Bây giờ, từ năng động không còn dùng riêng cho người trẻ. Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, không ít phụ nữ còn bận rộn hơn. Họ thường có mặt ở nhà… người khác để làm nhiều chuyện rất lạ.
Ủy ban kêu gọi là xông xáo đi
Bà Đặng Ngọc Dung – 65 tuổi, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM. Nghỉ hưu, bà tham gia hoạt động ở phường trong câu lạc bộ người cao tuổi, hội khuyến học, tổ dân phố. Bà tích cực tìm nguồn tài trợ để giúp học sinh nghèo đến trường.
Bà tham gia lập danh sách hộ nghèo trong phường để địa phương kịp thời hỗ trợ gia đình khó khăn, để thăm và tặng quà họ vào những dịp ngày phụ nữ, thiếu nhi, cuối năm… Bà kiên nhẫn giúp các cụ trong hội cao tuổi biết cách sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội và cả cách đóng tiền điện nước qua Internet Banking…
Đội hình dưỡng sinh do bà Ngọc Dung “lôi kéo” (bà Dung đứng bìa trái, hàng thứ hai, phía sau người đàn ông) |
Không chỉ thế, để khuyến khích người cao tuổi sống khỏe mạnh, bà Ngọc Dung còn tiên phong tham gia những buổi tập dưỡng sinh. Hiện mỗi sáng, các cụ tập trung tại sân thể dục thể thao Rạch Miễu, quận Phú Nhuận để tập những động tác theo hướng dẫn của huấn luyện viên.
Tuần 3 ngày, bà Ngọc Dung “lôi kéo” những người về hưu đến hội trường UBND phường nhà tập 56 động tác dưỡng sinh. Mọi người thấy bà luôn vui vẻ yêu đời, dù bà sống một mình từ khi cha mẹ qua đời.
Bà Dung là thành viên và là thư ký Câu lạc bộ Người Yêu Sách thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Cứ mỗi đầu tháng, bà đi chiếc Honda cà tàng từ quận Phú Nhuận sang Thư viện Cộng Đồng (phường 11, quận Gò Vấp), nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ Người Yêu Sách.
Bà vừa lắng nghe, ghi chép nội dung buổi họp, và là người cho ý kiến đóng góp sôi nổi của một người yêu sách và đọc sách, dù nhiều người thắc mắc: “Vừa công việc phường bận túi bụi, vừa cơm nước dọn dẹp căn nhà của riêng mình, thời gian đâu đọc sách”.
Bà chỉ cười: “Muốn là được, nhất là mình vừa yêu công việc, yêu mọi người và yêu sách. Với tình yêu sẵn có thì làm gì chẳng được cho “đối tượng mình yêu”?
Thấy bà Ngọc Dung luôn bận rộn, có người bảo bà bớt việc địa phương, bà lắc đầu: “Tôi cũng bớt rồi. Nhưng rồi công việc thiếu người, ủy ban lại kêu gọi, tôi ở nhà cũng buồn… thế là lại đi làm lại. Mệt thiệt nhưng như thế mới là sống”.
Bà Xuân Mai vui với những người dân đã có giếng sạch |
Hết bệnh lại đi tiếp
Bà Trần Thị Xuân Mai cựu học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4, TPHCM). Năm 1979, bà gia nhập quân đội, xuất ngũ năm 2000, và công tác tại Công ty Legamex đến ngày về hưu.
Ở tuổi 64, bà Trần Thị Xuân Mai vẫn thường liên lạc với bạn bè để có tiền xây cầu bắc qua các con mương, rạch lớn, thay những cây cầu khỉ vắt vẻo nguy hiểm cho người già và trẻ con.
Miền Tây, đặc biệt là vùng Cà Mau, đất bị nhiễm phèn. Muốn lấy nước người dân phải ra những con kênh, mương rạch ô nhiễm, bà Xuân Mai lại vận động những trái tim nhân hậu bốn phương từ bạn bè, bà con thân thuộc, đến cả những người xa lạ chỉ biết bà qua hiệu quả công việc bà đã làm.
