con gái anh dắt theo vào công ty đã rải thiệp cưới “nhà làm” mời vài cô chú đồng nghiệp của ba, trong đó có chị sếp. Cô bé còn tỏ vẻ nghiêm trọng, nói: “Không có thiệp cưới của con là không được ăn đám cưới của con đâu nha cô. Bạn con chặn cửa lại á”. Các cô chú nghe vậy cười vang, hỏi: “Ủa, thiệp cưới sao không thấy ghi tên chú rể?”. Bé bối rối: “Con ghi sau. Hổng ấy cô tự nghĩ ra đi!”.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Hè nào cũng có chuyện cười bể bụng với các bé theo ba mẹ đi làm. Hơn tháng nay, bà nội có công việc phải về Bắc nên chị Phương Thu – công tác tại một cơ sở y tế ở quận 5, TPHCM – phải “tha” cậu con trai đi làm cùng mẹ. Sáng nào chị Thu cũng dậy sớm nấu ăn, xới cơm theo và việc khó nhất là đánh thức con trai còn đang say giấc. Từ tối hôm trước, chị Thu đã làm công tác tư tưởng: “Ngày mai Cao đi làm cùng mẹ, Cao phải im lặng, không chạy giỡn, la hét, rồi mẹ sẽ mua kẹo mút cho Cao nha”. Chị còn thủ sẵn trong túi xách mấy món đồ chơi như siêu nhân, xe tăng, súng nhựa…
Vào tới phòng làm việc, với bản năng cậu bé “siêu quậy”, Cao chạy tới giật chiếc điện thoại trên bàn và bấm lia lịa, miệng tía lia alo khiến chị Thu phải hết lời dụ ngọt cho bé ngồi yên.
Tuy nhiên, chị Thu chỉ dụ được con trong 2 giờ đầu, sau đó cậu bé bắt đầu khám phá mọi ngóc ngách: chạy chỗ này, đụng chỗ kia, rồi đòi ăn, uống nước, tè, ị… khiến mẹ bù đầu. “Hè, đưa con theo mình vô chỗ làm thì chỉ con vui chứ mẹ không vui nổi” – chị Thu nửa đùa nửa thật.
Tụm năm tụm ba trải chiếu một góc phòng, xếp ghế liền kề làm sân khấu, lâu đài, bày bừa đồ chơi, cắt giấy lót ổ nằm ngủ trưa dưới gầm bàn, rượt đuổi nhau náo loạn căn tin, sân bãi công ty… là những hình ảnh ngây ngô của các con khi “tòng quân nhập… công sở ba/mẹ” ngày hè.
Chơi ở chỗ làm của ba mẹ cũng dệt nên một phần ký ức tuổi thơ ngọt ngào của con trẻ. Một mặt, cho bé theo đi làm, ba mẹ đỡ lo con ở nhà suốt ngày coi điện thoại, ti vi lại không an toàn khi rời tầm mắt người lớn.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Có kinh nghiệm “đối phó” với tình trạng không ai giữ trẻ vào mùa hè, chị Kiều Hân – nhân viên một cơ quan truyền thông ở quận Bình Thạnh, TPHCM – chia sẻ phương án khả thi là hợp tác với đồng nghiệp gom các bé lại một nhà để người này quản lý trẻ, người kia đi phỏng vấn, dự sự kiện và ngược lại. Chị Kiều Hân khoe: “2 chị em đã phối hợp thành công mấy mùa hè, mấy cái tết rồi nên giờ hễ cần là gom để quản”.
Theo ý kiến nhiều phụ huynh, dù nhiều lãnh đạo cơ quan vẫn thông cảm, tạo điều kiện, nhưng cũng phải hạn chế việc dẫn con vào cơ quan, không thể để bé làm ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung của nhiều người.
Để các bé có kỳ nghỉ hè bổ ích, ba mẹ có thể tìm hiểu, đăng ký cho các bé cùng tham gia những trại hè, lớp kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại, du lịch phù hợp với khả năng, điều kiện của từng gia đình.
Hoài Nhân – Thùy Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nghi-he-nha-tre-moc-day-cong-so-a1523417.html” name=””]