Bà huy động đội ngũ đào giếng sạch cho từng hộ gia đình hoặc 2, 3 hộ 1 giếng sạch. Giếng đóng sâu 120m mới bảo đảm độ an toàn vệ sinh nước sử dụng. Đào 1 giếng sạch mấy năm trước chỉ lấy giá vật liệu xây dựng và công thợ hảo tâm là 5 triệu đồng. Sau dịch COVID-19, số tiền tăng lên 6 triệu đồng/giếng.
Một chiếc cầu rộng từ 2,5 – 3m, dài từ 30 – 35m giá từ 160-200 triệu đồng. Bà khảo sát thật kỹ địa hình trước khi quyết định xây cầu. Và chiều dài chiều ngang cây cầu tùy theo độ rộng và đất 2 bên bờ mương. Nhưng trọng tải luôn là phải trên 2 tấn để xe hơi có thể qua lại được.
Số lượng cầu hay giếng được lên kế hoạch thực hiện tùy mức đóng góp của các tổ chức từ thiện và nhà tài trợ. Thời gian chưa “gom” đủ tiền cho các kế hoạch xây cầu, đào giếng, bà Xuân Mai thường đến những ngôi chùa thuộc Hóc Môn, Củ Chi… giúp làm nhang, nến hoặc may mền cung cấp cho những người nghèo vùng xa, vùng cao hay vùng bị thiên tai. Bà tìm nơi tiêu thụ cho những gia đình làm nghề nối mền bằng vải vụn. Bà chia sẻ: “Ai cần, tôi giúp, không phân biệt tôn giáo, vùng miền gì cả. Lòng tốt là không biên giới”.
Bà Xuân Mai giúp tìm nơi tiêu thụ cho những người phụ nữ may mền bằng vải vụn |
Ly hôn, bà cùng con gái lấy phần tài sản được chia về Nhà Bè mua 1 căn hộ chung cư. Cuộc sống gia đình rạn nứt không mang đến cho bà chút yếm thế hay chán nản. Cũng không thể nói bà lao vào công việc từ thiện để quên buồn. Không, bà rất hăng say trong việc vận động nguồn tiền để xây cầu đào giếng. Tuy nhiên, bà không năn nỉ, chèo kéo nhà hảo tâm. Ai biết công việc bà làm, đóng góp thì bà nhận. Xong việc, bà gửi báo cáo đến từng người một cách minh bạch. Bà đi lại như con thoi từ TPHCM tới các tỉnh miền Tây, đặc biệt là Cà Mau để xóa những cây cầu khỉ và cung cấp nước sạch cho người nghèo.
Gọi điện cho bà, thường thấy bà đang dang nắng khảo sát địa hình xây cầu, đào giếng vùng sâu vùng xa, hoặc đang phụ ai đó may mền, nối vải để mang sự ấm áp đến cho dân vùng cao khi mùa lạnh đến. Có khi bà đang nấu ăn cho 1 bếp ăn từ thiện, hoặc bà đang vận động xin xe lăn cho người khuyết tật… Bà bộc bạch: “Con cái lớn rồi, đã có thể sống tự lập, thì mình ở không làm gì. Còn sức thì còn dấn thân phụng sự thôi”.
Không ít lần vì đi khảo sát xây cầu, đào giếng hoặc những lần cứu đói những nơi thiên tai, lũ lụt… bà gặp mưa, bão nên ngã bệnh. Vượt qua bệnh tật, bà lại đi tiếp. Khi được nhắc giảm lo chuyện thiên hạ, giữ gìn sức khỏe, bà cười: “Ôi, quý vị biết tôi từng là bộ đội mà. Là người lính thì sá chi gian nan”.
Nguyễn Ngọc Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nghi-huu-moi-co-nhieu-thoi-gian-giup-nguoi-a1479152.html” name=””]